Ngày nay, với sự gia tăng tốc độ đô thị hóa trên thế giới, việc quy hoạch và phát triển đô thị đã trở thành một vấn đề quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong khi các khu ổ chuột tiếp tục mọc lên ở các nước đang phát triển làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, thì việc quy hoạch đô thị đòi hỏi phải xem đô thị hóa là một lợi khí của phát triển. Theo Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson, các đô thị có tiềm năng định hình tương lai của con người và đạt được những thắng lợi trong cuộc tranh đấu vì sự phát triển bền vững. Chính vì thế, quy hoạch, vận hành và quản lý đô thị là những yếu tố quan trọng, trong đó không thể không kể đến vai trò của các thị trưởng và chính quyền thành phố. Trong hai thập niên vừa qua, các thành phố và trung tâm đô thị đã trở thành môi trường sống chủ yếu của con người và là trung tâm của sự phát triển con người. Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, số người sống ở đô thị đã vượt quá số người sống ở nông thôn, đánh dấu sự khởi đầu của một “thiên niên kỷ đô thị” mới. Ước tính đến năm 2050, số người sống ở đô thị sẽ chiếm đến 70% tổng số người trên hành tinh. Khi đó, sự nghèo đói vốn là thách thức toàn cầu lớn nhất, sẽ tập trung nhiều hơn tại các khu vực đô thị. Theo Eliasson, hiện có gần 1 tỉ người sống ở đô thị trong tình trạng nguy khốn, đời sống bị đe dọa, phải chui rúc trong các khu ổ chuột. Con số này dự kiến tăng đến 1,6 tỉ người vào năm 2030.
Hiện nay, tình trạng đô thị hóa được liên kết với ba yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững, đó là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã không xem trọng điều này, đi ngược lại mục tiêu thứ 11 của SDGs nhắm vào việc làm cho các đô thị và nơi sinh sống của con người an toàn, sinh động và bền vững. Theo Leida Rijnhout, Giám đốc các chính sách toàn cầu và sự bền vững thuộc Cục Môi trường châu Âu (EEB), quy hoạch đô thị hiện vẫn còn nhắm vào hiệu năng và tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu nâng cao một phong cách sống bền vững. Khi việc xây dựng một hệ thống vận chuyển công cộng phù hợp không được coi trọng bằng việc làm những xa lộ hoành tráng dành cho xe tư nhân nối đuôi nhau chạy, khi người ta quan tâm đến việc xây dựng những trung tâm mua sắm khổng lồ hơn là hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sự phát triển các đô thị bền vững vẫn còn là một thách thức lớn. Nếu được quản lý tốt, các đô thị sẽ tạo nên cơ hội tốt nhất cho phát triển và tăng trưởng kinh tế, đồng thời mở rộng việc thực hiện các dịch vụ cơ bản, bao gồm việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho hàng triệu người. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu như các quốc gia thành viên và các tổ chức của LHQ kết hợp với nhau để quảng bá các chương trình đô thị hóa bền vững và trong mỗi quốc gia, có sự kết nối chặt chẽ và hữu hiệu giữa chính phủ và các chính quyền địa phương.
Để gia tăng hiệu năng của sự phát triển đô thị trong SDGs, các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải cải tổ LHQ để có sự đại diện xứng đáng của các đô thị lớn trên trường quốc tế. Theo họ, không thể coi các đảo quốc như Fiji hay Vanuatu có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn hơn những thành phố như Thượng Hải hay Sao Paulo. Năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 120 thành phố với dân số từ 5 triệu người trở lên, một hội đồng quản lý các thành phố khi ấy sẽ rất cần thiết để củng cố vai trò của chúng trong sinh hoạt chung của toàn thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)