Với Võ Văn Kiệt – Người thắp lửa, người đọc sẽ được thấy từng chặng đường đầy ắp sự kiện sống động kể từ khi cố thủ tướng đến với cách mạng cho tới những ngày cuối đời của ông. Trong suốt đường đời gắn chặt với những biến chuyển của lịch sử, dù ở cương vị lãnh đạo, người làm cách mạng, người cha hay một công dân của đất nước, bạn đọc đều thấy ở ông hình ảnh một người yêu nước hết lòng, một nhà lãnh đạo kiên quyết và một con người tình cảm, thường xuyên lắng nghe. Nhà văn Nguyên Ngọc đã đặt câu hỏi về ông: “Vì sao mà con người ấy, rất gần gũi, hết sức bình dị như ta từng biết, xuất thân có thể nói là từ gần nơi tận cùng của xã hội, lại đồng thời là một con người có tâm, có dũng và có trí đặc sắc, cao vời đến vậy?”. Rồi chính nhà văn tự trả lời: đó là vì vượt lên trên mọi hoàn cảnh và địa vị, ông Sáu Dân luôn giữ được “cảm giác về nhân dân” và do vậy là “một trong những người học trò hiểu nhất, giỏi nhất của nhân dân”. Tác phẩm cũng lưu giữ lại những câu nói bất hủ của cố thủ tướng về tâm tư của cả dân tộc như “không ai chọn cửa mà sinh ra” hay “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Sách dày 540 trang, bìa cứng với nhiều hình tư liệu quý, giá 250 ngàn đồng.
Phát hành cùng lúc với ấn phẩm trên Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt dày 200 trang của NXB văn hóa và văn nghệ là sự cô đọng những giây phút quý giá được làm việc, được gần gũi với cố thủ tướng của nhiều trí thức trên cả nước. Tập sách này gồm nhiều bài viết của các tác giả quen thuộc như Nguyễn Minh Nhị với Dấu ấn, nụ cười và nỗi niềm Võ Văn Kiệt; Trần Trọng Thức với Một giờ với Cố vấn Võ Văn Kiệt; Huỳnh Bửu Sơn và Nguyễn Thiều với Ông Sáu Dân và công cuộc đổi mới hệ thống Ngân hàng Việt Nam, Lê Văn Nuôi với Ông Sáu Dân – Võ Văn Kiệt: Một nhân cách để đời; Dương Trung Quốc với Nghe tin triều cường lại nhớ tới Ông; Nguyễn Duy với Hành trình thơ “Đánh thức tiềm lực”… Có thể nói mỗi tác giả đã chọn cho mình một góc nhìn riêng rất đặc sắc về nhà lãnh đạo luôn dấn thân này.
Chẳng hạn, nhà báo Thế Thanh tâm đắc nhất là cái tình của cố thủ tướng: “Ông Kiệt luôn có tình với những người ông tôn trọng, kính trọng về tài năng, về nhân cách. Ông luôn nói với con cháu, với cán bộ trẻ, rằng làm cách mạng, xây dựng đất nước giàu mạnh cần đến rất nhiều tài năng, lương tri, nhiệt huyết. Những thứ quý giá đó không tự nhiên mà có, chúng ở trong những con người cụ thể. Người làm cách mạng, người lãnh đạo phải biết khơi gợi để những của báu ấy bật ra, phục vụ cho sự nghiệp chung. Nhưng, muốn khơi gợi trước hết tự đáy lòng phải thật sự tôn trọng tài năng, phẩm chất để mà gần gũi họ một cách chân thành, để biến các tài năng, đức độấy thành sức mạnh vận động”.
C. Tú