“Ai sinh ra ở cao nguyên đá Đồng Văn mà không làm thơ thì thật là… phí”, người bạn đồng hành chép miệng khi hai chúng tôi đi qua những cung đường đầy hiểm trở nhưng cũng lắm thơ mộng trên một chiếc xe máy. Còn tôi thì tự nhủ rằng người trẻ nên một lần hòa mình vào đá núi, cỏ cây trên những cung đường Đồng Văn, để thấy rằng, hạnh phúc thật giản đơn và nằm trong tầm tay của chúng ta.
Để chinh phục cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi chọn đi theo cung đường qua các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và kết thúc ở Bắc Mê trước khi quay trở lại thành phố Hà Giang. Chặng đầu “vuốt ve tinh thần” của hai du khách phương xa bằng những con đường nhỏ dễ đi. Đến khi sắp sửa rời Minh Tân (huyện Vị Xuyên), chúng tôi mới bắt đầu bị “bủa vây” bởi những con dốc nối nhau liên tục, từ dốc uốn lượn quanh co đến dốc đứng rồi hình zíc zắc… Có lúc, chúng tôi đang ì ạch leo dốc thì bất thình lình, con đường bẻ ngoặt theo một góc 45 độ, khiến cả người lẫn xe như muốn… đo đường. Có lúc chúng tôi lại đi trên con đường với một bên là vách núi và bên kia là vực thẳm. Thật may, dù không phải là những tay lái lụa, nhưng chúng tôi đã vượt qua cung đường hiểm trở đó mà không xảy ra bất trắc nào!
Vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi lần lượt ghé thăm Quản Bạ, Yên Minh, Phố Cáo, Dinh thự họ Vương, Làng văn hóa Lũng Cẩm – nơi được chọn làm bối cảnh trong phim truyện Chuyện của Pao… Kế hoạch của chúng tôi là ghé thăm Lũng Cú trước khi quay về nghỉ đêm tại thị trấn Đồng Văn, kết thúc ngày đầu tiên của hành trình.
Rời Dinh thự họ Vương lúc trời đã về chiều, chúng tôi lên xe di chuyển về Lũng Cú trên những con đường sâu hun hút, xuyên qua biết bao núi rừng và những khúc cua rất gắt. Trong lòng tôi chợt nghĩ, nếu không kịp đến Lũng Cú khi màn đêm buông xuống, liệu chúng tôi có bị nuốt chửng bởi một vực thẳm nào đó? Thật may, chúng tôi đến Lũng Cú khi chiều dần buông. Không kịp suy tính, tôi và người bạn đồng hành nhanh chóng gửi xe ở cửa hàng tạp hóa dưới chân núi rồi lần theo đường mòn, nặng nhọc lê từng bước chân qua các bậc thang. Về sau, chúng tôi mới biết là có một lối đi khác có thể chạy xe lên được mà không cần phải hao tổn sức lực sau chặng đường chạy xe mệt nhoài. Nhưng dù thế nào, lá cờ Tổ quốc trước mặt cũng cho chúng tôi biết là mình đã đặt chân đến điểm cao nhất của Lũng Cú. Khoảnh khắc tôi đưa tay, nhẹ nhàng chạm lên lá cờ Tổ quốc, trong tôi bỗng dâng lên một cảm giác thiêng liêng, nghẹn ngào rất lạ! Tôi đứng ở đó nhìn xuống Đồng Văn trong ánh chiều tà. Xa xa, những ruộng lúa vàng ruộm đang chờ ngày thu hoạch, xen giữa là những thửa ruộng đã gặt, chỉ còn trơ lại gốc rạ. Trong giờ phút thảnh thơi ấy, tôi nghe trong tâm mình có một niềm hạnh phúc nhẹ nhàng.
Đúng 6 giờ chiều, những sợi nắng cuối ngày còn sót lại, như một vệt màu tàn phai trên bức tranh bầu trời. Nhưng rồi màn đêm buông xuống rất nhanh sau đó, chúng tôi bật đèn xe, giảm tốc độ, nén chặt nỗi sợ trong lòng để có thể làm chủ tay lái, với hy vọng về thị trấn Đồng Văn an toàn. Đường đi rất xấu, những ổ gà ổ voi “phục kích” ở khắp nơi, chiếc xe máy của chúng tôi cứ men theo vách núi rồi lầm lũi đi trong màn đêm sâu ngun ngút. Cho đến khi bắt gặp luồng ánh sáng hắt lên từ thị trấn Đồng Văn, không ai bảo ai, cả tôi và người bạn đồng hành cùng vỡ òa. Dù khắp người đau nhức vì đường xa, tôi và người bạn đồng hành vẫn quyết định xuống phố, mỗi người làm một ly cà phê ở phố cổ trước khi về khách sạn. Giường bên, người bạn đồng hành đã ngủ mê man. Tôi mở balô, lấy ra cuốn du ký Thương nhớ Đồng Văn của tác giả Thủy Trần, để xem cô ấy có cùng cảm nhận với tôi về mảnh đất này không…
Buổi sáng ở Đồng Văn xôn xao những tiếng nói tiếng cười. Chúng tôi quay lại khu phố cổ để tìm chỗ ăn sáng. Sau khi đã thấy “lưng lửng” bụng với đĩa bánh cuốn nóng, chúng tôi chạy xe về phía Đồn Cao – một di sản văn hóa lịch sử độc đáo có từ thời Pháp thuộc. Đồn Cao nằm ngay phố cổ Đồng Văn nên chưa đến năm phút, chúng tôi đã có mặt ở chân núi.
Lối lên núi Đồn Cao đã được đổ bê tông và khá dốc, nhưng không thử thách sức người như lối lên Lũng Cú. Đứng trên đỉnh núi đá vôi cao nhất Đồng Văn (cao 1.213m so với mực nước biển), chúng tôi tha hồ phóng tầm mắt ra tứ phía. Kia là núi Tù Sán, nơi nghĩa quân của Sùng Mí Chảng lập căn cứ chống Pháp, gần hơn là chợ Đồng Văn mà sáng sớm nay chúng tôi vừa ghé qua… Hiếm lắm chúng tôi mới có dịp được thả hồn mình vào với gió núi, với mây trời vùng cao, thoải mái hít thở bầu không khí trong lành…
Thị trấn Đồng Văn dần bỏ lại sau lưng, chúng tôi bắt đầu vượt đèo Mã Pì Lèng, dài khoảng 20km, nối thị trấn Đồng Văn với thị trấn Mèo Vạc. Trước khi “chiến đấu” với đèo Mã Pì Lèng, chúng tôi phải vượt qua con dốc Pải Lủng quanh co uốn lượn, thêm vào đó là những khúc cua tay áo liên tiếp mà ngay cả dân “phượt” chuyên nghiệp cũng phải ngán ngẩm! Xe chúng tôi cứ lầm lũi trên con đường vắng tanh, bốn bề là những ngọn núi tai mèo nhọn hoắt, sắc lạnh chọc thẳng lên trời. Ngồi sau xe tôi lấy làm chột dạ, tự hỏi, không biết quyết định vượt đèo Mã Pì Lèng có phải là một sai lầm?
Câu hỏi đó đã không còn là một điều mơ hồ, dù con đường mang tên Hạnh Phúc kia vẫn bày ra trước mắt chúng tôi những khúc cua tay áo rất gắt, nối với những đoạn đường quanh co uốn lượn theo vách núi một cách ngẫu hứng, hoàn toàn không biết chúng tôi sẽ được con đường dẫn đi đâu về đâu. Cùng là những con đường với một bên là dãy núi đá hùng vĩ, một bên là vực thẳm sâu nhưng nguy hiểm hơn nhiều so với con đường mà chúng tôi đã từng đi qua. Dừng chân giữa đèo cao, tôi đã hiểu vì sao dân phượt lại thích “đâm đầu” vào cung đường nguy hiểm này, bởi vì Mã Pì Lèng đẹp đến nao lòng…
Chưa bao giờ trong tôi lại có cảm giác gần gũi với thiên nhiên như thế, chỉ cần ngửa mặt lên là tôi có cảm giác như mình có thể chạm tay đến trời mây, nghe nắng vàng mây trắng đang hân hoan. Và cũng chưa bao giờ, cảm giác bé nhỏ trước thiên nhiên lại rõ ràng đến thế. Tất cả hiện diện trước mắt vừa hoang sơ vừa hùng vĩ vừa tráng lệ. Tôi đã đưa máy ảnh lên ngắm nghía, rồi bấm máy. Nhưng chỉ sau một vài tấm, tôi đành cất chiếc máy ảnh lại vào balô bởi vẻ đẹp của Mã Pì Lèng khi đó, không có cách nào lưu lại chính xác bằng cách mở rộng tất cả các giác quan.
Từ điểm cao nhất của Mã Pì Lèng cao hơn 2.000m so với mực nước biển, chúng tôi trông thấy sông Nho Quế đang trôi mềm mại dưới lòng khe núi. Từ Mã Pì Lèng nhìn xuống, dòng Nho Quế trông giống như một dải lụa màu xanh ngọc bích, chỉ cách chúng tôi có lẽ chỉ vài phút chạy xe. Vậy mà chúng tôi phải chạy xe “bở cả hơi tai”, trên những con đường lòng vòng không khác gì đang lạc vào mê cung, dù đã thấy đích đến nhưng phải chật vật tìm lối ra. Cho đến khi dải lụa xanh trong ấy ở ngay bên cạnh mình, thì tôi tin rằng, dòng Nho Quế không phải là giấc mơ. Tôi khum hai tay lại với nhau, cố gắng lấy được nhiều nước từ dòng Nho Quế rồi vỗ vỗ lên mặt. Ngụm nước thứ hai, tôi đưa lên miệng rồi uống hết chỗ nước vừa lấy. Nước mát lành tỏa lan khắp thân thể tôi, từ xúc giác cho đến sâu tận trong lòng.
Ngồi với dòng Nho Quế một lúc, dù chưa muốn đi nhưng tôi và người bạn đồng hành đành phải lên xe, trở lại con đường Hạnh Phúc để tiến về Mèo Vạc. Chiếc xe lại bon bon trên đường. Cố gắng thu vào mắt khung cảnh của cao nguyên trước khi nó kịp lướt qua, tôi tự nghĩ: “Có lẽ những ai đang khao khát muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là hạnh phúc?”, thì nên một lần dứt mình ra khỏi công việc bề bộn và cuộc sống thành thị nhiều bon chen, để rong ruổi trên con đường Hạnh Phúc và dừng chân trên những đoạn đường tuyệt đẹp của Đồng Văn. Khi đó, chúng ta sẽ thấy rằng hạnh phúc không phải là cái gì đó xa vời, mà chỉ là cảm giác được tận hưởng thiên nhiên, nghe tâm mình bình an và thấy chúng ta còn có những người bạn đồng hành sẵn sàng cùng nhau vượt qua những hiểm nguy trong cuộc đời”…
Xem thêm: