Trên bình diện toàn cầu, hiện còn nhiều rào cản phải vượt qua để có thể chấm dứt dần nạn tảo hôn, trong đó phải kể đến rào cản về tập quán xã hội và đời sống kinh tế của những gia đình có thu nhập thấp. Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) ước lượng mỗi năm có đến 17,4 triệu cô gái lấy chồng trước 18 tuổi. Trong các mục tiêu phát triển bền vững được cộng đồng quốc tế đề ra từ năm 2015, có việc triệt tiêu nạn tảo hôn, giúp các cô gái vị thành niên có cơ hội vẽ lại tương lai của họ.
Tháng 3 năm nay, UNFPA và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) phát động “Chương trình đẩy mạnh hoạt động nhằm chấm dứt nạn tảo hôn” với sự cộng tác của nhiều cô gái vị thành niên. Chương trình sẽ hỗ trợ cho các cô gái thuộc các quốc gia Nam Á (Bangladesh, Ấn Độ, Nepal), Trung Đông (Yemen), Tây và Trung Phi (Burkina Faso, Ghana, Sierra Leone, Niger), Đông và Nam Phi (Ethiopia, Mozambique, Uganda, Zambia) trong các lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, độc lập về kinh tế và xã hội, phát huy tiềm năng sẵn có của họ… Trong thời gian tới, Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với các chính phủ để nâng cao sức khỏe, giáo dục cho giới nữ, đảm bảo cho họ quyền được luật pháp bảo vệ, quảng bá các quyền cơ bản của họ, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản. Với sự hỗ trợ của UNFPA, một số quốc gia như Anh, Hà Lan, Canada và của chính phủ Ấn Độ, các nữ công dân nước này có cơ hội tham gia vào một chương trình giúp họ và gia đình họ có điều kiện đình hoãn những cuộc hôn nhân quá sớm. Tương lai nền kinh tế Ấn Độ và một số nước Nam Á tùy thuộc một phần vào việc ngăn chặn hữu hiệu nạn tảo hôn đã tồn tại từ rất lâu đời.
Lê Nguyễn theo IPS, Telegraph (DNSGCT)