Những con số thương vong từ những vụ tai nạn máy bay trong vài tháng gần đây là cú sốc cho ngành công nghiệp vận chuyển hàng không cũng như hành khách sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, cũng vì là một phương tiện vận chuyển đạt mức độ an toàn gần như tuyệt đối so với các phương tiện vận chuyển khác, nên khi xảy ra tai nạn thì nó cũng gây ra “cơn bão” mạnh nhất. Nếu so với con số chuyến bay thành công mà các hãng hàng không khắp thế giới thực hiện mỗi ngày thì đây chỉ là một vài vết sướt nhỏ, không đủ để lấy đi sự tin tưởng của hành khách dành cho loại phương tiện vận chuyển này.
Số lượng hành khách chọn phương tiện vận chuyển hàng không ngày càng gia tăng mạnh mẽ tạo nên thách thức khó khăn cho các hãng hàng không với trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn, khi phải luôn đảm bảo tối đa độ an toàn cho hành khách trong điều kiện không gian di chuyển trở nên dày đặc hơn rất nhiều.
Mỗi ngày có đến 8,3 triệu lượt khách trên khắp toàn cầu, gần bằng dân số thành phố New York của Mỹ, bước vào các khoang khách của các phương tiện vận chuyển trên không và hầu hết đều an toàn tuyệt đối khi rời khỏi đó.
Để đáp ứng số lượng gia tăng của hành khách, các hãng hàng không sẽ phải cần tuyển dụng thêm cũng như tăng cường năng lực đào tạo cho đội ngũ phi công và kỹ thuật viên. Các chính phủ sẽ phải phát triển và quản lý chặt chẽ các quy định về an toàn hàng không nhiều hơn. Những đường băng cất/hạ cánh mới phải được trang bị đầy đủ tất cả các trang thiết bị hỗ trợ cần thiết.
Giới chuyên môn đánh giá được những khó khăn của ngành công nghiệp vận chuyển trên không nhưng cho rằng ngành hàng không đang trong giai đoạn đột phá về tăng trưởng và vẫn được kiểm soát để gia tăng mức độ an toàn trong thời gian tới.
Năm ngoái con số người tham gia bay đạt 3,1 tỉ hành khách, tăng gấp đôi so với năm 1999. Tuy nhiên, con số thiệt mạng vì tai nạn lại thấp hơn rất nhiều. Từ năm 2000, con số hành khách thiệt mạng do tai nạn hàng không được xác định là thấp hơn 3 người/10 triệu hành khách theo thống kê từ một tổ chức tư vấn hàng không cung cấp. Vào thập niên 1990 con số này là gần 8 người và thập niên 80 là 11 người, còn trong thập niên 70 thì cứ 10 triệu hành khách bay thì có 26 hành khách thiệt mạng do tai nạn. Trong tháng vừa qua, mặc dù gặp cú sốc về chuyến bay MH17 cùng với vụ rơi máy bay tại Đài Loan và Mali nhưng đó chỉ là một con số rất nhỏ nếu so sánh với con số lên đến 93.500 chuyến bay được thực hiện mỗi ngày trên thế giới.
“An toàn hàng không vẫn tiếp tục được đảm bảo hơn rất nhiều, những vụ tai nạn đã xảy ra không có nghĩa là sự an toàn này bị đe dọa” là lời khẳng định của các nhà điều hành của các hãng hàng không trên thế giới với khách hàng của mình trong thời gian qua.
Khi thu nhập được nâng cao, người dân tại các khu vực Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, Ấn Độ và Trung Quốc có nhu cầu di chuyển nhiều hơn. Nhà sản xuất máy bay Airbus nhận định rằng trong khi mức độ vận chuyển tại Mỹ tăng trưởng đạt 2,4% hằng năm thì tại những quốc gia đang phát triển con số này lên đến 13,2%. Tại những quốc gia này, vận chuyển hàng không thường là lựa chọn tốt nhất do hầu hết các thành phố nằm cách xa nhau, hệ thống cao tốc hay tàu điện ngầm tốc độ cao không có hoặc rất ít và sự hiện diện của các hãng hàng không mới đã cung cấp những đường bay theo đúng nhu cầu của thị trường. Trong sáu năm tới, hãng hàng không của Indonesia Lion Air sẽ tăng thêm 256 máy bay và IndiGo của Ấn Độ cũng sẽ tăng thêm 125 máy bay, theo Bank of America.
Nhà sản xuất máy bay của Mỹ Boeing thì ước lượng rằng trong vòng 20 năm ngành công nghiệp sẽ cần 498.000 phi công lái máy bay thương mại mới và 556.000 kỹ sư hàng không. Và để có thể kiếm đủ số lượng người để đáp ứng cho nhu cầu này là một điều không dễ thực hiện.
Trong sự bùng nổ về tăng trưởng của loại hình vận chuyển này, để vẫn giữ được mức độ an toàn như đã đạt được ở hiện tại thì theo một số chuyên gia đây là một vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi phải có những giải pháp hợp tác và năng động hơn. Các quốc gia phải có sự đầu tư vào những hệ thống quan trọng, hệ thống radar phủ khắp, hệ thống đèn dẫn trên các đường băng và thiết bị phát tín hiệu cảnh báo đồng thời là những lực lượng cứu hộ và chữa cháy tại các sân bay cũng phải đạt được những tiêu chuẩn về kỹ năng thao tác tốt nhất.
Những tiến bộ về mặt kỹ thuật cũng giúp hạn chế tỷ lệ tai nạn cho ngành hàng không. Buồng lái hiện nay trên các máy bay rất hiện đại với các hệ thống cảnh báo tự động về tình trạng hạ thấp bất thường của máy bay, hay khoảng cách gần với các ngọn núi, đồi hay nguy cơ đối đầu với một máy bay khác trên không, thậm chí hệ thống còn có thể phát hiện được những cơn gió mạnh đột ngột có nguy cơảnh hưởng đến máy bay khi đáp.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều chuyến bay kém an toàn, tỷ lệ tai nạn ở khu vực châu Phi là một ví dụ, nó chiếm gần gấp năm lần so với con số trung bình của toàn thế giới theo số liệu của tổ chức ICAO. Những điều tương tự cũng thường xảy ra tại những khu vực có mức độ tăng trưởng hàng không nhanh nhất, đặc biệt ở những quốc gia mà con số hành khách tham gia vận chuyển bằng đường hàng không sẽ tăng gấp đôi trong 15 năm tới.