Cosplay đang trở nên nổi tiếng ở Iran
Hóa trang thành các nhân vật truyện tranh yêu thích, giới trẻ Iran đang vượt qua những khó khăn chính trị và kinh tế của đất nước họ. Trên sân thượng ở trung tâm Tehran, Sarah Shahabadi và hai người bạn khác đang tái hiện những cảnh trong một bộ phim siêu anh hùng nổi tiếng. Đó là một ngày hè nóng nực, nhưng Shahabadi, 24 tuổi, mặc quần da, áo khoác da và đội tóc giả màu tím để đóng giả thành “Hit Girl”, một nhân vật hư cấu trong bộ truyện tranh Kick-Ass của Mỹ, trong khi người bạn chụp ảnh.
Những gì mà Shahabadi và bạn của mình đang làm được biết đến là cosplay – một hình thức văn hóa đại chúng bắt nguồn từ Nhật Bản, cái tên kết hợp giữa hai từ “costume” (trang phục”) và “play” (“vui chơi”). Các cosplayer hóa trang thành những anh hùng yêu thích của họ từ truyện tranh, hoạt hình hoặc phim khoa học viễn tưởng.
Nhiều người trong số họ sau đó cũng phát trực tiếp video hoặc đăng ảnh của chính họ trên các nền tảng truyền thông xã hội để cung cấp cái nhìn về vũ trụ tưởng tượng của họ. Shahabadi, người đang theo học trường đại học sân khấu, cười và nói: “Tôi thích đóng giả nhân vật, khiến cô ấy trở nên sống động hơn, ngay cả khi chỉ trong vài giờ. Tôi nghĩ chính yếu tố này khiến mọi cosplayer say mê nghệ thuật trình diễn này. Vấn đề duy nhất của tôi – vào ngày hôm đó – đó là tôi phải mặc một bộ đồ da vào giữa mùa hè”.
Các buổi luyện tập đã được đền đáp – chưa đầy một năm sau, khi thế giới đi vào giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19, trang tổng hợp đánh giá phim Rotten Tomatoes quyết định đánh dấu kỷ niệm 10 năm bộ phim Kick-Ass gốc được phát hành. Trang web kêu gọi những người yêu thích cosplay tham gia cuộc thi cho trang phục và màn trình diễn đẹp nhất.
Những bức ảnh của Shahabadi và bạn của cô nằm trong số ít những màn trình diễn được chọn và chia sẻ trên trang Instagram của Rotten Tomatoes – trang có hơn 1,2 triệu người theo dõi vào thời điểm đó. Shahabadi nói: “Đây là một trong số rất ít trường hợp mà một phương tiện truyền thông nước ngoài có uy tín đăng tải hình ảnh của các diễn viên cosplay ở Iran.
Ngày nay có khoảng 100-150 diễn viên cosplay ở Iran ở các cấp độ khác nhau, xét về chất lượng trình diễn của họ. Hầu hết họ là phụ nữ”. Shahabadi chỉ là một ví dụ cho thấy ngày càng có nhiều người Iran, đặc biệt là phụ nữ, tham gia vào một cộng đồng cosplay ngày càng đông đảo. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với những nữ cosplayer ở Iran, nơi có quy định nghiêm ngặt về trang phục kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, có nghĩa là họ phải qua mặt được “cảnh sát đạo đức”.
Shahabadi cho biết: “Là một nữ cosplayer ở Iran, tôi phải đối mặt với rất nhiều hạn chế trong việc lựa chọn nhân vật của mình. Tôi luôn phải cẩn thận và thích nghi với những trang phục trong một nền tiểu văn hóa nơi mà phụ nữ có xu hướng ăn mặc kín đáo toàn thân. Trong những ngày đầu tiên, mọi người không có ấn tượng tích cực về cosplay, và một số thậm chí còn đưa ra những bình luận khó chịu về công việc của chúng tôi. Tôi đã rất cố gắng giải thích những gì chúng tôi làm, chẳng hạn bằng cách viết các ghi chú giải thích dưới các bài đăng trên Instagram của chúng tôi cũng như phản hồi các nhận xét được đưa ra trên các nền tảng mạng xã hội khác.
Điều đó không dễ dàng chút nào”. Trên Instagram, Shahabadi được biết đến như Sarah-from-Wonderland và ở Iran, hiện nay cô là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất trong cộng đồng cosplay của đất nước. Là một phần của nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về loại hình nghệ thuật này, vào năm 2018, Shahabadi cùng với một nhóm nhỏ người hâm mộ tổ chức cuộc hội thảo cosplay đầu tiên ở Iran dành riêng cho phụ nữ.
Shahabadi nói: “Bạn có thể không thấy nhiều nữ cosplayer được mời đến các sự kiện, lễ hội và chiếu phim ở đây. Ví dụ, với tư cách là đạo diễn cosplay và thiết kế dự án, tôi chủ yếu là nhận cuộc gọi và đơn đặt hàng để chuẩn bị trang phục và tạo ra các nhân vật dành cho diễn viên nam vì đó là những gì mà các nhà tổ chức thường thích làm trong những sự kiện như thế này”.
Nhưng Shahabadi không để điều này cản trở mình: “Tôi tin rằng những hạn chế này đã khiến tôi sáng tạo hơn và quyết tâm vượt qua thử thách”. Shahabadi, người đã thiết kế trang phục và nhân vật cosplay vào năm 2019 dựa trên The Last Fiction – phim hoạt hình Iran về thần thoại Ba Tư, một trong 32 phim hoạt hình được đề cử tại giải Oscar năm 2019. Sau khi thu thập các giấy phép cần thiết và thông báo trên các nền tảng mạng xã hội, hơn 100 người đã đăng ký tham gia hội thảo kéo dài một ngày ở Tehran, mặc dù họ chỉ có thể chứa 1/5 không gian của mình.
Hội thảo tập trung vào trang điểm sân khấu, thiết kế trang phục và chụp ảnh; người tham dự còn có cơ hội mặc thử trang phục của các nhân vật nổi tiếng để chụp ảnh. Một trong những vấn đề mà nhiều cosplayer ở Iran gặp phải là tìm nguồn cung cấp tất cả các yếu tố của trang phục họ đã chọn. Mặc dù có một số cửa hàng ở Tehran bán áp phích, mặt nạ và phụ kiện nhập khẩu của các nhân vật truyện tranh nổi tiếng, nhưng những thứ này không hề rẻ.
Các phụ kiện như tóc giả, bộ trang điểm, kính áp tròng được bán qua Instagram cũng đắt tiền không kém. Các cosplayer Iran có tiếng tăm thường chọn hàng thủ công, sử dụng các vật liệu sẵn có như nhựa, xốp và da. Một số cosplayer chuyên nghiệp hơn buộc phải tự tạo trang phục cho riêng mình, và một số thậm chí còn tạo ra và bán các tác phẩm đặt làm riêng để có thu nhập nhằm hỗ trợ niềm đam mê đắt giá của họ.
Những người khác chọn các phương pháp hiện đại để giúp đẩy nhanh quá trình. Một vài năm trước, nghệ sĩ cosplay Avid Ashkan Nazari bắt đầu tạo ra các nhân vật hành động, mũ bảo hiểm, áo giáp và các phụ kiện khác từ các nhân vật phim nổi tiếng với sự trợ giúp của máy tính và máy in 3D.
Căn nhà xưởng tồi tàn và bụi bặm của Nazari bên trong một khu vườn rộng lớn đầy cây cao ở Hạt Shahriar, cách Tehran một giờ lái xe. Trên tường là hàng chục bức ảnh chụp Nazari trong trang phục cosplay. Sinh năm 1993, Nazari từ bỏ việc học kỹ thuật phần cứng tại trường đại học và đã thử một vài công việc trước khi tìm được công việc mình yêu thích.
Nazari tự nghiên cứu kỹ thuật in 3D trực tuyến. Giờ đây, Nazari khẳng định những sáng tạo của mình không chỉ sánh ngang với các sản phẩm tương tự của nước ngoài về chất lượng mà còn rẻ hơn nhiều đối với những người chơi cosplay ở Iran. Sau đó, Nazari đăng các bài đánh giá sáng tạo và thú vị về các sản phẩm cũng như đồ cosplay nói chung trên tài khoản YouTube và Instagram của mình, và số lượng người theo dõi anh đang tăng lên. Nazari tâm sự: “Tôi thích đầu tư thời gian và sức lực cho công việc mà tôi cảm thấy thú vị. Khi còn nhỏ, tôi luôn mơ ước có một chiếc mũ bảo hiểm Người Dơi kín cả mặt để đội. Giờ thì ước mơ đó đã thành hiện thực. Hôm nay tôi tự làm chiếc mũ bảo hiểm đó. Tôi sẽ không bao giờ bỏ công việc này”.
Sự bùng phát của Covid-19 ảnh hưởng rất ít đến công việc của Nazari và thành viên mới trong nhóm của anh là Pouriya Jafarnia. Nhu cầu ngày càng cao khi ngày càng có nhiều người, từ 8 tuổi trở lên, đặt mua các mặt hàng mới mỗi ngày. “Trong những tháng gần đây , tôi hầu như không tìm thấy thời gian để xem phim mới, chơi trò chơi hoặc gặp gỡ bạn bè. Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng công việc và sản xuất các sản phẩm chất lượng mà không tăng giá”, Nazari nói và nói thêm rằng anh luôn cố gắng đưa ra mức giảm giá đặc biệt cho cosplayer ở Iran.
Với số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng, gần đây Nazari đã mua hai máy 3D mới và cho biết anh thậm chí đã bắt đầu nhận được yêu cầu cho các mặt hàng không phải cosplay như là mô hình kiến trúc và hàm răng nha khoa. Nhưng Nazari đã từ chối những điều đó để tập trung vào niềm đam mê của mình. Điểm hẹn lớn nhất và xa hoa nhất dành cho các cosplayer trên toàn thế giới là các sự kiện Comic-Con hàng năm – thường là các hội nghị đông đúc, nơi người hâm mộ, người sáng tạo và các chuyên gia trong thế giới truyện tranh, khoa học viễn tưởng và trò chơi điện tử tụ họp. Comic-Con đầu tiên được ra mắt vào năm 1970 tại Mỹ và nhiều sự kiện tương tự đã được tổ chức quốc tế kể từ đó.
Mặc dù các quốc gia đa số theo đạo Hồi khác như Ả Rập Saudi láng giềng đã ra mắt phiên bản Comic-Con của họ, nhưng những sự kiện như vậy chưa bao giờ được tổ chức ở Iran. Tuy nhiên, do ngày càng phổ biến trong những năm gần đây, cosplay đã trở thành một đặc điểm chung của nhiều cuộc triển lãm máy tính, trò chơi điện tử và chiếu phim trong nước.
Những diễn viên cosplay hàng đầu thường xuyên được mời tham dự những sự kiện này, mặc dù họ có xu hướng là nam giới. Đối với một số người Iran, cosplay mang đến một hình thức sáng tạo để thoát khỏi luồng tin tức tiêu cực liên tục, nền kinh tế suy thoái và tương lai không chắc chắn do các lệnh trừng phạt đang diễn ra của Mỹ và tác động của đại dịch Covid-19. Sepideh Karimi, 23 tuổi, người đã bước chân vào thế giới cosplay được vài năm cho biết: “Bất kỳ hình thức nghệ thuật nào cũng có thể giúp bạn quên đi những vấn đề trong thế giới thực và đắm mình trong vẻ đẹp của nó. Không nghi ngờ gì nữa, cosplay cũng không ngoại lệ”.
Kể từ cuộc cách mạng năm 1979 lật đổ chế độ Shah do Mỹ hậu thuẫn, mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã trở nên căng thẳng. Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao khi các sinh viên Iran chiếm đóng đại sứ quán Mỹ ở Tehran và ngay sau đó Washington áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Iran. Căng thẳng đã gia tăng giữa hai nước trong 2 năm qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran đã ký với 6 cường quốc.
Tổng thống Trump cũng khôi phục các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế Iran. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Iran luôn cảnh báo về một cuộc “xâm lăng văn hóa” từ phương Tây, cho rằng nhiều phim bom tấn của Hollywood – bao gồm cả phim khoa học viễn tưởng và Marvel – không phù hợp với văn hóa Hồi giáo. Nhưng thế hệ mới của những người Iran trẻ sinh sau năm 1990, và đã tiếp xúc với văn hóa đại chúng phương Tây qua vệ tinh và Internet, vẫn tiếp tục bất chấp.
Karimi, sinh viên tốt nghiệp khoa tâm lý muốn tiếp tục nghiên cứu điện ảnh: “Tôi không giới hạn bản thân trong một thể loại phim cụ thể … tôi vẫn thích xem phim khoa học viễn tưởng hơn những bộ phim khác. Tôi cũng rất thích thể hiện các nhân vật trong The Avengers cũng như loạt phim X-Men”. Sau cái chết của ngôi sao Black Panther Chadwick Boseman vào tháng 8-2020, cộng đồng người hâm mộ cosplay ở Iran chia sẻ sự thương tiếc của họ thông qua các bình luận và câu chuyện trên trang Instagram để bày tỏ sự tiếc thương trước những gì họ mô tả là “một mất mát to lớn” – một dấu hiệu cho thấy sự hấp dẫn và phổ biến ngày càng tăng phim do Mỹ sản xuất và các siêu anh hùng của nước này.
Các cosplayer Iran đã đi một chặng đường dài trong thập kỷ qua, và ngày nay họ đang nỗ lực quảng bá loại hình nghệ thuật này với lòng nhiệt thành và tiêu chuẩn giống như các đồng nghiệp quốc tế của họ. Farzad Amiri , một cosplayer tiên phong 26 tuổi được công nhận ở Iran cho biết: “Chúng tôi có những cosplayer chuyên nghiệp và phi thường ở Iran. Tôi coi phong cách làm việc và trang phục mà tôi thiết kế là chuyên nghiệp và đẳng cấp nhất”.
Shahabadi đồng ý và nói thêm rằng trong những năm qua, nguồn lực của họ cũng đã phát triển: “Nhiều dự án và màn trình diễn cosplay đã được tạo ra, ở nhiều khía cạnh khác nhau, ví dụ như thiết kế trang phục, trang điểm, trình bày phức tạp…”. Amiri, tuy nhiên, tin rằng có sự khác biệt giữa thành công của các cosplayer cá nhân và vị thế của cosplay trong công chúng.
Amiri, người đã hoạt động trong lĩnh vực này hơn 7 năm, bình luận: “Cosplay trước tiên nên được chính phủ công nhận là một loại hình nghệ thuật lâu đời để cho phép cả nam và nữ bình đẳng và có cơ hội làm việc trong các lĩnh vực k
hác nhau như giải trí, quảng cáo hoặc các hoạt động chuyên môn, hoặc thậm chí là điện ảnh.
Chỉ sau đó chúng ta mới thấy được sự tiến bộ rõ rệt trong lĩnh vực công cộng”. Một vấn đề khác, Amiri nói thêm, là thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ và thiếu vắng các sự kiện và lễ hội dành riêng cho cosplay để người hâm mộ đến với nhau và người sáng tạo giới thiệu tác phẩm của họ với công chúng. Trong khi đó, những cosplayer như Shahabadi không có dấu hiệu dừng lại – bất kể thách thức.
Ngoài việc học đại học, Shahabadi có kế hoạch tiếp tục học cosplay, cùng với những nỗ lực sáng tạo khác. Khi rảnh rỗi, cô lao vào thiết kế nhân vật cosplay, sản xuất phim ngắn hoặc làm diễn viên lồng tiếng cho phim hoạt hình. Shahabadi nói: “Tôi hy vọng những nỗ lực của tôi sẽ giúp thúc đẩy cosplay ở người Iran. Để nhiều người có thể tự do tham gia cộng đồng này, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật này”.
Cosplay – ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 45 tỷ USD
Cố gắng giải thích về cosplay cho những người chưa quen là một thách thức. Bạn có thể bị cám dỗ để đi ngược dòng lịch sử, sử dụng Wikipedia làm hướng dẫn cho bạn. Hoặc bạn có thể tiếp cận trực quan hơn và truy cập Instagram, ngôi nhà tự nhiên của cosplayer hiện đại. Hoặc bạn có thể chỉ cần hỏi ai đó có hiểu biết.
Les Allen tự mô tả mình là một “người đam mê chuyên nghiệp”, nhưng với bạn bè ở Nam Phi, anh là đại sứ cosplay và là đạo diễn tại Icon Comic & Games Convention – hội nghị truyện tranh và văn hóa đại chúng lâu đời nhất ở châu Phi. Năm nay 27 tuổi, Icon là sự kiện duy nhất ở châu Phi hợp tác với Hội nghị Thượng đỉnh Cosplay Thế giới tại Nhật Bản – và một vị trí trên sân khấu tại sự kiện cosplay danh giá nhất thế giới này, được các cosplayer trên toàn thế giới thèm muốn.
Cosplay – nơi bạn thiết kế, may và mặc trang phục lấy cảm hứng từ nhân vật yêu thích của bạn trong truyện tranh, trò chơi điện tử hoặc phim nghe có vẻ giống như đồ trẻ con, nhưng đối với nhiều người thì đó là một công việc kinh doanh nghiêm túc.
Ngành công nghiệp toàn cầu này được cho là trị giá đến 45 tỷ USD và đang phát triển, với nguồn doanh thu phức tạp và nhiều mặt như trang phục diễn viên cosplay. Trong trường hợp của Hội nghị thượng đỉnh cosplay thế giới (WCS), các thí sinh có thể dành đến 18 tháng để tạo ra mọi chi tiết trang phục của họ bằng tay, ghi lại mọi bước theo yêu cầu của cuộc thi (họ phải chứng minh được rằng trang phục của họ là tác phẩm của riêng họ) trước đó tham dự một sự kiện như Icon để trải qua sự giám sát của ban giám khảo.
WCS là một sự kiện cosplay quốc tế thường niên nhằm thúc đẩy trao đổi quốc tế thân thiện thông qua văn hóa nhạc pop Nhật Bản. Vào năm 2012, WCS được thành lập như một công ty và được tổ chức bởi bộ phận sự kiện của TV Aichi. Các cosplayer chuyên nghiệp dành nhiều tiền bạc cho vật liệu, tóc giả và thiết bị, thậm chí đôi khi dành thời gian để học một bộ kỹ năng hoàn toàn mới sẽ giúp họ đưa cosplay của mình lên một tầm cao mới.
Roger Machin của Canon South Africa (“Canon Nam Phi – nhà cung cấp thiết bị camera kỹ thuật số hàng đầu của thương hiệu Nhật Bản Canon ở Nam Phi), đơn vị đã chớp lấy cơ hội hợp tác với cuộc thi cosplay của Icon cho biết: “Nhiếp ảnh và quay phim có liên quan về bản chất với nghệ thuật trình diễn hình ảnh này. Chụp ảnh thường là một phần chính trong quá trình chuẩn bị của họ và tại mỗi sự kiện, bạn sẽ tìm thấy ít nhất một hoặc hai studio ảnh ‘màn hình xanh’ cho các cosplayer chụp chân dung, nơi có thể thả phông nền vào”.
Mỗi quốc gia đều tổ chức trận chung kết của riêng họ và những người chiến thắng được cử đi đến Nhật Bản để tranh tài trong trận chung kết, vì vậy WCS là một “Holy Grail” (Chén Thánh) dành cho các cosplayer tận tụy. Đây cũng là một sáng kiến về di sản văn hóa Nhật Bản được công nhận và tất cả những người tham gia phải hóa trang thành một nhân vật trong văn hóa đại chúng Nhật Bản.
Mặc dù điều đó thoạt đầu có vẻ khó khăn, nhưng rõ ràng đây là một lễ hội rộng lớn, với vô số thương hiệu toàn cầu để lựa chọn – chỉ riêng Nintendo đã cung cấp cho người chơi cosplay hàng trăm nhân vật. Chỉ riêng Pokémon, Super Mario và Legend of Zelda đã truyền cảm hứng cho hàng triệu trang web cosplay.
Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cosplay là một mục tiêu toàn cầu rất tích cực để tìm hiểu đời sống văn hóa của Nhật Bản. Mặc dù cosplay đã tồn tại ở một hình dạng hoặc một hình thức trong nhiều thập kỷ, nhưng chỉ kể từ khi Internet ra đời, nó mới thực sự xuất hiện, tập hợp các cơ sở người hâm mộ thích hợp từ khắp nơi trên thế giới để tạo ra một cộng đồng toàn cầu mới, những người đưa nghệ thuật ăn mặc vượt quá bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng tại một bữa tiệc váy áo lộng lẫy.
Một trong những nghệ sĩ như vậy là Kinpatsu Cosplay (Tayla Barter), người được coi là một trong những cosplayer hàng đầu thế giới. Les giải thích: “Năm 2018, Kinpatsu đã giành chức vô địch cosplay tại Comic Con Africa và tiếp tục đứng thứ 2 thế giới. Nhưng chỉ 3 năm trước đó, Tayla Barter, (như cô ấy được biết đến với bạn bè của mình) quyết định trở nên chuyên nghiệp và biến thế giới cosplay thành công việc kinh doanh của mình. Giờ cô ấy có 250.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội và được mời đến hội nghị với tư cách là một khách trả phí.
Đó là một cơ hội kinh doanh hợp pháp hiện nay cho các cosplayer trên toàn thế giới”. Tayla Barter, 27 tuổi, được biết đến nhiều hơn với cái tên Kinpatsu Cosplay trên mạng và cô được cho là một trong những cosplayer Nam Phi xuất sắc nhất. Nhưng làm thế nào để bạn kiếm tiền từ những gì về cơ bản là chế tạo, tạo ra và mặc quần áo? Trang web Patreon là một nền tảng dành cho các nghệ sĩ và người sáng tạo cá nhân tạo các chương trình thành viên kết nối họ trực tiếp với khán giả của họ.
Các cosplayer đã nhận thấy đây là một cách tuyệt vời để gây quỹ cho bản thân đồng thời chia sẻ cuộc sống, kỹ năng và nghề thủ công của họ với một lượng người hâm mộ tận tụy. Les giải thích: “Tất cả những gì bạn cần là 10.000 người trên thế giới thích công việc của bạn và sẵn sàng cho bạn 1 USD mỗi tháng. Đó là số tiền lớn”.
Roger cho biết thêm: “Các cosplayer cũng dành rất nhiều thời gian để ghi lại các vlog. Vì vậy, mối liên hệ giữa các sản phẩm Canon và văn hóa cosplay là vô cùng lớn”. Đối với Kinpatsu cosplay, đây là cách hoàn hảo để nâng cao vị trí của cô như một trong những diễn viên cosplay hàng đầu thế giới – bằng cách cho phép tiếp cận với những bí quyết chế tác của cô.
Trên Patreon của mình, Kinpatsu cosplay tạo và sản xuất hai cosplay mỗi tháng và những người hâm mộ trả tiền của cô có quyền truy cập độc quyền vào mẫu trang phục và video về cách cô kết hợp chúng với nhau. Đó trở thành một nguồn thu nhập ổn định đến mức có thời điểm Kinpatsu cosplay thậm chí đã tạm dừng việc xuất hiện trước công chúng để tập trung vào việc mang đến cho ‘khách quen’ của mình trải nghiệm tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các siêu sao cosplay cũng đã tạo nên một thứ ‘thứ bậc hạnh phúc’ trong cộng đồng cosplay. Les nói: “Có ba khía cạnh – vui vẻ, cạnh tranh và sau đó là người nổi tiếng. Đối với đại đa số, đó là một sở thích thú vị và là một cách để kết nối với những người cùng chí hướng. Cộng đồng cosplay nói chung rất ủng hộ. Bạn hỏi, làm thế nào tôi có thể hoàn thành việc này?’ Và mọi người sẽ vui vẻ chỉ cho bạn đúng hướng.
Các cosplayer nghiêm túc cần phải là những người có tư duy sáng tạo, có kỹ năng quản lý thời gian và ngân sách chuyên nghiệp, những người có thể tiếp thu các kỹ thuật mới và áp dụng chúng một cách nhanh chóng. Có rất nhiều khía cạnh phát triển tích cực đến từ nó. Thực tế là nếu bạn muốn cosplay thì bạn phải lên kế hoạch”. Les cũng tin rằng việc thực hành cosplay để trở thành “một người cân bằng tuyệt vời” và là một nơi phát triển cá nhân, nơi bạn có thể “thử các khía cạnh khác nhau của bản thân” khi trở thành một nhân vật mà bạn yêu thích.
Nó dạy bạn sự đồng cảm khi đảm nhận một nhân vật khác. Nhân vật này cảm thấy như thế nào? Họ sẽ giải quyết tình huống này như thế nào? Có những nhân vật thể hiện những lý tưởng và nguyên tắc nhất định và khi bạn muốn trở thành nhân vật đó như một sự tôn kính hoặc cống hiến yêu thương, bạn không thể không có những thứ đó. Trung tâm của toàn bộ cộng đồng là mong muốn thể hiện tình yêu đối với một thể loại hoặc nhân vật và kết nối với những người khác có cùng tình yêu. Như Les tổng kết: “Bạn có thể kết nối với bất kỳ ai trên khắp thế giới cho tất cả những thứ bạn thích. Các rào cản đều đã đổ xuống. Đó chỉ là cosplay”.