Gọi cung đường Tà Năng (Lâm Đồng) – Phan Dũng (Bình Thuận) là cung đường của những người thợ xẻ bởi theo những người dẫn đường thì đây chính là con đường do lâm tặc khai mở để chở gỗ từ rừng về. Nhiều phượt thủ đã từng đi cung đường này thì cho rằng đây là một cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.
Cũng không có cơ sở để xác định hoạt động trekking (leo núi) bắt đầu từ thời điểm nào nhưng theo người dẫn đường của chúng tôi thì nó chỉ bắt đầu khoảng tháng 8-2015. Một nhóm phượt về, có bài viết và đưa hình ảnh lên internet, chỉ sau một thời gian ngắn cung đường đã trở nên sôi động và ở thời điểm này, hầu như buổi cuối tuần nào cũng có vài ba đoàn lang thang trên đó. Thậm chí, thị trấn Đà Loan (điểm tập kết phía Tà Năng trước khi vào bìa rừng) ở thời điểm tháng 11 năm ngoái còn vắng ngắt và chưa có bất cứ một dịch vụ nào liên quan nhưng giờ đây, nó đã có một khu chợ khá xôm tụ đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các đoàn khách, từ lương thực cho đến con dao đi rừng…
Nhóm chúng tôi đi vào thời điểm tiết trời không nắng, mà dìu dịu, thỉnh thoảng có một vài cơn mưa nhẹ… nói chung thời tiết rất hợp cho việc đi bộ, leo đồi nhưng làm khó những tay máy nghiệp dư. Chúng tôi đi trên những con đường mòn lưng chừng dốc, đi trên sống lưng của những quả đồi, len dưới những khu rừng thông và rừng tạp, băng qua những con suối lớn nhỏ, leo bức tường thẳng đứng dốc 90º để lên thác Yavly, đi trong cơn mưa đêm từ thác Yavly về nhà ông già Lê (một gia đình người Raglai)… Thực tế, con đường hoàn toàn không thiện ý với những người đi bộ. Bởi nó bị khoét sâu, có đoạn sâu hơn nửa mét, xe “đặc dụng” của mấy anh cửu vạn cũng phải thua. Người đi bộ chỉ có thể men theo các rãnh sâu đó, dốc và bùn lầy, chỉ một chút bất cẩn có thể còn không biết mình đã nằm dưới vực hoặc đâu đó bên sườn dốc. Theo người dẫn đường thì đi vào mùa nắng sẽ bớt bùn lầy nhưng cảnh sắc không được đẹp bằng, bởi các thảm cỏ sẽ khô vàng và cây cối cũng bớt tươi xanh. Nhắc đến hệ thực vật, để ý bạn sẽ thấy ở ba khu vực rừng cũng có sự thay đổi nhất định. Nếu nhưở Ma Bó là rừng tạp thì cao nguyên Tà Năng là những đồi thông và những trảng cỏ dài mát mắt. Phan Dũng mơ màng với tán cây cao và tầng thấp dưới chân là những nghệ rừng xòe ra níu chân người. Tôi có cảm giác này chắc bởi đoàn đi trong đêm mưa, trên đầu mỗi người là một chiếc đèn pin, đủ soi một khoảng nhỏ phía trước mặt. Thỉnh thoảng liếc sang hai bên đường thấy những chiếc lá nghệ rừng về đêm giương lên, trắng xám, quai quái.
Đi để trải nghiệm, khám phá và thử thách các giới hạn của bản thân. Đó là mục tiêu chung mà tôi đúc kết được khi nghe mọi người chia sẻở buổi hội quân ngoài bìa rừng. Khám phá? Đã có khám phá. Cả một cung đường đẹp như mơ. Trải nghiệm và tìm hiểu các giới hạn của bản thân? Cũng có luôn. Không phải lúc nào ta cũng sẵn sàng băng rừng 50 – 60km trong ba ngày nếu không có sự chuẩn bị một chút về thể lực và tâm lý. Đã có những hoang mang nhất định khi cả nhóm đi lạc ở đoạn cuối tìm lên thác Yavly, đã có những đôi chân phồng rộp, đã có những ý nghĩ rằng nếu ngồi xuống rồi thì sẽ không đứng lên được nữa… Nhưng chúng tôi đã đi và đã về đích. Khi hỏi rằng bạn sẽ nhớ gì về chuyến đi? Chắc chắn mỗi thành viên sẽ có các câu trả lời cho riêng mình. Với tôi, là đồi cao lũng thấp, là thiên nhiên tươi xanh, là sự nghèo khó thanh bình của những người đồng bào thiểu số trên các sườn đồi núi. Nhưng tóm lại, nếu cần một lưu ý cho những ai muốn khám phá cung đường này thì hãy tìm hiểu kỹ để có được những người dẫn đường thật tốt. Bởi từ chính kinh nghiệm của mình và tìm hiểu thêm, thì biết rằng đã có nhiều đoàn khách cũng gặp vấn đề về dẫn đường và các công tác hậu cần như bị lạc đường, bị thiếu lương thực, phải dùng nước từ các khe, vũng… để tồn tại. Và một điều khác cũng rất quan trọng nữa là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Cung đường này chỉ mới được khai thác chưa lâu, song tại những đỉnh đồi nơi thường xuyên có các đoàn hạ trại đã thấy rất nhiều rác, từ chai nước suối, bao nylon… Hãy trải nghiệm, khám… nhưng đừng… phá.
Về lộ trình, du khách muốn tranh thủ đi vào dịp cuối tuần thì có thể lựa chọn chương trình đi ba ngày hai đêm (khởi hành tối thứ Năm và về vào đêm Chủ nhật). Buổi tối xuất phát từ bến xe Phương Trang, tới ngã ba Tà Hine đón xe vào chợ Đà Loan (cách 15km) ăn sáng và mua sắm vật dụng cần thiết. Từ chợ Đà Loan, mất 20km đi ôtô vào cửa rừng Ma Bó (xã Đạ Quyn, Đức Trọng, Lâm Đồng). Từ đây mới thực sự là hành trình để thử thách giới hạn bản thân và khám phá cảnh sắc thiên nhiên của cung đường này. Hành trình sẽ đi qua địa bàn của ba tỉnh (rừng Ma Bó của Lâm Đồng, thảo nguyên Tà Năng của Bình Thuận và rừng Phan Dũng của Ninh Thuận). Điểm kết thúc trekking là cửa rừng Phan Dũng. Từ đây, có thể đi taxi về ngã ba Liên Hương (30km) để đón xe về lại TP. Hồ Chí Minh.
- Ảnh Tùng Lê