Chúng ta vẫn thường nghe mọi người nói về đào tạo nghề ở Đức là đứng đầu thế giới và học nghề ở Đức còn được nhận lương. Điều này nghe thật hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên Việt Nam. Nhưng sự thật có dễ dàng như chúng ta nghĩ không?
Trước tiên, chúng tôi xin khẳng định việc học nghề ở Đức có lương là đúng sự thật. Tùy theo ngành nghề mà có mức lương khác nhau theo quy định của pháp luật. Lĩnh vực đào tạo nghề ở Đức là tốt nhất thế giới, người ta gọi là “Dual system” tức là vừa học lý thuyết và học thực hành ở nhà máy, bệnh viện hoặc nhà hàng đang hoạt động kinh doanh… Chính vì thế mà học sinh khi ra trường thường làm việc được ngay và ít khi bị thất nghiệp như sinh viên đại học.
Hằng năm Bộ Lao động Liên bang Đức đều có đánh giá thống kê và đưa ra một danh sách những nghề ưu tiên dành cho người nước ngoài. Sự thật là những ngành nghề mà người ta dành cho người nước ngoài có thể xin giấy phép cư trú để theo học, là những ngành nghề mà nước Đức không có đủ học sinh theo học. Do đó trong tương lai nguồn nhân lực những ngành nghề này sẽ bị thiếu hụt trầm trọng.
Lý do những ngành nghề này không có người học là nghề đó quá vất vả mà lương lại thấp. Những người Đức “xịn”, theo luật pháp Đức quyền tối thiểu của họ là phải có cơm ăn, áo mặc, có nhà ở và trẻ con phải được học hành. Tất cả chi phí nhà nước đều chi trả đầy đủ. Người Đức không ai muốn học những nghề mà khi đi làm việc vất vả mà lương tính ra chẳng hơn được bao nhiêu so với số tiền nhà nước trả. Thực tế, lương được trả hằng tháng cho những người học nghề trên đất Đức cũng thường rất eo hẹp, bạn phải xác định là thêm vào đó khoảng 200-300 euro mỗi tháng nữa mới đủ sống. Đó là chưa kể những loại phụ phí sẽ bị trừ thẳng vào lương hằng tháng.
Một số ngành nghề có lương cao như nghề chăm sóc người già lương là khoảng 956 euro, nghề điện khoảng 814 euro, nghề vận tải đường sắt, lái tàu khoảng 732 euro… cho năm học nghề đầu tiên và tăng lên trong những năm tiếp theo là các bạn có thể yên tâm học nghề mà không phải lo làm thêm.
Bên cạnh những ngành nghề ưu tiên cho người nước ngoài, một số ngành nghề khác học sinh, sinh viên nước ngoài cũng có thể xin học được. Đó là ở những thành phố tỉnh lẻ mà tiếng Việt chúng ta vẫn thường gọi là “nơi khỉ ho cò gáy”. Những nơi đó ít người sinh sống, nên khi có người xin học thì thành phố họ có thêm nguồn thu nhập từ ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy mức chi tiêu của người dân trong thành phố khi có thêm người mang tiền đến đó sinh sống. Do đó sở ngoại kiều địa phương cũng cấp giấy phép cư trú dễ dàng hơn so với những thành phố khác. Ở những thành phố nhỏ này việc xin làm thêm là hầu như không thể. Việc các cơ sở du học cứ giới thiệu rằng việc làm thêm có thể kiếm từ 5-8 euro/giờ là ở những thành phố lớn mà thôi.
Một điều quan trọng mà mọi người cần chú ý đó là giấy phép cư trú của một người đi học nghề luôn được cấp đi kèm với cơ sở nơi người đó học nghề. Nếu hủy hợp đồng là giấy phép cư trú sẽ hết hiệu lực. Vì vậy, những ai có ý định cứ sang được nước Đức đã rồi sau đó sẽ chuyển về thành phố khác nơi có người thân để xin học nghề thì phải lưu ý điều này.
Hợp đồng học nghề với nơi dạy nghề theo quy định của pháp luật Đức, cũng là một hợp đồng lao động và được bảo đảm theo luật lao động của Đức. Trong hợp đồng học nghề sẽ có thời gian học thử (khoảng bốn tháng), trong thời gian này nếu học sinh học kém không đáp ứng được cho việc học, cơ sở dạy nghề có quyền cắt hợp đồng bất cứ khi nào mà không cần phải nêu lý do (theo luật quy định). Các học sinh cần phải chú ý để cố gắng hết sức trong thời gian này.
Nếu các bạn có kế hoạch sẽ tìm cách định cư lâu dài tại Đức thì theo kinh nghiệm của chúng tôi là các bạn nên chọn một ngành nghề mà nước Đức cần để học. Việc theo học những ngành nghề này có những ưu điểm sau: (1) Tiếng Đức của bạn sẽ rất tốt, là điều rất cần thiết cho cuộc sống lâu dài trên nước Đức, (2) Sau khi ra trường bạn có thể dễ dàng xin được việc làm. Với hợp đồng lao động dài hạn, thu nhập ổn định bạn hoàn toàn có thể xin được giấy phép cư trú hợp pháp trên nước Đức và (3) Sau khi có giấy phép cư trú hợp pháp trên nước Đức bạn có thể cưới vợ/chồng và đặt đơn xin đoàn tụ với bạn. Tức là vợ hoặc chồng của bạn sẽ được phép cư trú hợp pháp khi ăn theo bạn.
- Xem thêm: Đưa sách dạy nghề Đức về Việt Nam
Nói như thế để chúng ta hiểu rõ đó không phải là thiên đường như mọi người vẫn vẽ ra. Chúng ta cần phải xác định rằng việc học nghề ở Đức là rất vất vả cần phải có quyết tâm và nỗ lực rất lớn để vượt qua nó. Cuộc sống của những người đi du học hay học nghề trên nước Đức là một cuộc thử thách rất cam go và đầy khó khăn nếu ai không đủ ý chí và nghị lực cũng như tư duy sẽ bị loại khỏi cuộc chơi giống như quy luật phát triển của tự nhiên vậy. Những khó khăn về ngôn ngữ là rào cản lớn nhất cho việc học tập trên nước Đức, do đó các bạn cần phải hết sức kiên trì, rèn luyện hằng ngày hàng giờ thì mới có thể đáp ứng được cho việc học.
Việc học tập trên nước Đức, ngoài chuyên môn ra cái lớn hơn nữa mà các bạn có thể học hỏi được là cách sống và cách làm việc của người Đức. Nhờ có hai yếu tố này mà nước Đức phát triển một cách ổn định và phồn vinh như ngày nay.
Danh sách những nghề mà nước Đức cần
Hằng năm Bộ Lao động Liên bang Đức đều có thống kê về những nghề sẽ thiếu hụt nhân lực trong tương lai. Những nghề này được nhà nước Đức cho phép tuyển sinh nhân lực từ những nước khác trên thế giới. Cần lưu ý là người ta muốn cho mình sang Đức học và ở lại làm việc cho họ. Nên điều quan trọng nhất là bạn thực sự muốn học và quyết tâm hoàn thành việc học của mình.
Việc xin được visa sang Đức hay không phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của các bạn chứ không phụ thuộc vào các cơ sở dịch vụ. Chỉ cần bạn quyết tâm và thể hiện niềm yêu thích học tập, lao động.
Một số ngành cơ bản:
- Nghề điều dưỡng (chăm sóc người già)
- Cơ khí
- Cơ điện
- Điện tử, điện lạnh
- Công nghệ thông tin
- Tự động hóa
- Thợ hàn
- Thợ kim loại
- Xây dựng
- Làm những dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật (Orthopädietechnik-Mechaniker/in hoặc Hörgeräteakustiker/in)
Những nghề nêu trên là những nghề học song song cả lý thuyết và thực hành. Học những nghề này trên nước Đức là sẽ có mức lương khác nhau tùy theo từng ngành nghề và từng thành phố.
– Luật sư Rechtsanwältin Julia Yen Vu (Văn phòng Luật Kanzlei Relide – Đức)