Chuyến đi được thực hiện với hy vọng mở ra nhiều cơ hội tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và giáo dục giữa hai quốc gia khi quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand trong các lĩnh vực này đang tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Cũng trong khuôn khổ chuyến viếng thăm này, Bộ trưởng Steven Joyce đã dành cho DNSGCT cuộc trả lời phỏng vấn về những chính sách du học của New Zealand đối với du học sinh Việt Nam cũng như hướng phát triển trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước trong tương lai gần.
Ông Steven Joyce
Hiện nay, người có ý định du học có rất nhiều sự lựa chọn. Ông có thể chia sẻ những lý do nào giúp New Zealand giữ được sức hút của mình với du học sinh quốc tế? Và ông có tự tin liệu New Zealand có thể tiếp tục giữ được sức hút này?
Theo tôi, có năm lý do để một sinh viên lựa chọn nền giáo dục New Zealand. Điều thứ nhất, quan trọng nhất đồng thời cũng là nền tảng cho những yếu tố còn lại chính là chất lượng của hệ thống giáo dục New Zealand. Với dân số chỉ hơn 4 triệu, chúng tôi lại là một trong những nền kinh tế phát triển và ổn định nhất thế giới. Chính vì vậy cuộc sống ở New Zealand trong tất cả mọi lĩnh vực đều có chất lượng cao đồng đều và giáo dục cũng không phải ngoại lệ. Tất cả giáo trình được giảng dạy ở New Zealand đều được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn bảo đảm rằng sinh viên của mình được tiếp cận với những phương pháp, phương tiện học tập hiện đại nhất thế giới để có thể có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.
Điểm mạnh thứ hai của New Zealand chính là nền “văn hóa giáo dục” nơi chúng tôi khuyến khích sinh viên tận dụng tối đa tư duy sáng tạo của mình. Chúng tôi có một nền giáo dục “không e ngại thử thách và giới hạn”, sinh viên luôn “nghĩ khác” và đặt câu hỏi bất cứ lúc nào với bất cứ ai, từ giáo viên của mình hay thậm chí là với cả bộ trưởng nếu như thật sự quan tâm. Và kết quả là chúng tôi đã và đang đào tạo ra những thế hệ nhân lực không chỉ có khả năng hòa nhập cao mà còn có khả năng lãnh đạo và dẫn đầu trong hành trình tìm kiếm những hướng đi và hướng phát triển mới.
Điểm thứ ba chính là nền văn hóa đa dạng bản sắc ở New Zealand. Đúng như cái tên của mình, New Zealand là một vùng đất mới, nơi mà nhiều nền văn hóa khác nhau tìm được tiếng nói chung. Ngoài những nét văn hóa độc đáo được pha trộn bởi chính người dân có nguồn gốc khác nhau ở đây, sự đa dạng còn đến từ chính giảng đường nơi có không ít các sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau trên khắp thế giới.
Điểm thứ tư tôi muốn đề cập đến có thể bị gọi là “chủ quan” nhưng đây là sự thật khó có thể phủ nhận. New Zealand là một đất nước vô cùng tươi đẹp: từ những thành phố hiện đại cho đến những cảnh tượng thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Các sinh viên sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời ở đây.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng với các sinh viên quốc tế chính là cơ hội làm việc tại New Zealand cả trong khi đang học và sau khi tốt nghiệp. Trong thời gian học, sinh viên được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần, còn trong các dịp nghỉ lễ, sinh viên được cho phép làm việc toàn thời gian. Điều này giúp nhiều sinh viên có khả năng tự chủ và trang trải chi phí sinh hoạt của mình nhiều hơn. Ngoài ra, cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp của các bạn sinh viên cũng khá cao.
Ông có thể cho biết đâu là những ngành học được sinh viên quốc tế quan tâm nhất khi đến New Zealand và các sinh viên Việt Nam có mối quan tâm tương tự hay không?
Ở New Zealand chúng tôi xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn thiện để có thể đào tạo tất cả các ngành nghề quan trọng và mang đến cho sinh viên nhiều sự lựa chọn nhất có thể. Những ngành nghề được sinh viên quốc tế quan tâm nhất khi đến New Zealand cũng rất đa dạng, từ các ngành thông dụng đang được ưa chuộng như Kinh tế, Thương mại, Khoa học, Công nghệ máy tính, Kỹ thuật cho đến Nghệ thuật, Nông nghiệp hay Môi trường.
Trong năm 2012, đã có hơn 2.150 sinh viên Việt Nam sang học tập tại New Zealand, tăng hơn 90% so với năm 2008. Việt Nam hiện là thị trường nguồn lớn thứ chín về lượng sinh viên quốc tế học tập tại New Zealand và đạt mức tăng nhanh nhất về số lượng sinh viên sang New Zealand học tập trong khu vực ASEAN. Nhiều sinh viên Việt Nam đến New Zealand theo học các ngành liên quan đến Kinh tế hay Công nghệ máy tính, đây một phần cũng là kết quả sự hợp tác liên thông giữa các trường đại học New Zealand và Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Trường Đại học Victoria của Wellington đã xây dựng cơ sở đào tạo ngay trong khuôn viên của Trường Đại học Kinh tế. Trường Đại học Công nghệ Auckland và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã thực hiện chương trình đào tạo Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin tại Việt Nam. Trường Đại học Massey có chương trình liên kết đào tạo với một số trường, trong đó có Đại học Kinh tế TP.HCM.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang có kế hoạch giới thiệu thêm về hai ngành mà thị trường Việt Nam hiện nay khá cần đó là Nông nghiệp và Môi trường. Nhất là trong lĩnh vực đào tạo những chuyên gia đầu ngành có khả năng đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Hai ngành ngày cũng chiếm chỉ tiêu khá đáng kể trong Quỹ học bổng ASEAN Scholars Awards mà chính phủ New Zealand dành cho Việt Nam và các nước ASEAN khác.
Ông có thể chia sẻ thêm về các chương trình học bổng và hỗ trợ đào tạo của New Zealand dành cho công dân Việt Nam?
Các dự án chính mà chúng tôi đang thực hiện tại Việt Nam bao gồm:
– Học bổng New Zealand – ASEAN là chương trình học bổng vùng dành cho bậc cao học trong đó tập trung vào các khóa học thuộc lĩnh vực phù hợp với New Zealand và ASEAN. Việt Nam được phân bổ 30 suất học bổng một năm. Từ năm 1994, 153 cá nhân tại Việt Nam đã được trao học bổng của chính phủ New Zealand để theo học các khóa sau đại học tại New Zealand.
– Chương trình Bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ chính phủ (ELTO) nhằm nâng cao khả năng tiếng Anh của cán bộ chính phủ Việt Nam đã trở thành hoạt động thường niên. Từ năm 1977, 421 cán bộ Việt Nam đã tham gia chương trình ELTO tại New Zealand.
– Trong năm 2012, New Zealand đã bắt đầu triển khai một dự án có tổng kinh phí 7,5 triệu NZD trong vòng năm năm về phát triển trẻ thơ tại tỉnh Gia Lai. Dự án dựa vào kinh nghiệm của New Zealand về giáo dục mầm non và hỗ trợ cách tiếp cận giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và phù hợp về văn hóa, trong đó bao gồm việc xây dựng trường thân thiện với trẻ và thúc đẩy giáo dục song ngữ và tiếng mẹ đẻ.
Hướng đi tiếp theo để phát triển thêm mối quan hệ hợp tác về giáo dục giữa hai quốc gia là gì, thưa ông?
Sắp tới, chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào việc xây dựng các chương trình liên thông giữa các trường đại học Việt Nam và New Zealand. Trong năm 2012, New Zealand đã tài trợ 200.000 NZD để góp phần vào việc xây dựng và triển khai chương trình liên kết thạc sĩ về quan hệ quốc tế giữa Trường Đại học Victoria ở Wellington và Học viện Ngoại giao của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần, sinh viên Việt Nam và New Zealand sẽ có nhiều cơ hội hơn để trao đổi và tìm hiểu lẫn nhau, không chỉ dành cho sinh viên Việt Nam đến New Zealand học tập mà sinh viên New Zealand cũng nên có cơ hội để tìm hiểu thêm Việt Nam. Đó chính là mối quan hệ hai chiều giúp sự hợp tác giữa hai nước ngày càng bền chặt.
Cảm ơn ông.
Nhật Hà