Hết hè, một ông bố đúc kết sau học kỳ quân đội của đứa con trai 12 tuổi, kết quả lạc quan nhất là nó biết lau cái bàn cho thật sạch!
Mọi người nghe ai nấy ngạc nhiên, tốn bao nhiêu tiền, công sức cha mẹ vậy mà mừng khi con biết… lau bàn là công việc mà bất kỳ gia đình nào cũng có thể dạy con được?
Ông bố mới phân tích, đừng tưởng việc lau bàn là dễ, để biết cách lau cái bàn cho thật sạch phải có… kỹ năng, phải được tập luyện nhiều lần nếu không là một người kỹ tính hay khéo léo.
Nhìn cách lau bàn có thể đoán biết được phần nào tính cách một con người. Người hời hợt cẩu thả thì lau cái bàn qua loa, sơ sài, đại khái, hất hết mọi thức trên bàn xuống đất mà không quan tâm có vương vãi tùm lum hay không. Người chậm chạp nhưng không kỹ tính thì lau cái bàn nhìn thấy… ngứa mắt. Người nhanh nhẩu đoảng thì lau loẹt quẹt vài cái là xong mà không để ý sau khi lau có để lại “vằn vện” trên bàn hay không, nhất là mặt bàn kính hay inox. Vào quán ăn, nhìn người phục vụ lau bàn đoán biết không chỉ tính cách mà còn nhận ra người đó có được đào tạo hay không…
Ông bố phân tích tiếp, để lau một cái bàn cho thật sạch, trước hết khăn lau phải sạch. Vẫn có người dùng khăn không sạch mà lau bàn đấy! Sau nữa, tùy theo… mục đích yêu cầu của “đối tượng” cần lau mà dùng loại khăn gì. Nếu lau bụi thì có hai cách, dùng khăn ẩm để lau nếu bụi quá dày, sau đó dùng khăn khô mềm lau lại. Có người kỹ đến mức lau xong, miết tay lên bàn (kính) kiểm tra còn vết loang lổ, vằn vện hay không (phải nhìn nghiêng mới thấy), hay đặt cả bàn tay lên mặt bàn (gỗ) và miết mặt bàn, sạch hay chưa biết liền!
Lau bàn ăn là cả một… phạm trù khác nữa với mặt bàn gỗ, kính, kim loại. Cách chung nhất vẫn là khăn ẩm. Có người dùng khăn ướt lau bàn rồi không lau lại, để lại những bọt nước li ti trông rất… dơ. Trước khi lau khăn ẩm sạch nên dùng giấy vệ sinh hay một cái khăn khác dồn tất cả những thứ có trên bàn lại cho vào sọt rác, tối kỵ việc lau ào hất hết các thứ xuống nền. Cách cầm khăn cũng phải tập, cái khăn phải xếp lại gọn và to hơn bàn tay để khi lau tới đâu sạch tới đó, lý do xếp gọn là khăn không bị lòe xòe ra, không những không sạch mà có thể bị vung vãi các thứ trên bàn.
Ông bố trên kết luận, việc lau bàn có thể tập được thành thói quen dù người hời hợt, cẩu thả đến đâu. Từ việc biết lau một cái bàn cho thật sạch, sẽ tập cho con nhiều thứ như: cẩn thận, kỹ lưỡng, biết quan sát, làm đâu gọn đó, biết tính toán sao cho vừa tiết kiệm thời gian, công sức (không phải quét dọn những thứ vương vãi dưới nền)…
Ông bố này có suy nghĩ thật ngộ nghĩnh! Nhưng, chịu khó phân tích sẽ thấy ông hoàn toàn đúng. Không dễ dàng gì tập một đứa trẻ 12 tuổi biết lau bàn đúng ý người lớn có kinh nghiệm sống nhiều năm, Lau bàn, chuyện nhỏ mà không nhỏ. Phải được rèn luyện từ cơ bản nhất để thành thói quen.
Từ thói quen tốt này sẽ thêm được nhiều thói quen tốt khác như: giữ gìn vệ sinh môi trường chung quanh sạch sẽ, biết chăm sóc bản thân, biết tổ chức công việc sao cho gọn gàng, khoa học… Phát sinh thêm những việc lớn hơn căn bản của văn hóa, ứng xử cộng đồng. Tất nhiên đó là hy vọng của ông bố, muốn con mình lớn lên biết tự lập, lo cho bản thân và quan trọng là có văn hóa làm người.
Nghe thì rất to tát, nhưng nghĩ lại, căn bản của con người là biết giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, chỉ một ý thức này thôi đủ trang bị cho con người nhiều văn hóa ứng xử khác nữa. Tất nhiên, không phải một sớm một chiều mà phải là quá trình rèn luyện liên tục, nghiêm túc.
Hãy bắt đầu từ việc lau bàn là việc mà bất kỳ một đứa trẻ con nào cũng làm được, nhưng lau thế nào, duy trì thói quen ra sao mới là vấn đề đặt ra cho các ông bố, bà mẹ.