Báo Vientiane Times số phát hành cuối tuần qua đưa tin, kết thúc phiên họp bất thường kéo dài hai ngày, chính phủ Lào đã quyết định sẽ kiểm tra chất lượng an toàn của các đập thủy điện trên toàn quốc, đồng thời sẽ ngừng xem xét các dự án đầu tư mới vào thủy điện nhằm đánh giá lại các kế hoạch và chiến lược phát triển thủy điện của nước này.
Theo Vientiane Times, tại cuộc họp do Thủ tướng Thongloun Sisoulith chủ trì nói trên, các thành viên chính phủ đã lắng nghe về tiến độ khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoy tại tỉnh Attapeu vào tối 23-7 vừa qua. Cuộc họp đã đi đến quyết định tiến hành kiểm tra tất cả các đập thủy điện, kể cả những đập đã hoàn thành hay đang được xây dựng. Bộ Năng lượng và Mỏ sẽ phối hợp với Bộ Công chính Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học và Kỹ thuật của Lào cùng các chuyên gia quốc tế để tiến hành công tác thanh kiểm tra nói trên. Mọi bất thường được phát hiện trong thiết kế và tiêu chuẩn xây dựng của các con đập phải được báo lên chính phủ để khắc phục.
- Xem thêm: Quan ngại về đập thủy điện mới của Lào
Gần một tuần tiến hành công tác tìm kiếm người sống sót, những câu hỏi đã được đặt ra về chất lượng xây dựng của con đập trị giá trên 1 tỉ USD và năm đập phụ của nó do một liên doanh giữa các công ty của Lào, Hàn Quốc và Thái Lan thực hiện. Các nhà điều hành thủy điện Sepien Senamnoy cho biết con đập đã bị vỡ sau những cơn mưa lớn tại một đất nước phải thường xuyên hứng chịu các đợt gió mùa và có tới sáu tháng mưa trong năm.
Báo chí Lào dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ, ông Khammany Inthirath, cho biết thiết kế kém có thể đã góp phần gây nên thảm họa. Trả lời báo chí trong một cuộc phỏng vấn ngày 27-7, ông Khammany nói: “Có thể kỹ thuật xây dựng đã dẫn tới việc vỡ đập sau khi nó bị ảnh hưởng bởi mưa”.
Một công ty Hàn Quốc có liên quan tới dự án, Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK (SK Engineering & Construction) cho biết công ty này đang điều tra nguyên nhân của vụ vỡ đập và sẽ dành 10 triệu USD để phục vụ công tác cứu trợ.
Vụ tai nạn đã làm bùng lên những chỉ trích về tham vọng của Lào trong kế hoạch xây dựng thủy điện để trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng lớn trong khu vực. Phần lớn lượng điện mà quốc gia này sản xuất được bán cho nước láng giềng Thái Lan.
Hiện nay Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào thủy điện tại Lào bên cạnh Thái Lan – nước nhập khẩu điện từ những đập này. Trung Quốc liên quan đến phân nửa tổng số dự án thủy điện tại Lào, cả từ dòng chính của sông Mekong đến trên các phụ lưu của con sông lớn này.
- Xem thêm: Lào sắp xây đập thứ 4 trên sông Mêkong
Theo số liệu của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), các công trình đập thủy điện của Trung Quốc tại Lào có thể kể đến như đập Pak Beng trị giá 2,4 tỉ USD do Tập đoàn China Datang Overseas Investment đầu tư, một loạt bảy đập trên sông Nam Ou do Tập đoàn Sinohydro Corporation xây dựng, ba dự án thủy điện trên sông Nam Khan cũng do Sinohydro phụ trách và đập Nam Beng do China Electrical Equipment Corporation xây dựng.
Nếu vụ vỡ đập Sepien Senamnoy có thể khiến chính phủ Lào phải đặt lại vấn đề về ý định muốn trở thành “nguồn điện của Đông Nam Á”, các dự án đầu tư kể trên của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Tác hại đối với Bắc Kinh sẽ còn lớn hơn rất nhiều, nếu thảm kịch vỡ đập tại Lào thúc đẩy các chính phủ khác ở Đông Nam Á phải suy nghĩ lại về các chính sách phát triển thủy điện.