Chính phủ đang muốn lập lại một trật tự về đất đai đang được giao cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước đây. Nếu Thanh tra Chính phủ làm đến nơi đến chốn, chấm dứt tình trạng lạm dụng các ưu đãi về đất đai thì sẽ mang lại cho ngân sách những khoản tiền lớn.
Bộ Tài chính đã có kiến nghị kèm theo danh mục 60 trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 11-2016, cần được xem xét.
Các khu đất này trước đây đều là đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau khi chuyển đổi, các khu đất này được sử dụng để triển khai nhiều dự án lớn mà chủ yếu là các dự án bất động sản (BĐS), các dự án nhà ở thương mại để bán.
Trong số này, Hà Nội có 24 dự án chiếm gần 50%, TP. Hồ Chí Minh có 11 dự án với nhiều dự án lớn của nhiều chủ đầu tư có tên tuổi trong thị trường BĐS hiện nay, một số nhà đầu tư “nổi tiếng” về các sai phạm trong quá trình thi công dự án hiện nay.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai tại các doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo đó đề nghị Bộ Tài chính chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ đã được thủ tướng phê duyệt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Đất đai năm 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất.
Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức công bố quyết định thanh tra tại UBND TP. Hà Nội, theo đó sẽ tiến hành thanh tra một số dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan và DNNN, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. Hà Nội (giai đoạn từ 2003-2016).
Theo kế hoạch, trong năm 2017 Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành 23 cuộc thanh tra chính thức và sáu cuộc dự phòng về việc chuyển đổi nhà đất công sang mục đích khác tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng…
Sau khi kết thúc, chắc chắn Thanh tra Chính phủ sẽ có những biện pháp thích đáng, theo đó những người giữ trọng trách chỉ đạo cổ phần hóa DNNN nhưng buông lỏng quản lý phải chịu trách nhiệm.
Từ thời bao cấp, đất có giá trị rất thấp, trong khi DNNN luôn là nhóm đối tượng nhận được rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Cụ thể là ưu đãi về đất đai, thuế, phí.
Chính vì vậy, nhiều khu vực đất vàng, với diện tích rộng lớn lên tới hàng nghìn, thậm chí vài nghìn mét vuông đã được giao miễn phí cho các DNNN quản lý, sử dụng, xây dựng trụ sở sản xuất.
Có những doanh nghiệp không chỉ xin đất làm trụ sở phục vụ nhu cầu hoạt động trong hiện tại mà còn xin thêm cả đất dự phòng mở rộng quy mô hoạt động cho cả 10-20 năm sau.
Đến khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa, nhiều DNNN đã lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý, biến những mảnh đất vàng có giá trị khổng lồ thành cơ hội vơ vét tư túi.
Liên quan đến đất đai, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết đang có một cơn sốt giá ảo về đất nền và khẳng định giới đầu nậu và cò đất bất chính là tác nhân trực tiếp. Theo HoREA, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ gây thiệt hại dây chuyền cho người tiêu dùng.
Hiện tượng “sốt giá ảo” đang diễn ra trong phân khúc đất nền ở các quận huyện ngoại thành như quận 9, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ.
HoREA cho rằng, trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Chẳng hạn, đất nền tại một số khu vực phân lô ở quận 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m²; giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có nơi đã lên đến 10-12 triệu đồng/m²; giá đất nông nghiệp một số khu vực tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi đã tăng đến trên dưới 50% trong bốn tháng đầu năm 2017, trong đó đất nền mặt tiền quốc lộ 22 cũng đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m².
Giới đầu nậu và cò đất là bên thủ lợi trong cơn sốt giá ảo đất nền hiện nay, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó, đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Cũng theo HoREA, có bốn nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt giá đất nền ở các quận ven và huyện ngoại thành.
Thứ nhất, sự phát triển rất mạnh của hệ thống hạ tầng giao thông đô thị (các tuyến metro, đường cao tốc, đường vành đai, đường kết nối, thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh…) đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là ở khu đông, khu nam, khu tây của thành phố.
Thứ hai, do chưa có định hướng dư luận kịp thời để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống, truyền miệng như tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía đông, phía tây, phía nam TP. Hồ Chí Minh.
Thứ ba, một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố.
Thứ tư, giới đầu nậu, cò đất lợi dụng Quyết định số 33/2014 để thực hiện tách thửa, phân lô đất nền tràn lan tại một số quận ven và huyện ngoại thành và thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định. Do vậy, thành phố cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, núp bóng người chủ đất, hoặc núp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế.
Một thông tin khác cho thấy kinh doanh bất động sản đang có sức thu hút trên thị trường. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bốn tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực bất động sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 1.390 doanh nghiệp, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đăng ký mới của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong cùng thời gian trên tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ sự sôi động của thị trường bất động sản và xây dựng, một số công ty hoạt động trong các lĩnh vực này niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố mức lợi nhuận khá cao ngay trong quý đầu tiên của năm và đặt mục tiêu doanh thu tăng cao cho cả năm 2017.
Trong mùa đại hội cổ đông thường niên 2017, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng còn công bố các kế hoạch, chỉ tiêu tham vọng trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án bất động sản.
Các công ty hoạt động kinh doanh bất động sản và ngành xây dựng đang phục hồi và tăng trưởng đã bắt đầu chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
- Gia Minh