Trước đây, ước mơ du học vẫn còn được xem là khá xa vời với nhiều bạn trẻ, vì chi phí để theo học 1-2 năm dự bị đại học/cao đẳng cộng đồng và sau đó là 3-4 năm đại học vẫn còn vượt quá mức sống của nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, các chương trình liên thông giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học tại các nước phát triển từ khi được giới thiệu đã mang mơ ước được đi du học và nhận bằng đại học quốc tế đến gần hơn với rất nhiều gia đình.
Chương trình liên thông: 2+2 = Bằng tốt nghiệp quốc tế
Chương trình liên thông cơ bản được hình thành theo nguyên tắc một nửa chương trình được giảng dạy ở Việt Nam và một nửa chương trình giảng dạy tại nước ngoài. Thông thường, tỷ lệ số năm học tại Việt Nam – nước ngoài sẽ là 2:2, hoặc trong một số chương trình là 3:1. So với lựa chọn học 1-2 năm dự bị đại học và 3-4 đại học ở nước ngoài, các chương trình liên thông thật sự là một lựa chọn tiết kiệm. Ưu thế nổi bật của loại hình chương trình này là sinh viên vẫn có thể có được tấm bằng đại học quốc tế với chi phí tiết kiệm nhất, lên đến 40%. Theo số liệu của HESA (Cơ quan dữ liệu giáo dục bậc đại học và sau đại học của Vương quốc Anh) năm 2010-2011, Việt Nam là một trong số những nước có lượng học sinh theo học các chương trình liên kết tăng cao đến 70% so với năm trước đó.
Tiết kiệm mà vẫn hiệu quả, đó chính là lý do các chương trình đại học liên thông ngày càng được các bậc phụ huynh và học sinh ưa chuộng. Những năm học tại Việt Nam thường là thời gian học viên tiếp thu các kiến thức đại cương, các môn học nền tảng và rèn luyện kỹ năng chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp. Tuy học ở Việt Nam nhưng học viên vẫn được học 100% bằng tiếng Anh với giáo trình quốc tế. Khi bắt đầu chuyển tiếp, học viên sẽ bắt đầu “vào guồng” với các môn học chuyên ngành nâng cao, các khóa thực hành cũng như chương trình thực tập tại môi trường làm việc quốc tế. Sự phân bổ chương trình hợp lý chính là “chìa khóa” giúp học viên có đủ thời gian chuẩn bị các kỹ năng và kiến thức để không bị bỡ ngỡ trong giai đoạn chuyển tiếp khi mới du học.
Với những phụ huynh và học sinh còn chần chừ chưa muốn đi du học vì nhiều lý do như sợ phải sống xa nhà, tự lập ở một môi trường xa lạ, chưa có đủ trình độ ngoại ngữ, thì các chương trình liên thông cũng là một sự lựa chọn đáng cân nhắc. Không chỉ tiết kiệm chi phí, chương trình liên thông còn giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi cho con đi du học xa nhà vì con em mình đã cứng cáp hơn. Học sinh sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cả về tinh thần cũng như các kỹ năng tổ chức cuộc sống khi phải sống tự lập. Đồng thời khoảng thời gian ở Việt Nam cũng là để học sinh trau dồi thêm ngoại ngữ, làm quen trước với những từ ngữ chuyên ngành…
Một số trường đại học ở TP.HCM có giảng dạy các chương trình liên kết của Anh bao gồm: Đại học Ngân hàng, Đại học Luật, Đại học Quốc tế, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Hoa Sen, Đại học Sư phạm Kỹ thuật… với các ngành học Tài chính, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Điện và điện tử, Khoa học máy tính, Công nghệ sinh học… Các lựa chọn về điểm đến cũng rất đa dạng như: Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Úc, New Zealand, Hà Lan, Phần Lan, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đi kèm theo là nhiều sự lựa chọn về ngoại ngữ khác nhau.
Từ câu chuyện thật…
Nguyễn Thị Bích Thủy, cựu sinh viên chương trình liên thông giữa Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Nottingham (Anh) ngành Công nghệ sinh học chia sẻ: “Chương trình học liên kết đã mang đến cho tôi nhiều điều mà không thể có ở chương trình nào khác. Tôi có thể trực tiếp so sánh đánh giá những phương pháp học tại Việt Nam cũng như Anh để chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất với từng môn học. Lúc đầu khi chọn theo học chương trình này, một trong những điều tôi lo ngại nhất là không theo kịp chương trình và cách học của sinh viên quốc tế khi chuyển tiếp sang Anh. Tuy nhiên dần dần tôi cũng thấy tự tin hơn vì trong hai năm đầu, tôi đã được học toàn bộ giáo trình bằng tiếng Anh, tiếp cận và sử dụng toàn bộ giáo trình được biên soạn ở Anh và quốc tế. Vì vậy, tôi vẫn tìm được sự tương đồng trong chương trình học ở Anh và Việt Nam. Điều khác biệt duy nhất đó là sự tương tác trong giảng đường ở Anh sẽ cao hơn rất nhiều so với trường đại học tại Việt Nam. Nói cách khác, sinh viên nước ngoài rất thích tranh luận và giảng viên nước ngoài cũng hay thích tạo cơ hội để cả thầy và trò cùng có thể thảo luận. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải có hiểu biết, tư duy nhiều cũng như kỹ năng làm việc theo nhóm rất cao”.
Tuy học viên đã có thời gian để chuẩn bị tại Việt Nam, nhưng sự khác biệt giữa cách dạy và học giữa hai chương trình học sẽ là một thử thách mà học viên cần vượt qua. Khi bắt đầu chuyển tiếp, dù chỉ vừa làm quen với trường mới, bạn mới, thực tế là học viên đã bắt đầu theo học chương trình của năm ba với những môn về phần cuối của chương trình. Chính vì vậy, yêu cầu cũng cao hơn so với các sinh viên năm nhất. Các giảng viên và bạn cùng lớp sẽ đối xử hoàn toàn bình đẳng với các học viên chương trình liên thông. Đây là điểm tốt, nhưng cũng đòi hỏi học viên phải có bản lĩnh, linh hoạt và một sự chuẩn bị tốt từ nhà để có thể hòa nhập nhanh chóng vào chương trình học.
“Lời khuyên của tôi là hãy chuẩn bị thật tốt kỹ năng tiếng Anh để bạn có thể hòa nhập được vào cuộc sống và khóa học một cách nhanh nhất, vì bạn sẽ không có nhiều thời gian như trong những chương trình khác. Tìm hiểu thật kỹ về chương trình học và cuộc sống ở nước ngoài. Ví dụ, tìm hiểu kỹ trên trang web của khoa để biết nội dung của toàn bộ khóa học, những năm ở nước ngoài sẽ học những môn học gì. Ngoài ra, tìm hiểu về cuộc sống cũng khá quan trọng. Ví dụ như nơi ăn ở, thời tiết, khí hậu, các hội sinh viên ở bên đó để chuẩn bị tâm lý tốt khi sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Chịu khó làm quen và học hỏi kinh nghiệm của các anh chị sinh viên đi trước vì chỉ có họ mới cho bạn được những lời khuyên thực tế nhất”, Bích Thủy nói thêm.
Nhật Hà