Bất cứ ai dù chỉ một lần đi trên con đường thiên lý Bắc -Nam ắt sẽ có rất nhiều ấn tượng về những cung đường tuyệt đẹp – món quà độc đáo của tạo hóa ban tặng. Đặc biệt là những cung đường đèo, dù khúc khuỷu, hiểm trở với đèo dốc chập chùng, biển xanh mênh mông lộng gió, núi liền núi hùng vĩ, hoang sơ, là hành trình thú vị dành cho những người đam mê khám phá và chinh phục thiên nhiên.
Cũng là đèo nhưng mỗi ngọn đèo có một vẻ đẹp riêng gắn với những câu chuyện mang nhiều nét giai thoại, thường là chuyện hiểm nguy, hồi hộp, nhiều chi tiết thực hư nhuốm mùi liêu trai, huyễn hoặc, nghe “lạnh sống lưng” mà dân gian truyền tụng làm cho đường đèo vốn hiểm trở càng thêm bí ẩn.
Nếu có dịp dong ruổi trên các nẻo đường điệp trùng đèo dốc, nhất là với cánh đi phượt, sẽ đọng lại trong ký ức những cảm xúc thật khó tả.
Trên dải đất hình chữ S, những cung đường đèo đẹp nhất nằm rải rác dọc theo chiếc đòn gánh miền Trung, ngược lên Tây Nguyên và trải dài ở vùng Tây Bắc. Điểm chung của đường đèo là uốn lượn quanh co, dốc cao, hiểm trở, nhiều khúc ngoặt cua tay áo, nhưng mỗi nơi có đặc trưng địa lý, địa hình riêng đã tô điểm cho ngọn đèo thành một thắng cảnh.
Nếu những cung đường đèo ở miền Trung như Ngoạn Mục, đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân… được ví như những dải lụa mềm mại, một bên là núi cao sừng sững, một bên là biển xanh cát trắng đẹp như tranh vẽ thì đèo ở Tây Nguyên hoang sơ hơn, chỉ có đất đỏ bazan cùng núi đá và những vạt rừng làm dịu đi cái nắng cao nguyên như đèo Phượng Hoàng, Phú Sơn, An Khê, Mang Yang…
Còn miền Bắc, đặc biệt là Tây Bắc – vùng đất của những “danh đèo” hiểm trở cực kỳ với những cái tên kiêu hùng như Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Đin, Mã Phục… nằm cheo leo bên vực thẳm mù sương chứa đựng những câu chuyện rất ly kỳ.
Có dịp chia sẻ cùng dân phượt, từ người có hơn hai mươi năm chinh chiến đường đèo cùng người mới bén duyên thú vui dong ruổi trên xe qua các cung đường hiểm trở mới thấy rằng ngoài những trải nghiệm thú vị, cũng còn lắm điều băn khoăn khi đi qua những con đèo. Đó là an toàn giao thông vẫn chưa được đảm bảo.
Vẫn còn quá nhiều những rủi ro, tai nạn xảy đến bất cứ lúc nào và cái giá lớn nhất phải trả là sinh mạng con người. Đi qua con đèo nào cũng có những am thờ rải rác bên vệ đường… Những chiếc am dù hoang lạnh hay có khói hương đều lẻ loi, toát lên vẻ cô tịch, ảm đạm. Điều đáng nói là những am thờ như thế ngày càng xuất hiện nhiều
Dải lụa miền Trung
Không làm cuộc điểm danh các đèo mà là cái duyên trải nghiệm, chúng tôi xin chia sẻ những con đèo để lại trong ký ức những hình ảnh khó phai từ những chuyến đi. Bắt đầu bằng cung đường đèo ở Nam Trung bộ quen thuộc với nhiều người: đèo Ngoạn Mục. Đèo này còn có tên gọi là đèo Sông Pha nhưng nhiều người thích gọi đèo Ngoạn Mục hơn, bởi cái tên này đủ để người ta hình dung ra phong cảnh của nó.
Đèo nối từ thị xã Phan Rang đi Đà Lạt, dài khoảng 20km, độ dốc 9 độ, men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang. Con đường uốn lượn mềm mại qua những ngọn núi, sườn đồi, có những đoạn cua rất gắt, chỗ thấp nhất có độ cao 200m, còn lên đỉnh đèo thì gần 1.000m. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển và cao nguyên tạo cho đèo sự đa dạng về cảnh quan và cả khí hậu.
Từ dưới đồng bằng lên sẽ cảm nhận nhiệt độ giảm dần và những thay đổi về cảnh quan: rải rác rừng thông và hoa dã quỳ – loài hoa dại với màu vàng quyến rũ đặc trưng của cao nguyên. Từ trên đỉnh nhìn xuống sẽ thấy vẻ bao la, lãng mạn của cung đường với bờ vực dốc đứng, thấp thoáng những rặng thông, dòng sông Cái hiền hòa. Dù sau này, đã có dịp qua nhiều đèo cao, dốc sâu, ngắm phong cảnh hùng vĩ hơn, nhưng cảm giác lần đầu tiên đặt chân lên đường đèo Ngoạn Mục vẫn còn lâng lâng.
Đèo Cả, ranh giới tự nhiên ngăn cách giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Không biết có phải vì cái tên “đèo Cả” mà đèo này được xem là lớn và hiểm trở bậc nhất ở miền Trung. Đèo dài hơn 10km và cao khoảng 400m nhưng có đến cả trăm đoạn cua, trong đó có nhiều khúc cua nguy hiểm, nhất là vòng cua gấp khúc ở Đá Đen. Cung đường này đúng là sơn thủy hữu tình, hành trình vượt qua đèo Cả hiểm trở sẽ được “đền bù” khi đến bãi biển Đại Lãnh: biển dài và đẹp, nước biển xanh biếc, cát trắng mịn.
Thẳng trên quốc lộ 1A, qua đèo Cả thì đến Cù Mông – ranh giới giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Có nhiều dị bản câu ca dao về đèo mà có lần tôi nghe dân Phú Yên đọc bằng giọng nẫu: “Phú Yên đứng giữa hai đèo/ Thương anh em có sợ nghèo hay không?”, hay “Thương em anh ráng trèo đèo về thăm”.
Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu thì đèo này là con đường chính đi lại giữa hai tỉnh. Phú Yên đã biết biến khó khăn “đứng giữa hai đèo” thành lợi thế, đánh thức tiềm năng của tỉnh bằng nhiều dự án du lịch, dự án kinh tế biển để phát triển Tuy Hòa thành thành phố vệ tinh năng động của khu vực miền Trung.
Sẽ thiếu sót nếu trên con đường thiên lý Bắc – Nam mà không nhắc đến đèo Hải Vân. Dài 20km vắt ngang qua những ngọn núi cao ngất của dãy Trường Sơn, đèo Hải Vân chênh vênh một bên là vách núi, một bên là biển cả, đỉnh đèo cao 500m mây phủ quanh năm.
Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết: Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Điểm lại lịch sử, vào thế kỷ XIII, vùng đất này thuộc hai châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa, được vua Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân.
Về sau, vua Lê Thánh Tông trong lần vi hành, dừng lại trên đỉnh đèo ngoạn cảnh, trước cảnh đẹp hùng vĩ, vua đã khen ngợi Hải Vân là “Đệ nhất hùng quan”. Dấu vết xưa vẫn còn lưu lại đôi chỗ trên đỉnh đèo đến ngày nay: Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Đà Nẵng đề biển “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Điểm đặc biệt chỉ có thể thấy ở Hải Vân là từ trên đỉnh đèo có thể quan sát cả hai phía: Phía bắc là đồi núi trập trùng phủ màu mây trắng, xa xa là đầm Lập An, vịnh Lăng Cô. Phía nam, sóng biển vỗ quanh theo triền núi, xa hơn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. Từ năm 2005, khi hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân được đưa vào sử dụng, những giai thoại về đường đèo này mới giảm đi phần huyền ảo.
Thẳng lên Tây Nguyên có đèo Phượng Hoàng (đèo M’Drak) – cửa ngõ đi miền duyên hải Trung bộ nằm trên quốc lộ 26 từ Ninh Hòa đi Buôn Ma Thuột. Đèo dài 12km, dốc tuy không cao nhưng cũng là một trải nghiệm đáng nhớ về cung đường đèo cao nguyên.
- Xem thêm: Phượt trên cung đường Tà Năng
Xung quanh đèo này cũng có khá nhiều giai thoại và những câu chuyện về dân cư sống quanh vùng. Từ những chuyện nhuốm màu sắc đường rừng hoang dã như chuyện cọp vồ người qua đèo từ thế kỷ trước, chuyện Ma lai của người Ê Đê, chuyện nơi đây từng là căn cứ của Fulro…
“Tứ đại danh đèo” vùng Tây Bắc
Đó là các đèo Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng và Khau Phạ. Các đèo này lên đến đỉnh đều mịt mờ mây phủ mà mỗi lần vượt qua được xem là một lần thử thách, chiến thắng được bản thân. Pha Đin dài 32km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Cái tên Pha Đin đã trở nên thân quen với những kẻ lữ hành bụi bặm, gan góc. Đây là con đèo dài và hiểm trở vào loại bậc nhất trong số các con đèo vùng Tây Bắc nên dân phượt lấy đèo này làm mốc thử thách, kháo nhau câu “Bất đáo Pha Đin phi phượt thủ”. Địa thế đèo rất hiểm trở, đường đèo ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút.
Điểm cao nhất của đèo là 1.648m so với mực nước biển. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng một màu xanh ngút ngàn của đồi núi, thấp thoáng bản làng. Nhưng khi lên đến gần đỉnh đèo thì chỉ còn thấy mây núi la đà quyện vào nhau.
Đèo Ô Quy Hồ là ranh giới nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu là cung đường được nhiều người công nhận là hoành tráng nhất. Đèo uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên, nơi có nóc nhà Đông Dương – đỉnh Fanxipan cao 3.143m. Trên đèo dài 50km và cao gần 2.000m có cái tên như huyền thoại này có những khúc cua tay áo, cua chữ Z rất “kinh hoàng” nhưng vẫn quyến rũ, khiến nhiều người phải ao ước được một lần đặt chân đến nơi.
Những buổi sáng sớm, lẫn trong màn sương mờ, những cô gái Mông váy áo sặc sỡ, những chàng thanh niên quần áo chàm dắt ngựa đi chợ Sa Pa, tiếng vó ngựa trên đường, ánh mắt trẻ thơ vùng cao xoe tròn hồn nhiên vui đùa đến trường làm nên nhịp sống bình dị mà đáng yêu.
Có người cho rằng Mã Pí Lèng – cung đường đèo “sống mũi ngựa” trên cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang – xứng đáng được xem là “đại vực” của Việt Nam. Thuộc địa phận ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, nằm trên quốc lộ 4C nối hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, Mã Pí Lèng với chiều dài 20km, cao đến hơn 2.000m là con đèo hùng vĩ và hoang dại bậc nhất trong các đèo lừng lẫy vùng Tây Bắc.
Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt sẽ thấy trập trùng núi đá nối tiếp nhau trải dài ngút mắt, mơ màng trong sương mang nét chấm phá như tranh thủy mạc. Ngay dưới chân lại là vực sâu hoắm mù mây, con sông Nho Quế dưới lòng vực như một sợi chỉ mong manh vắt qua thung lũng.
- Xem thêm: Những bản làng giữa núi rừng Tây Bắc
Khau Phạ tiếp giáp hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái, vùng có phong cảnh nổi tiếng như Tú Lệ, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Mù Cang Chải… Theo cách giải thích của người Thái Đen thì Khau Phạ có nghĩa là sừng trời hay cổng trời, bởi quanh năm mịt mờ mây phủ, heo hút gió sương.
Đèo dài gần 30km với độ cao trên 1.200m, là con đèo dài nhất, hiểm trở nhất trên tuyến quốc lộ 32 với vài mươi khúc cua tay áo. Khách du lịch thường thích đến Khau Phạ tầm tháng Chín, tháng Mười, khi ruộng lúa bậc thang chín vàng. Dừng chân trên đỉnh đèo sẽ thu vào tầm mắt một bức tranh quê tuyệt mỹ của vùng Tú Lệ, Mù Cang Chải với trập trùng một màu vàng mênh mông của rẫy lúa.
Mã Phục cũng là một con đèo đẹp trên con đường từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng trên địa phận Cao Bằng. Núi không cao, không hùng vĩ, hoành tráng, chỉ có những khúc cua tay áo nhưng cũng làm phong cảnh hữu tình, lãng mạn bởi cái thung lũng bên dưới với ruộng nương, bản làng, chỗ xanh xanh màu cây cỏ, chỗ nâu màu đất làm thành bức tranh thiên nhiên đẹp thanh bình.