Việc ra mắt bộ sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới – 45 quyển của Will & Ariel Durant vào cuối tuần qua đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả trên toàn quốc. Đây được xem là “biên niên sử” đồ sộ về các nền văn minh trải dài trong suốt 2.500 năm lịch sử của nhân loại, được nhìn bằng lăng kính triết học và được viết bằng ngòi bút kể chuyện giàu hình ảnh. Bộ sách được Viện IRED mua bản quyền, tổ chức dịch thuật và chú giải bằng Tiếng Việt trong suốt 7 năm qua, nhằm giúp đông đảo độc giả Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với các nền văn minh tiêu biểu trong lịch sử loài người.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: “Từ trước năm 1975, nhà văn – dịch giả Nguyễn Hiến Lê đã mua bản quyền bộ sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới gồm 32 tập để dịch ra tiếng Việt. Ngay khi tập đầu tiên ra mắt đã nhận được sự hoan nghênh từ đông đảo người đọc. Trong đó có một độc giả gửi thư cho nhà văn, bày tỏ mong muốn rằng ông hãy tiếp tục dịch phần còn lại. Nguyễn Hiến Lê đã trả lời rằng ông sẽ dịch hết 32 cuốn sách nếu có 3.000 người mua sách như độc giả kia. Những ai có kinh nghiệm trong ngành xuất bản sẽ biết rằng, phải bán được từ 2.000 – 3.000 cuốn sách thì mới có thể thu hồi vốn, với số lượng người đọc ít ỏi thì ngay cả ông Nguyễn Hiến Lê cũng khó mà dịch trọn bộ sách.
Tôi kể câu chuyện này để thấy rằng, ông Giản Tư Trung và Viện IRED rất dũng cảm, khi quyết định mua bản quyền và thực hiện dịch thuật bộ sách này. Lúc nhận được ba cuốn đầu tiên do Viện IRED tặng năm 2020, tôi từng hoài nghi: “Không biết có “gãy gánh giữa đường” không?”. Đến nay thì 45 tập sách đã hiện diện một cách bề thế, tôi vô cùng vui mừng. Một công trình giá trị và có sức nặng như thế này, xứng đáng có mặt trong mọi thư viện cũng như mọi tủ sách gia đình”.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: “Tôi rất cảm phục ông Giản Tư Trung và Viện IRED khi cho ra đời bộ sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới vào ngày hôm nay. Nói như Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt thì đây đúng là một bộ sách nặng ký, và việc mua bản quyền và tổ chức dịch thuật là một quyết định dũng cảm, không chỉ dũng cảm trong đầu tư về tài chính, mà còn dũng cảm khi có lòng tin ở con người. Phải tin là còn nhiều người thích đọc sách sử, nhiều người hướng đến văn minh thì mới đủ dũng cảm để xuất bản bộ sách này.
Tôi đã có kinh nghiệm xương máu về việc khuyến đọc, về tình trạng sách vào đến thư viện mà người ta vẫn không đọc, nên cũng khá lo lắng về “đoạn sau” của bộ sách. Viện IRED đã làm một việc quan trọng là xuất bản trọn bồ sách đồ sộ và cực kỳ “nặng ký” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Song việc làm sao sách tới tay người đọc mới là hành trình gian nan. Là một người say mê tác phẩm này, tôi mong muốn lan tỏa tinh thần đọc sách đến tất cả các độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Bởi vì đây là một bộ sách xứng đáng để đọc và khám phá.
Tiến sĩ Giản Tư Trung: “Khi thực hiện bộ sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới, chúng tôi luôn có niềm tin vào dân trí, cũng như khát vọng giáo trí. Làm sách là làm xuất bản hiển nhiên rồi, nhưng nó gắn với điều chúng tôi theo đuổi, đó là câu chuyện giáo dục, câu chuyện giáo trí.
Thỉnh thoảng, tôi chia sẻ với các thầy cô giáo rằng, có hai môn học ở bậc phổ thông mà học sinh thường không thích, đó là môn lịch sử và môn giáo dục công dân. Thiết nghĩ, lẽ ra học sinh phải hứng thú với hai môn này mới phải. Môn giáo dục công dân là môn học tuyệt vời, giúp con trẻ biết cách thiết kế cuộc đời, học cách trở thành con người – công dân đúng nghĩa. Không ai mà không thích học về cách thiết kế cuộc đời mình cả. Trẻ con ham thích khám phá thì càng thích hơn là lẽ tự nhiên. Lịch sử cũng là một môn học mà tôi nghĩ ai cũng thích. Bản chất của con người là tò mò về quá khứ, bản thân, dòng tộc, quê hướng, đất nước, thế giới. Mà lịch sử là sự thật của quá khứ, thì chắc chắn đứa trẻ nào cũng thích tìm hiểu về lịch sử. Tôi tin rằng ai cũng muốn đọc sách lịch sử. Sách để giải trí thì có thể người thích người không, nhưng sách về lịch sử và các nền văn mình thì ai cũng cần đọc, muốn đọc. Vì đây là đọc để học, là một nhu cầu phải đọc.
Nhân sự kiện này, tôi cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến hai người cộng sự quan trọng giúp hoàn thành bộ sách, đó là dịch giả Phạm Viêm Phương và dịch giả Mai Sơn. Hai dịch giả này đã có một tính thần làm việc nghiêm túc không thể tưởng tượng được. Thật tiếc, dịch giả Mai Sơn đã mất trước khi bộ sách ra mắt. Chỉ có dịch giả Phạm Viêm Phương ở đây. Tôi thật sự tự hào về những người bạn, người cộng sự như hai dịch giả đáng kính này”.
Dịch giả Phạm Viêm Phương: “Điều tôi muốn nói về bộ sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới thì rất nhiều, tuy nhiên tôi chỉ kể về những ấn tượng sâu sắc nhất về bộ sách.
Nếu ví von dòng chảy lịch sử của các triều đại, các trận đánh, các diễn biến chính trị qua các thời kỳ như một dòng sông, thì chúng ta thường quên rằng hai bên bờ còn có các đồng lúa, trường học, nhà thờ, tu viện, đền đài… Đọc bộ sách của tác giả Will Durant, chúng ta như đi qua các dòng sông, nhưng vẫn được “kéo” lên bờ, để hiểu về lịch sử trong một bức tranh đầy đủ các khía cạnh như văn hoá, nghệ thuật, triết học, tôn giáo…
Bộ sách để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm về lòng biết ơn con người. Chúng ta có được nền văn minh hôm nay là nhờ xương máu của rất nhiều người, rất nhiều thế hệ, những người không chỉ hy sinh trong chiến tranh, mà còn xây dựng các nền văn minh. Chẳng hạn, các điều luật Công giáo không cho phép mổ xẻ tử thi. Vì vậy, các bác sĩ phải phẫu thuật trên xác của các tử tù, hay những người chết vô thừa nhận. Nhưng việc sử dụng xác cho khoa học vẫn phải lén lút trong đêm tối. Và không ít người bị phát giác đã bị xử tử. Hay như thiên tài Galileo Galilei phải lấy cái chết để bảo vệ chân lý “trái đất quay quanh măt trời”. Rất nhiều những câu chuyện con người nằm xuống để bảo vệ sự thật, ánh sáng chân lý cho đời sau đã được ghi lại trong bộ sách sử này…
Khi tin vào con người, tôi học được lòng bao dung, chấp nhận những người khác với mình. Will & Ariel Durant đã chỉ ra cho chúng ta thấy con người tàn ác với nhau như thế nào. Chỉ vì không chấp nhận những ý kiến khác mình, người ta xuống tay giết người một cách tàn bạo, thiêu sống vài trăm người một lúc, thậm chí xóa sổ cả một nền văn minh… Càng đọc, tôi thì càng nhận ra rằng không dễ để chúng ta từ bỏ những niềm tin cũ, nhất là những niềm tin đã có từ thời thơ ấu. Chấp nhận niềm tin cũ không còn đúng là một việc làm dũng cảm. Chỉ mới đây thôi, tôi đã lấy hết can đảm nói với cha tôi: “Ba đã sai rồi”. Và thật bất ngờ, cha tôi cũng can đảm nói: “Ừ, có thể ba đã sai”.