Có thể xem đây như một quyết tâm mới nhằm tái chinh phục thị trường Việt Nam của Mazda – một trong những nhà sản xuất xe hơi lâu đời nhất Nhật Bản.
Mazda6
Một truyền thống lâu đời
Trong khoảng thời gian khá dài, từ 1979 đến 2010, Mazda nằm dưới sự quản lý của Tập đoàn Ford Motor và sự phụ thuộc đó khiến cho thương hiệu này ít nhiều bị “phai màu” Nhật Bản trong mắt của nhiều người tiêu dùng Việt Nam so với những Toyota, Honda, Mitsubishi, Suzuki… Trên thực tế, Mazda là hãng sản xuất xe hơi có lịch sử lâu đời của xứ sở Mặt trời mọc, được thành lập từ năm 1920, mà tiền thân là một công ty chuyên sản xuất máy công cụ. Năm 1931, họ chế tạo thành công chiếc xe hơi đầu tiên mang tên Mazda-Go và tận tới năm 1984, doanh nghiệp này mới chính thức mang tên Mazda, cho dù tất cả xe hơi đã được bán ra từ nhiều năm trước đó đều mang tên Mazda.
Một thành tựu công nghệ đáng ghi nhận của Mazda trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới là việc vận dụng động cơ quay Wankel, vốn được cho là có nhiều ưu điểm hơn động cơ sử dụng piston. Cuối những năm 1960, Mazda bắt đầu thâm nhập thị trường Bắc Mỹ. Những chiếc Mazda lắp động cơ Wankel rất được ưa chuộng cho tới khi bùng nổ cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Do người Mỹ chuyển sang dùng những chiếc xe tiết kiệm hơn, động cơ Wankel ngốn xăng bị thất sủng. Mazda từng đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng may mắn là đã được Ngân hàng Sumitomo Nhật Bản cứu rỗi. Từ đó, những mẫu xe của Mazda đã chuyển sang lắp động cơ piston để đáp ứng nhu cầu của khách hàng toàn cầu trước bối cảnh giá nhiên liệu leo thang. Động cơ Wankel chỉ còn được sử dụng trên những chiếc xe thể thao như RX-7 và RX-8.
Như đã nói ở trên, trong giai đoạn 1979-2010, Mazda trở thành một bộ phận của Ford Motor, nhưng đây cũng là thời kỳ có tính chất quyết định đến sự phát triển để vươn ra thị trường toàn cầu của Mazda. Ford và Mazda cùng hợp tác trong các dự án nghiên cứu và sản xuất để giảm chi phí. Rất nhiều mẫu xe của Ford và Mazda dùng chung nền tảng khung gầm, động cơ… và được sản xuất tại cùng một nơi. Tuy nhiên, xe của Mazda lại bán không chạy bằng các phiên bản tương tự của Ford tại Mỹ. Ví dụ năm 1991, Mazda giúp Ford phát triển chiếc Explorer, còn Mazda có chiếc xe tương tự mang tên Mavajo được bán tại Mỹ từ năm 1991 đến năm 1994. Nếu Mavajo bịếẩm bao nhiêu thì Explorer lại bán chạy bấy nhiêu, thậm chí còn trở thành chiếc xe bán chạy nhất trong suốt một thập niên. Một vài mẫu xe khác, chẳng hạn chiếc bán tải B-Series được sản xuất trên nền tảng Ford Ranger cũng không được người tiêu dùng ưa chuộng.
Khủng hoảng kinh tế thế giới đã buộc Ford phải thoái vốn ở Mazda để tái cấu trúc từ năm 2010. Đến nay, Ford chỉ nắm 3% cổ phần của Mazda và cả hai trở thành đối tác chiến lược với một liên doanh AutoAlliance International tại Mỹ. Sau khi Ford thoái vốn, Mazda tăng cường đầu tư cho thiết kế và công nghệ. Kết quảấn tượng nhất là đã hình thành một ngôn ngữ tạo hình mang tên Kodo – Soul of Motion (Linh hồn của chuyển động) và công nghệ SkyActiv giảm tiêu thụ nhiên liệu.
Hiện nay, Mazda sản xuất khoảng 1,5 triệu chiếc xe mỗi năm, trong đó cỡ một triệu chiếc được tiêu thụ tại Nhật, phần còn lại được bán ở các khu vực khác như Mỹ, Australia và Nga. Thị trường chính của Mazda là Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Australia, châu Âu, Đông Nam Á. Trong số những nhà sản xuất xe hơi của Nhật, Mazda được xếp ở vị trí thứ tư, sau Toyota, Nissan và Honda.
CX-9
Các dòng sản phẩm hiện nay của Mazda tập trung chủ yếu vào xe gia đình với các mẫu xe thông dụng như Mazda2 (microcar), Mazda3 (compact sedan, hatchback), Mazda5 (compact MPV), Mazda6 (sedan cỡ trung), Mazda8 (MPV), CX-5 (compact crossover), CX-7 (crossover cỡ trung), CX-9 (crossover cỡ lớn), MX-5 (roadster), RX-8 (coupé thể thao) và BT-50 (xe bán tải).
Hành trình trở lại thị trường Việt Nam
Nhiều người còn nhớ khoảng năm 1994 đã có sự hiện diện chính thức của hãng xe Nhật này khi những chiếc Mazda được nhập khẩu, lắp ráp và bán ra bởi Liên doanh ôtô Hòa Bình (VMC). Trong thời kỳ thị trường còn sơ khai, những chiếc Mazda 323, 626 và 929 đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Sau đó, Mazda tung ra thị trường chiếc Mazda6 (thế hệ thứ nhất), Mazda3 và Mazda Premacy với thiết kế zoom-zoom lừng danh một thời. Chiếc Mazda6 có kiểu dáng thể thao đã tạo nên một bước ngoặt trên thị trường và trở thành lựa chọn của giới trẻ, trong khi chiếc Mazda Premacy cũng tạo sự đột phá trong phân khúc xe gia đình.
Tiếc là sau đó khả năng đầu tư cùng định hướng phát triển của Mazda trong VMC gặp nhiều trục trặc, khiến cho các mẫu xe đó ngày càng bị thu hẹp thị phần. Năm 2005, việc lắp ráp Mazda tại Việt Nam qua dây chuyền của VMC chấm dứt và Mazda rút khỏi liên doanh. Tuy vậy, trong thời gian khoảng sáu năm kể từ khi Mazda không còn lắp ráp và phân phối chính thức ở Việt Nam nữa, những chiếc Mazda6 (thế hệ thứ hai) cùng một loạt mẫu xe ưa chuộng như Mazda3, Mazda2 vẫn hiện diện tại thị trường trong nước do có một vài doanh nghiệp và showroom nhập về.
Hiện nay Vina Mazda tại khu công nghiệp Chu Lai chỉ mới lắp ráp Mazda2 và Mazda3
Hành trình trở lại Việt Nam của Mazda bắt đầu từ cuối năm 2010, khi liên doanh lắp ráp và phân phối Vina Mazda được thành lập, để rồi một nhà máy lắp ráp đã ra đời tại khu công nghiệp Chu Lai với trị giá 20 triệu USD. Chỉ trong không đầy hai năm, bên cạnh hệ thống đại lý phân phối đang được hình thành trên toàn quốc, Vina Mazda ào ạt tung ra các mẫu xe mới nhất của mình. Ngày 8-12 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Vina Mazda đã tổ chức lễ giới thiệu xe Mazda thế hệ mới, bao gồm CX-9, Mazda6, pick-up BT-50 bên cạnh một số mẫu xe ra mắt trước đó chưa lâu như CX-5, Mazda2 và Mazda3. Đây cũng là sự kiện đầu tiên nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu các dòng xe Mazda thế hệ mới diễn ra trên toàn quốc, khởi đầu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Đà Nẵng…
Nổi bật trong số các “tân binh” ra mắt lần này là chiếc sedan hạng trung Mazda6 hoàn toàn mới. Đây là thế hệ thứ ba của Mazda6 và là chiếc xe có nhiều cải tiến nhất của Mazda hiện nay, chính thức hiện diện tại Việt Nam chỉ ba tháng sau khi được giới thiệu trên thị trường thế giới. Chấp nhận cạnh tranh trực tiếp với những mẫu xe danh tiếng như Toyota Camry, Ford Mondeo, Honda Accord, Nissan Teana…, Mazda6 có thế mạnh là sự trẻ trung trong thiết kế và các công nghệ hiện đại đi kèm. Tại Việt Nam, Mazda6 thế hệ mới có đủ cả hai phiên bản động cơ 2.0L (giá bán 1,23 tỉ đồng) và 2.5L (giá bán 1,326 tỉ đồng), cùng được trang bị hộp số tự động sáu cấp với lẫy chuyển số nằm trên tay lái. Điểm nổi bật của Mazda6 là công nghệ động cơ SkyActive với thay đổi quan trọng là nâng cao được tỷ số nén để cải thiện hiệu suất hoạt động của động cơ, giúp xe tiết kiệm nhiên liệu nhưng vẫn giữ vững sức mạnh.
Sự xuất hiện của chiếc SUV cỡ lớn bảy chỗ CX-9 nhằm tăng thêm thành viên cho gia đình SUV mà trước đó chỉ có độc một chiếc crossover CX-5. Cả hai đều là những mẫu xe thể thao đa dụng toàn cầu thế hệ mới của Mazda. CX-5 được trang bị động cơ xăng SkyActiv 2.0 đi cùng hộp số tự động sáu cấp với hai lựa chọn: hoặc dẫn động cầu trước, hoặc hai cầu. Còn chiếc SUV cỡ lớn CX-9 mạnh mẽ hơn nhiều nhờ được lắp động cơ 3.7L và dẫn động hai cầu. Cả CX-5 và CX-9 đều có ưu thế chung của các mẫu xe Mazda hiện nay là thiết kế cả nội, ngoại thất đều trẻ trung và năng động, kích thước gọn gàng, bắt mắt cùng nhiều tiện nghi cao cấp, chưa nói đến khả năng tiết kiệm nhiên liệu nhờ công nghệ động cơ SkyActive rất đáng để người tiêu dùng quan tâm (CX-5 tiêu hao khoảng 6,9 lít xăng trên quãng đường 100km).
Tuy nhiên, khi phải lựa chọn thì cả Mazda6 lẫn CX-5 và CX-9 đều khiến người tiêu dùng Việt Nam có đôi chút băn khoăn về giá. So với Toyota Camry mới, giá bán của Mazda6 nhỉnh hơn ở cả hai phiên bản động cơ (2.0L và 2.5L). CX-5 (bản một cầu) với giá 1,185 tỉ đồng cũng nhỉnh hơn đối thủ cùng hạng là Honda CR-V, còn giá 1,695 tỉ đồng đối với bản hai cầu thì ngang ngửa với chiếc Mercedes GLK đứng ở đẳng cấp cao hơn. Trong khi đó, tuy được xếp cùng hạng SUV cỡ lớn với Nissan Patrol hay Toyota Land Cruiser nhưng CX-9 lại có vẻ yếu hơn về mặt động lực học.
Bởi vậy, sự trở lại thị trường Việt Nam của Mazda cho thấy những nét mới mẻ, hiện đại hơn, nhưng dường như mới chỉ mang lại tác động rõ nét nhất là tạo thêm sự lựa chọn mới cho người tiêu dùng.
Quang Hiệp – T.P