Năm 23 tuổi, Lê Trung Hiếu – Giám đốc Hãng đồng hồ GIMIKO, trở thành triệu phú, một đại gia oai trấn một vùng. Trải qua bao lần tay trắng, gầy dựng cơ đồ, rồi lại trắng tay… Cuộc đời quá đỗi thăng trầm dường như đã tạo cho ông một sự bình thản đến kiên cường, để rồi chính ông đã tìm thấy cảm giác về một bình minh luôn ở phía trước. Sáu mươi tuổi, ba lần “tự lên dây cót” cho đời mình, Lê Trung Hiếu là một minh chứng sống động về những bài học thất bại, về tình yêu đối với xứ sở, với công việc, về nghị lực của con người. Hình ảnh con ngựa tung vó phi nước đại của GIMIKO cũng chính là khát vọng của đời ông, khát vọng tận dụng từng phút, từng giây có mặt trên đời… Bởi hơn ai hết, ông đã tự dằn vặt mình bao đêm với câu hỏi: Tôi là ai? Tôi sinh ra trên đời để làm gì?
“Giang sơn” nằm ngay 34 đường Võ Văn Tần, TP.HCM, nơi mà đồng hồ không còn là một vật để chỉ thời gian mà đã trở thành một thế giới của nghệ thuật, của sự cách tân mang hồn rất Việt Nam. Có những hoa văn huyền ảo của gỗ mít trên những chiếc đồng hồ quả lắc cổ kính, có tiếng gà gáy đón bình minh trong điệu nhạc xưa, có cả những chiếc đồng hồ thể thao rất thời trang như vật trang sức đáng yêu dành cho giới trẻ… Căn phòng làm việc của chủ nhân GIMIKO tràn ngập không gian yên bình của lá. Những lá đa to và dày làm dịu mát cả dãy đồng hồ trên tường. Với giọng nói trầm và vang từ lồng ngực khỏe khoắn, trông ông vẫn tráng kiện và sung sức ở tuổi 60…
____
Ông đã trải qua một thời quá khứ oanh liệt, điều gì khiến ông quyết bỏ nhà ra đi để tạo lập một sự nghiệp riêng từ quá sớm như vậy?
Cuộc đời có những thăng trầm của nó, tất cả mọi thành công đến với tôi đều không dễ dàng. Quê tôi ở Hà Tây, hai tuổi đã theo gia đình vào Nam sinh sống, một cuộc sống rất khó khăn. Bảy anh em tôi đều sống nhờ cửa hàng buôn bán giày da của ba mẹ. Là con trai cả trong gia đình, tôi phải đi làm thêm để phụ giúp ba mẹ từ rất sớm.
Nhìn gia đình cứ nghèo khó mãi, tôi băn khoăn tự hỏi không biết con người sinh ra để làm gì? Suy nghĩ phải tự lập luôn dằn vặt tôi… Ngay từ bé tôi đã có đam mê về kỹ thuật, chiếc máy nào vào tay tôi cũng bị tháo bung ra hết, tôi không hài lòng với bất cứ lời chỉ dạy nào, và muốn tự mình phát hiện. Năm 19 tuổi, tôi quyết định rời Sài Gòn ra miền Trung để tìm “vùng đất mới”, bởi ở đây có quá nhiều người tài, hơn tôi là họ có cả tài chính.
____
Tư tưởng làm chủ đã đến với ông từ khi còn rất trẻ? Làm thế nào để ông có thể thuyết phục người khác tin mình khi còn quá trẻ?
Tôi bắt đầu bằng đủ mọi nghề, từ sửa chữa đồng hồ, máy ảnh, đến dạy học tiếng Anh cho bà con xóm chợ… Rồi làm cho Hãng xây dựng RMK của Mỹ. Tư duy độc lập đến với tôi từ rất trẻ, tôi luôn bất đồng với những người Mỹ trong sở và cả ngoài đời vì phần lớn trong số họ không tôn trọng người Việt mình. Chính nhờ việc luôn đứng về phía người Việt Nam trong mọi sự va chạm, có những lần nguy hiểm đến cả tính mạng mà tôi được mọi người quý mến.
Nhờ lăn lộn ở các chợ đầu mối, tôi phát hiện ra sự chênh lệch về nhu yếu phẩm giữa ba nơi Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi… Hồi đó, phương tiện phân phối còn hạn hẹp, những người làm nghề này rất ít, chủ yếu chỉ bó hẹp trong một tỉnh. Tôi bắt đầu thiết lập các đầu mối ở những chợ lớn, tìm ra thế mạnh của từng nơi, chuyển hàng vải sợi may mặc về Đà Nẵng, và đổi lấy những mặt hàng sản xuất từ Đà Nẵng đến hai nơi còn lại.
Liên tục đi, liên tục nắm bắt thị trường, lăn lộn ngoài chợ, ngoài ga xe lửa, đã giúp tôi có được một mối quan hệ khá rộng. Năm 23 tuổi, tôi đã trở thành bạn hàng quen thuộc của các chợ đầu mối, nhưng đến năm 26 tuổi, tôi thất bại do tình hình tiền tệ thay đổi. Tôi lại bắt đầu làm lại từ đầu. Đến năm 30 tuổi, tôi thành công và quyết định trở lại Sài Gòn.
____
Con người ông luôn nghĩ ra những hình thức kinh doanh mới, kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất trong những năm tháng tha phương lập nghiệp này? Khi có thật nhiều tiền để trở về Sài Gòn, cảm giác lúc đó của ông ra sao?
Tôi nghĩ muốn thành công phải tìm cái mới, phải phá rừng mà đi. Nếu đi theo đường mòn thì chỉ gặt hái được những sản phẩm hạng xoàng. Quan điểm của tôi là tạo ra nhu cầu và phục vụ nhu cầu đó. Hồi ấy, tôi sống gần một bên ga xe lửa, mỗi sáng thức giấc nghe tiếng còi tàu là nhớ nhà hết sức. Khi ra đi, tôi quyết tâm phải làm nên sự nghiệp mới trở về. Sau ba năm xa nhà, nhớ mẹ và các em không chịu nổi, đêm giao thừa tôi phải về nhưng không dám vô nhà, chỉ nép bên con hẻm nhìn đủ người thân rồi lại ra đi. Sau sáu năm, khi thấy mình khá rồi, tôi mới trở về nhà.
Tất cả tâm huyết của tôi nhắm tới một thương hiệu đồng hồ Made in Vietnam.
____
Ông đánh giá thế nào về thành công của mình với GIMIKO?
Lại phải tạo ra nhu cầu, chứ sau năm 1975, người ta đâu có xài đồng hồ nhiều như bây giờ? Tôi nghĩ bất cứ một nước phát triển hay đang phát triển đều cần… thời gian. Tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc làm đồng hồ bằng thạch anh, chế tạo những đồng hồ nhỏ rất chính xác. Lúc này làm vỏ đồng hồ rất khó, vì nhựa chưa được nhập vào Việt Nam, tất cả đều phải làm bằng nhựa thứ phẩm từ các tủ lạnh và tivi bỏ ra, và bằng gỗ mít, mẫu mã phù hợp với kiến trúc cận đại.
Khó khăn ban đầu là tự tạo mẫu mới mà thế giới chưa từng có, hàng trăm mẫu đồng hồ khác nhau đều do tôi vẽ kiểu. Sản phẩm GIMIKO dần được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng và mẫu mã. Đây là một thị trường chỉ mạnh đến một giới hạn, nhưng không đi xuống, bởi lúc nào cũng cần mẫu mã mới. Hiện chúng tôi chiếm 60% thị phần trong nước, và cạnh tranh trực tiếp với các nhãn hiệu nước ngoài… Sắp tới để hội nhập AFTA, chúng tôi sẽ nghiên cứu phát triển loại đồng hồ gỗ, gốm sứ…
Tuy chỉ đóng góp phần nào cho xã hội, nhưng với riêng tôi thì đó chưa thực sự là một thành công. Tất cả tâm huyết của tôi nhắm tới một thương hiệu đồng hồ Made in Vietnam. Thực sự khi làm một nhãn hiệu đồng hồ chất lượng cao, thì lãi không cao lắm, khó có thể đứng vững nếu chỉ nghĩ về lợi nhuận. Nhưng tôi đã thành công về mặt tinh thần, trả lời được câu hỏi con người sinh ra để làm gì? Đó là được làm việc để tận dụng hết thời gian sống, để tìm hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống, đó là công việc.
____
Những nguyên tắc của riêng ông để quản lý thật hiệu quả?
GIMIKO có tính cách như một đại gia đình, có những công nhân gắn bó với chúng tôi hơn 10 năm nay, họ rất nhạy cảm với những thăng trầm, những vui buồn của công ty. Muốn thế, người đầu tàu phải luôn có tinh thần bình đẳng, biết tôn trọng những sáng tạo, phân quyền cho hợp lý, thưởng phạt rõ ràng…
Các cụ ngày xưa thường bảo: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, tại sao ông lại đi ngược lại? Là người kinh doanh quá nhiều ngành nghề khác hẳn nhau, từ vải vóc, chế biến hải sản xuất khẩu, đến sản xuất đồng hồ…
Tôi vốn là người rất nhạy cảm trong kinh doanh, khi đã đạt đến đỉnh cao, tôi luôn biết “ngưỡng” của nó và chuyển ngay sang một hình thức kinh doanh mới. Với tôi, khi đi vào một ngành nghề nào đó thì trước tiên phải say mê, có say mê mới vượt qua được tất cả. Tôi hiểu bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải nghiên cứu kỹ, đem hết trí óc, sức lực, nếu không thành công thì ta vẫn còn lại niềm vui là sự say mê (cười).
Sản xuất đồng hồ với độ chính xác về khuôn mẫu đã đành, việc nghĩ ra kiểu dáng mới còn quan trọng hơn, đòi hỏi người thiết kế phải rất lãng mạn và có óc tưởng tượng phong phú. Đi đâu, nhìn thấy cái gì tôi cũng liên tưởng đến hình bóng của đồng hồ. Những chuyến đi về miền quê, trong khung cảnh tĩnh lặng và êm đềm là lúc tôi nghĩ ra nhiều kiểu đồng hồ mới nhất, về nhà lập tức phác thảo ra ngay.
____
Áp lực kinh doanh có làm ông mất đi sự sáng tạo cần có?
Sáng tạo nằm trong áp lực kinh doanh, phải suy nghĩ làm sao để luôn nổi trội, luôn mới mẻ.
Khi làm việc đừng nghĩ về đồng tiền nhiều quá, sẽ có lúc thất vọng rồi không làm được gì. Tôi đã nhiều lần trắng tay nhưng mình vẫn phải là mình.
____
Điểm lại cuộc đời mình, ông thấy những đoạn nào mình bị tụt xuống thấp nhất? Làm thế nào ông còn giữ được sự bền bỉ, kiên trì ? Ông nghĩ gì về đồng tiền sau bao lần là triệu phú, rồi lại trắng tay?
Lần trắng tay thứ nhất năm 26 tuổi đã khiến tôi gượng ngay dậy, lần trắng tay thứ hai năm 1975 do xáo trộn về nhân sự, môi trường đã khiến Công ty Hatico dần đình trệ và phá sản, là một cú sốc khá mạnh. Nhưng biến cố bất ngờ là năm 1978 đến với tôi khi tuổi đã gần bốn mươi, đó là thời kỳ Nhà nước cải tạo tư sản, mà tôi tưởng rằng mình khó có thể vượt qua để trở lại với kinh doanh được.
Ngày đất nước giải phóng, rất nhiều bạn bè hối thúc tôi đi nhưng tôi đã quyết định ở lại, vì tôi nghĩ mình chẳng có tội gì cả, tại sao lại phải ra đi? Ra đi là sẽ mất quê hương, mất công việc mà mình yêu thích. Nhưng khi bị đi kinh tế mới, quả thật lúc đó tinh thần tôi bị suy sụp hẳn. Lấy gì để nuôi bảy đứa con và cha mẹ già? Trong khi những người khác phải trồng rau cuốc đất, thì tôi nhờ sửa đồng hồ cho những anh bộ đội đóng quân gần đó, rồi chữa máy nổ… mà kiếm sống qua ngày… Bốn năm sau, tôi được “cắt đuôi” tư sản thương nghiệp… Với tôi, kiếm tiền không phải là tất cả, được làm việc, được cống hiến cho đất nước mới là điều quan trọng.
Tôi cũng thường nói với các con: Khi làm việc đừng nghĩ về đồng tiền nhiều quá, sẽ có lúc thất vọng rồi không làm được gì. Tôi đã nhiều lần trắng tay, nhiều lần mất hết mọi thứ, nhưng mình vẫn phải là mình. Có tiền thì ăn thịt, ăn cá, không tiền thì ăn rau, dù được sống hay phải sống cũng phải làm điều tử tế. Cuộc đời ai cũng có vui buồn, hạnh phúc, nếu biết nghĩ về hạnh phúc mà quên đi đau khổ thì mọi chuyện sẽ qua đi dễ dàng hơn.
Tôi nhớ một câu chuyện về hai người đi trên sa mạc, trong tay đều còn nửa bình nước, người lạc quan thì cho rằng mình còn những nửa bình nước, người bi quan thì sợ hãi mình chỉ còn nửa bình nước… đó là do quan niệm của mỗi người. Thất bại là mẹ của thành công, muốn thành công, phải tìm ra trong thất bại những khiếm khuyết để sửa nó, mới có thể thành công được.
____
Quá trình đấu tranh để giành lại danh dự cho mình có gặp nhiều khó khăn không? Ông nghĩ gì về những người có cùng hoàn cảnh như ông?
Điều lo lắng nhất của tôi lúc ấy là làm sao cho con được đến trường. Tôi nghĩ dù vất vả, đó cũng là cuộc sống. Tôi may mắn có nguồn động viên lớn là nhà tôi vốn rất tháo vát đã kết hợp với HTX để mở cửa hàng kinh doanh nên cũng đỡ phần nào. Khi còn ở vùng kinh tế mới, tôi vẫn liên tục gửi đơn xin về Sài Gòn, sau đó tôi được công nhận là tư sản yêu nước, được chấp nhận trở về.
Đây quả thực là một giai đoạn rất khó khăn, nhưng nhờ Nhà nước đã có một đường lối khác, nên tôi đã được giải oan. Thay đổi liên tục, thất bại liên tục đã khiến tôi bình thản với tất cả. Khi đến vùng kinh tế mới, ba ngày sau tôi đã dắt con đi câu cá. Tôi hiểu chuyện đánh tư sản vào lúc ấy của Nhà nước là hợp lý. Phần đông những người lúc đó ở địa vị như tôi đã ra đi, đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng cũng có điều may là sau này một số người đã trở về.
Thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn chúng tôi, nhưng để thành công cũng khó khăn hơn nhiều vì rất nhiều người có tài, cây nào vượt lên giữa rừng cây mới được chú ý.
____
Ông nghĩ gì về con cái ông nói riêng và thế hệ trẻ nói chung?
Thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn chúng tôi, nhưng để thành công cũng khó khăn hơn nhiều vì rất nhiều người có tài, có sự nghiệp, cạnh tranh cao hơn, cây nào vượt lên giữa rừng cây mới được chú ý. Đất nước sẽ phát triển về văn hóa, kỹ thuật, đòi hỏi họ phải cố gắng học hỏi nhiều, và phải có tư duy độc lập. Không có tư duy độc lập thì khó có thể có một vị trí tốt trong xã hội, nếu chỉ nghĩ lương cao, thì sẽ ở lại mãi vị trí làm thuê, mà không thể làm chủ được.
____
Ở tuổi này ông vẫn có khả năng “làm lại từ đầu” chứ? Ông có nguyên tắc nào cho riêng mình về kinh doanh, về cuộc sống?
So với ngày xưa, tôi làm việc năng nổ hơn và thấy mình vẫn rất say mê công việc. Tôi dự định nghiên cứu nhiều cái mới, không liên quan gì đến đồng hồ. Tuổi nào cũng có tương lai của nó, dù tôi đã trên 60. Đã là một con người thì phải làm hết chức năng của một con người. Khi đã kinh doanh cần có nhiều thủ thuật (không phải thủ đoạn), và phải làm cho hết những gì mà kinh doanh cần.
____
Ông nghĩ gì về thời gian, về sức khỏe, về gia đình, về bè bạn? Điều gì làm ông dễ yếu lòng nhất? Ông có thay đổi nhiều không so với thời gian? Làm thế nào ông giữ được sự bền bỉ trong cuộc sống?
Bạn bè quen biết thì nhiều, nhưng bạn bè hiểu mình thì không còn bao nhiêu, nói cách nào đó người doanh nhân rất cô đơn… Mỗi tuần, tôi có một ngày nghỉ, nhưng tôi vẫn thấy ngày nghỉ ấy không bằng ngày làm việc. Tôi vẫn tập thể dục và tập tạ thường xuyên, khoảng một tiếng rưỡi trong một ngày giữ cho mình khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn. Trí lực tốt thì công việc mới tốt được.
Ngoài ra, tôi thích nghe nhạc blues trước khi đi ngủ. Tôi sống rất bình dị và hiểu rằng sự việc nào cũng đều có cách giải quyết của nó, cho nên những lúc tôi nóng giận hay yếu lòng đều rất con người… Tôi cũng đang đưa con cái vào nắm những công việc thiết yếu của công ty, một cháu nắm kỹ thuật, một cháu nắm kinh doanh, và có cháu nắm vị trí quản lý… Điều tôi để lại lớn nhất cho con chính là cuộc sống của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vững vàng để sống, sống tốt và sống đẹp.
Gia đình đối với tôi là có một người phụ nữ bên cạnh hiểu tôi, con cái biết thế nào là lẽ sống… Một điều may mắn cho tôi là các con đều biết tự tìm cho mình một công việc thích hợp để làm. Hạnh phúc với tôi là lúc con cái sum họp cùng cha bàn về công việc. Gia đình tôi là một tổ ấm thực sự, cuộc sống luôn phải đấu tranh, tôi chỉ cảm thấy thoải mái nhất là khi trở về nhà…