Trong một số nền văn hóa, chiếc mạng che mặt đóng vai trò quan trọng trong trang phục cưới của cô dâu. Có nhiều nguyên nhân và các lý giải khác nhau xoay quanh phong tục mang mạng che mặt của tân nương trong ngày trọng đại này.
Ngày cưới trong thế giới cổ xưa không nhất thiết phải thể hiện được không khí lãng mạn của tình yêu trong hôn nhân như ngày nay. Đó là chiếc cầu nối giữa hai gia đình, đồng thời giúp duy trì cả tình trạng kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, nhiều nguồn tài liệu cho thấy ngày cưới là một sự kiện quan trọng theo niên lịch ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Trang phục của cô dâu cũng thế: bộ quần áo của cô chỉ được mặc một lần và điều đó đã thu hút nhiều sự chú ý không khác gì áo cưới ngày nay.
Một chi tiết rất hấp dẫn về trang phục của một cô dâu ở Rome thời cổ đại là chiếc mạng che mặt, phần cần thiết trong trang phục cưới của cô. Được gọi là flammeum, nó bao phủ đầu cô dâu, nhưng không phải khuôn mặt của cô như theo truyền thống thời hiện đại và đủ lớn để quấn chung quanh cô. Có một số vấn đề bất ổn về flammeum và các chuyên gia đã không đồng ý về màu sắc của nó, nhưng mục đích của nó dường như đã được lý giải rõ ràng.
Chính vì từ ngữ này gần với chữ “flamma” của tiếng La tinh có nghĩa là “ngọn lửa”, một số người cho rằng đó là lý do khiến chiếc mạng che của một cô dâu La Mã cổ đại có thể mang màu đỏ. Nhưng không phải ai cũng tán thành lập luận đó. Có những tài liệu nói rằng tấm mạng che mang màu vàng đậm; tác giả La Mã Pliny the Elder (23-79 Công nguyên) so sánh flammeum với màu lòng đỏ trứng.
Ông cũng viết: “Tôi hiểu rằng màu vàng là màu đầu tiên được đánh giá cao và được xem như một đặc quyền để làm mạng che mặt cho cô dâu”. Một tài liệu khác của La Mã cho thấy chúng được nhuộm bằng luteum hoặc luteolin, một chất nhuộm màu vàng vẫn được sử dụng cho đến ngày nay trong các loại sơn và nhuộm da.
Dù là màu sắc nào, người ta đồng thuận cho rằng tấm mạng che sẽ làm cho cô dâu xuất hiện như thể cô là một ngọn lửa nến. Điều này được thực hiện với mục đích để ngăn chặn các tà ma có thể đe dọa phá hoại ngày đặc biệt và tất cả các hoạt động của hôn lễ. Trong nhiều luận thuyết về chức năng tấm màn che của cô dâu, điều sau đây có vẻ được yêu thích nhất: tấm màn che làm cho các tà ma bị nhầm lẫn.
Có thể chúng ta sẽ không bao giờ khẳng định được về bản chất biểu tượng của nó, nhưng truyền thống có nguồn gốc cổ xưa này đã tự hình thành như một phương tiện ngụy trang cho cô dâu thời La Mã cổ đại để thoát khỏi sự đe dọa của ma quỷ. Theo các nguồn tài liệu, nó cũng tương tự như Hy Lạp cổ đại.
Có những truyền thống khác mà chúng ta vẫn áp dụng theo đến hôm nay. Tạp chí Glamour viết rằng chuyện các cô phù dâu mặc trang phục giống nhau trong ngày cưới đã có từ thời La Mã cổ. Họ được yêu cầu mặc cùng chiếc váy với cô dâu, để mang lại may mắn cho cả cô dâu và chú rể.
Thêm nữa, các trang phục giống nhau cũng có tác dụng che giấu trước bất kỳ mọi linh hồn xấu nào có thể tham dự đám cưới với dã tâm nguyền rủa những lứa đôi muốn chung sống lâu dài bên nhau. Trong số những bộ váy trông giống nhau trong đám đông, các tà ma sẽ không thể nhận ra cô dâu là ai.
Những tục lệ dân gian
Tuy nhiên, bức mạng lớn của cô dâu có thể có nhiều chức năng hơn, chẳng hạn như để ngăn cô chạy trốn trong ngày trọng đại và bảo đảm cô sẽ được an toàn khi tuyên thệ hôn ước, theo trang web Bustle. Các thành phần khác trong bộ trang phục cưới của cô dâu cũng được công nhận như các tài sản của họ, chẳng hạn như bộ nữ trang tô điểm cho cô.
Được biết, bên dưới tấm màn che, cô dâu mặc một chiếc váy trắng đơn giản, còn gọi là tunica recta, được dệt theo phong cách truyền thống. Thậm chí cả hàng vải, thường là len, cũng được chọn lọc bởi vì mọi người tin rằng đây là loại vải “may mắn”, một lần nữa càng có ý định tránh xa cái ác.
Về thắt lưng của cô dâu, một chiếc thắt lưng bằng len sẽ được buộc với nút thắt Hercules phức tạp, chỉ có chồng cô mới được mở. Phần nhiều trong các biện pháp phòng ngừa này được xem là cần thiết bởi vì mọi người tin rằng cô dâu đang ở trong một tình huống quyết định. Ra khỏi nhà, nơi cô được sinh ra có nghĩa là để lại phía sau cô những sự bảo vệ của các thần linh mà gia đình cô vẫn tôn thờ. Trước khi lễ cưới được hoàn tất và cô gia nhập gia đình của chú rể, cô vẫn đang ở trong tình trạng lấp lửng, không được bảo vệ ở thế giới bên ngoài.
Nếu chúng ta tìm kiếm thêm những truyền thống dường như đã ăn sâu vào văn hóa dân gian của thế giới phương Tây kể từ thời đế quốc La Mã, chúng vẫn hiện diện ở đó. Hãy nghĩ đến những chiếc bánh cưới và những vị khách mời đám cưới thời La Mã cổ đại, người ta đã chia nhỏ ổ bánh mì trên đầu cô dâu. Tục lệ này chỉ nhằm xua đuổi những ác hồn, nhằm chúc cho cô dâu sẽ được sinh nở thuận lợi. Riêng tục lệ tổ chức các đám cưới vào tháng 6 cũng không có gì mới. Tháng sáu (June) được đặt theo tên của nữ thần La Mã Juno, người chịu trách nhiệm về chiến tranh và sinh nở; đó là lý do tại sao nhiều người La Mã tổ chức đám cưới vào tháng 6.
Lai lịch xa xưa
Vào thế kỷ 19, các chiếc mạng che mặt của cô dâu trong đám cưới tượng trưng cho sự trinh tiết và khiêm tốn của người phụ nữ. Truyền thống khuôn mặt của cô dâu được che mạng vẫn thịnh hành cho đến ngày nay. Một cô dâu đồng trinh, đặc biệt trong văn hóa Thiên Chúa giáo hay Do Thái giáo, sẽ bước vào nghi lễ hôn nhân với khuôn mặt và đầu được che kín, và cứ tiếp tục che như thế cho đến khi hôn lễ kết thúc. Sau khi kết thúc lễ cưới, cha của cô dâu sẽ nâng tấm màn che cho cô dâu đến với chú rể. Sau đó, chú rể hôn cô dâu hoặc nâng tấm mạng lên để hôn cô; điều này biểu thị rằng chú rể là người có quyền được tiến vào mối quan hệ vợ chồng với tân nương của anh.
Những tục lệ thời hiện đại
Một dịp để phụ nữ phương Tây có thể mang tấm mạng che là vào ngày cưới trắng (ngày cưới trắng: ngày cưới theo truyền thống Thiên Chúa giáo trong nhà thờ, ở đó cô dâu sẽ mặc trang phục cưới màu trắng) của cô. Các cô dâu xõa tóc xuống tới lưng trong đám cưới. Những chiếc mạng che mái tóc và khuôn mặt trở thành một biểu tượng cho sự trong trắng của cô. Cô dâu có thể mang mạng che mặt trong suốt hôn lễ. Cha cô sẽ vén mạng lên, giới thiệu cô với chú rể, hoặc chú rể sẽ vén mạng của cô lên để biểu thị rằng hôn lễ đã kết thúc. Khi tấm mạng được vén lên cũng là một cách để tôn vinh vẻ đẹp của cô dâu trước chú rể và các vị khách.
Trong đám cưới ngày nay, nghi thức gỡ bỏ tấm màn che mặt sau đám cưới để giới thiệu cô dâu với chú rể có thể không xảy ra vì các cặp đôi có thể đã có quan hệ vợ chồng trước đám cưới và hành động đó có thể bị coi là sự phân biệt giới tính đối với cô dâu; việc che phủ khuôn mặt vẫn được tiến hành cho dù tấm màn che có phải là dấu hiệu của sự trinh tiết hay không. Ở Bắc Âu, cô dâu thường mang một tấm màn che dưới một chiếc vương miện truyền thống nhưng không che kín mặt (thay vào đó tấm mạng che được gắn vào và mang ở phía sau).
Mạng che mặt cho nam giới
Nhắc đến tấm mạng che mặt, tưởng cũng nên nói thêm về tục lệ mang mạng che mặt ở nam giới. Trong số các cộng đồng du cư người Tuareg, Songhai, Hausa và Fulani ở Tây Phi, phụ nữ thường không đeo khăn che mặt, trong khi đàn ông thì mang. Tục lệ đàn ông mang mạng che mặt cũng phổ biến trong các bộ lạc Berber Sanhaja. Chiếc mạng che của nam giới ở Bắc Phi dùng để che miệng và đôi khi che một phần vùng mũi, có tên là litham theo tiếng Ả Rập và tagelmust theo tiếng Tuareg.
Các chàng trai Tuareg sẽ đeo tấm màn che lúc bắt đầu vào tuổi dậy thì và việc che mạng được xem như biểu thị của tuổi trưởng thành. Sự việc được xem là không thích hợp khi một người đàn ông không mang mạng che mặt trước mặt những người lớn tuổi hơn họ, nhất là khi những người này thuộc về gia đình bên vợ anh ta.
Việc đeo litham không được coi là một yêu cầu tôn giáo, mặc dù dường như nó được cho là đem lại sự bảo vệ chống lại ma thuật của các thế lực tà ác. Trên thực tế, litham dùng để che bụi bặm và chống nhiệt độ cao đặc trưng của môi trường sa mạc.
Ở một số vùng thuộc Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Nepal, đàn ông thường mang một khăn sehra trong ngày cưới của họ. Các sehra được làm từ hoa, hạt, kim tuyến, lá khô, hoặc dừa. Ngày nay ở miền Bắc Ấn Độ, bạn có thể thấy chú rể đến trên một con ngựa với sehra quấn quanh đầu.