Khó lòng thu hồi vốn từ việc bán vé, nhiều show ca nhạc hiện nay đã tính đến việc tạo nên nhiều hơn giá trị từ việc liên kết với các kênh truyền hình. Từ cách thích nghi với giới giải trí, các show ca nhạc đã phân tách thị phần cũng như dần đi vào quy chuẩn các show diễn ở mỗi đẳng cấp rất khác nhau.
Liên kết để tồn tại
Sự trở lại mạnh mẽ của các chương trình truyền hình giải trí thực tế đã tạo nên một cơn sốt không nhỏ về lượng khán giả ngồi trước tivi mỗi đêm, nhất là vào các ngày cuối tuần. Tranh thủ cơ hội này, nhiều show ca nhạc đã được nhắm đến việc chọn một kênh sóng thích hợp để liên kết và tạo ra một xu hướng mới là show trực tiếp nhưng vẫn có thể thu hồi một phần vé bán ngay tại sân khấu. Mô hình này không phải mới xuất hiện, từ thời các chương trình điển hình thành công là Giai điệu tình yêu đến nay, thì sự trở lại ồạt lần này chứng tỏ thắng thế vẫn là yếu tố liên kết trong làng giải trí.
Đã có thời gian, gần như show ca nhạc mất hẳn trên sóng truyền hình, thay vào đó là các show quảng cáo thương hiệu thuần túy. Trong hai năm trở lại đây, cũng mô hình liên kết ba bên show ca nhạc – nhà đài – nhãn hàng đã tiếp tục phát triển mạnh, nhưng ẩn đằng sau đó vẫn là các chương trình ca nhạc đầu tư khá nghiêm túc về kịch bản, nội dung, ca sĩ được chọn và khung giờ lên sóng. Nếu như các chương trình truyền hình thực tế đang chiếm gần như giờ vàng của các kênh truyền hình trung ương, hoặc tương đương thì những show ca nhạc liên kết này chọn những kênh ở cấp độ thứ 2, đặc biệt rất thành công trong thời gian gần đây chính là VTV9.
Vậy làm sao tạo ra được những nguồn thu nếu chỉ là show ca nhạc trực tiếp? Thực tế chứng minh, những chương trình nhưTình khúc vượt thời gian, Âm nhạc & Bước nhảy, gần đây là Sol Vàng vẫn có thể bán được hàng ngàn vé dù đã trực tiếp trên sóng truyền hình. Đương nhiên, bài toán ở đây vẫn là sự chia sẻ giữa nhà tài trợ chương trình, nhà đài và một khung giá hợp lý cho show diễn. Với tầm giá vé trung bình từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng cho một chương trình nhưÂm nhạc & Bước nhảy thì không khó kéo một lượng khán giả trẻ là sinh viên, học sinh, fan của ca sĩ đến xem. Trả lời cho câu hỏi vậy có thu hồi được vốn từ việc bán vé hay không, ban tổ chức chương trình Sol Vàng đã từng chia sẻ rằng chương trình không mong có thể lời từ việc bán vé, nhưng với lượng khán giả đến sân khấu trực tiếp chương trình có thể giảm một phần chi phí cho chương trình.
Chương trình Dấu ấn, Tôi tỏa sáng, cũng là hai chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp khá thành công cũng không có nguồn thu trực tiếp từ việc bán vé nhưng đã tồn tại đến ngày hôm nay chứng tỏ liên kết với sóng truyền hình đã tạo ra nhiều giá trị thặng dư khác. Đó không ngoài việc thu quảng cáo từ các nhãn hàng trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Đây là mô hình liên kết đặc biệt hữu ích trong thời buổi hiện nay, nhà đài có chương trình lên sóng vào dịp cuối tuần, nhà sản xuất chương trình có thể tạo nên thương hiệu thông qua các sản phẩm cụ thể và thúc đẩy hơn nữa tính bền chặt trong việc tạo nên nhiều giá trị mới trong công việc kinh doanh sản phẩm giải trí hiện nay.
Phân hóa show ca nhạc
Để thu hút được khán giả đến sân khấu và ngồi trước màn hình tivi, các show ca nhạc phải tự tìm cho mình một đối tượng thích hợp cũng như nâng cao chất lượng chương trình, từ đó thu hút được sự quan tâm của các nhà tài trợ. Không gì khác, show ca nhạc dần tìm ra một định hướng về độ tuổi khán giả nhiều hơn, phương thức chia thị phần phổ biến nhất hiện nay trong các chương trình trên sóng truyền hình. Và điểm dễ nhận thấy nhất qua các show truyền hình liên kết kiểu này, có hai đối tượng khán giả chính là trung niên – lớn tuổi và khán giả trẻ có gu nghe nhạc tạm gọi là hiện đại, cập nhật. Vì là sóng truyền hình, do đó việc sàng lọc đi một số lượng lớn khán giả có tính bề rộng, đơn thuần nhiều hơn nhưng đổi ngược lại, chất lượng chương trình sẽ phần nào nâng cao lên đáng kể.
Trong khoảng năm show ca nhạc thực hiện trực tiếp trên truyền hình thì có đến hai chương trình dành đặc trưng cho khán giả tuổi trung niên trở lên là Sol Vàng và Tình khúc vượt thời gian. Và hai chương trình nhắm đến khán giả là thành phần học sinh, sinh viên và giới trí thức có Dấu ấn và Câu chuyện âm nhạc. Riêng với Tôi tỏa sáng phân khúc của nó có vẻ rộng khắp và mang tính tạo nên một lớp khán giả trẻ nghe nhạc mới khi đối tượng ca sĩ chọn lựa của chương trình cũng rất trẻ và có những vị trí nhất định ở cộng đồng âm nhạc online nói riêng và nhạc trẻ Việt nói chung. Đó chính là thế giới riêng của các show ca nhạc truyền hình trực tiếp.
Đồng thời với việc tạo nên những liên kết để tồn tại, show ca nhạc độc lập cũng đã đi vào những quy chuẩn nhất định. Từ live show đã được hiểu đúng nghĩa hơn trong thời gian qua, các show diễn lớn có quy mô khán giả hàng ngàn người, bề dày ca sĩ hoạt động vào chục năm, mức kinh phí đầu tư lớn mới được nhìn nhận là live show thật sự. Ngoài ra, nhiều công ty giải trí, tổ chức sự kiện đã manh nha tìm kiếm các nguồn nghệ sĩ mới không chỉ trong nước mà cả quốc tế về biểu diễn. Nổi lên như làn sóng mới trong thời gian qua chính là các show diễn hỗn hợp, có hình thức cắm trại nghe nhạc, cũng như show diễn nhạc điện tử có sự tham gia của những DJ nổi tiếng thế giới đã thu được nguồn lời không nhỏ từ tín đồ của dòng nhạc điện tử này.
Ngoài ra, song hành với các show diễn quy mô lớn, hằng đêm các chương trình phòng trà, sân khấu bình dân hơn như Trống Đồng, 126 vẫn dàn dựng các chương trình tạp kỹ để phục vụ đối tượng khán giả riêng của mình. Rõ ràng, show ca nhạc hiện nay không thể có tham vọng bao trùm hết mọi đối tượng khán giả mà phải phân khúc và tính toán một bài toán cụ thể nhất vừa thu hồi được từ việc bán vé, đồng thời tái sản xuất các chương trình. Việc nhà đài và nhà sản xuất chương trình ca nhạc tạo nên những show ca nhạc trực tiếp có bán vé thành công trong thời gian qua đã cho thấy, khán giả cũng có nhiều lựa chọn hơn cho một show hiện nay. Có lẽ, đây sẽ là xu hướng được ưa chuộng trong thời gian tới.
Phạm Lê