Xuất thân từ quê nghèo Thanh Hóa, Mai Anh từ một phụ nữ vô danh đã trở thành một họa sĩ có tranh được giới thiệu ở các gallery lớn trong và ngoài nước, với tranh được bán với giá rất cao.
Tiểu sử nghệ thuật vắn tắt của Mai Anh trên trang web các gallery nước ngoài cho biết: chị sinh năm 1961, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Thanh Hóa, kể từ năm 1988 đã có 13 triển lãm cá nhân tại Hongkong, Mỹ và Việt Nam (gần đây nhất là triển lãm “Bốn mùa” tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội – tháng 10-2010), và đã tham gia 34 triển lãm nhóm từ năm 1982 ở Việt Nam cùng các nước Mỹ, Anh, Bỉ, Luxembourg, Nhật, Úc, Singapore. Chất liệu thường dùng: sơn dầu và acrylic.
Có lẽ bước ngoặt trong sự nghiệp nghệ thuật của Mai Anh là vào năm 2002, khi triển lãm “Sắc thu” của nhóm họa sĩ Mai Anh, Đức Lộc và Trần Thành được tổ chức tại gallery Ngàn Phố (Hà Nội). Từ thành công của triển lãm này, ba họa sĩ lọt vào tầm ngắm của gallery Maclaren Roberts ở Sydney (Úc). Kể từ đó, tranh Mai Anh vươn xa khỏi biên giới Việt đến với nhiều chân trời xa, đặc biệt là có mặt trong bộ sưu tập của bà Kim Kieler, chủ nhân của Kim3 International Furnishings gồm một chuỗi sáu cửa hàng đồ nội thất cao cấp ở Santa Barbara, bang California (Mỹ), nơi có nhiều khách hàng là giới hoạt động điện ảnh Hollywood. Vào tháng 8-2008, triển lãm cá nhân của Mai Anh có tên “Nhật thực” (Solar Eclipse) đã được tổ chức tại ba địa điểm của gallery Kim Kieler mà theo một vài nguồn tin thì tranh của chị đã bán được với mức giá kỷ lục đối với một họa sĩ Việt Nam đương đại.
Trong bài viết giới thiệu Mai Anh tại triển lãm của gallery Maclaren Roberts, nhà phê bình mỹ thuật Ian Findlay-Brown, chủ bút tạp chí Asian Arts News viết: “Từ một họa sĩ sống hết sức chật vật, từng phải xé chiếc quần cũ lấy vải để vẽ tranh, cuộc đời của Mai Anh đã thay đổi từ năm 1977 khi cô đọc được bài viết trên báo về một bà cụ 78 tuổi tự học vẽ đã sáng tác được 200 bức tranh (cụ bà Lê Thi ở Hà Đông – NV). Chính điều này đã khơi nguồn cảm hứng để Mai Anh cầm cọ vẽ trở lại. Ở tuổi ba mươi sáu, cô quyết định bắt đầu sáng tác… Từ ngày đó, cô tập trung toàn bộ sự quan tâm vào tranh bằng cách vận dụng những kinh nghiệm thời thơ ấu như nguồn cảm hứng sáng tác. Khi còn là một đứa bé, Mai Anh phải sơ tán về nông thôn để tránh bom đạn chiến tranh; ở đó cô sống với một gia đình nông dân để có được tình yêu đối với những con người khó nhọc và đất đai quê nghèo. Cô đã vẽ những ký ức thời thơ ấu đó ở nông thôn với những nông dân trên cánh đồng, những con trâu cày và những phụ nữ với đức hy sinh cao cả.
Sự biểu hiện cảm xúc trong tranh của Mai Anh rộng lớn mà tinh tế. Cái nhìn trìu mến của cô về miền quê phản ánh tình yêu thương dành cho con người sống ở đó. Hình ảnh u hoài của người đàn bà nông thôn với chiếc nón lá đối chọi với màu nền đỏ, nâu và vàng ngả xám. Không có những khuôn mặt người và cái dáng của họ trong tranh là biểu tượng của nữ tính, thể hiện sự chịu đựng nỗi buồn của phụ nữ Việt Nam, cái cảm giác ấy được tạo bởi cách dùng những nét mảnh màu và bóng đổ. Người nữ được mô tả trong tranh Mai Anh thường nhỏ nhoi trong màn mưa hay trong những cơn gió hoặc sương mù, mà so với họ thì quá lớn…”.
Tự bạch về những sáng tác của mình, Mai Anh nói: “Tôi chẳng hề chuẩn bị trước phác thảo bức tranh. Màu sắc trong tranh cứ phát triển khi tôi vẽ. Tôi đứng hồi lâu trước tấm toan trắng và để cho những sắc màu hiện dần lên theo cảm xúc khi đã xác định được đề tài cùng cấu trúc của bức tranh… Khi vẽ tôi có cảm giác mình đang trong cơn mơ”. Một giấc mơ về những ngày tháng đã xa, đẹp và buồn.
– Đông Hà