Khi ăn đồng thời uống rượu, uống bia người ta nói là ăn nhậu. Người uống nhiều rượu bia, thiên hạ gọi họ là bợm nhậu. Bàn tiệc ăn nhậu gọi là bàn nhậu. La cà ăn uống suốt ngày gọi là nhậu nhẹt… Chung quanh chuyện uống có nhiều điều để nói. Trong văn chương, các thi sĩ thường hay nói đến chuyện “say”, có khi nói rõ là “uống say”. Ông Nguyễn Bắc Sơn tiếc việc biết nhau trễ “Tiếc mày không gặp ta ngày trước/ Ta cho mày say quắc cần câu”, còn ông Nguyễn Bính viết: “Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu/ Mà không uống cạn, mà không say”…rồi… “Bữa mộng ân tình say đến sáng/ Bài thơ tâm sự nghĩ không ra”. Qua thơ, thấy cả hai ông đều không phải là bợm nhậu, ông Sơn cho bạn uống chớ ông đâu có uống, còn ông Bính uống dở ẹc, không biết muôn hớp cộng lại được mấy ly mà say đến sáng, không nghĩ được câu thơ nào? Đáng sợ là các bợm nhậu không nói gì, lặng lẽ rót, lặng lẽ uống.
Uống một mình, chữ nghĩa nói là độc ẩm. Ông Tường Linh viết: “Chẳng muốn cũng đành ngồi độc ẩm/ Nhớ thương bằng hữu bốn phương trời”. Buổi sớm tinh sương ngồi một mình bên bình trà, uống dần dần từng chén nhỏ, hết chén này đến chén khác, suy nghĩ sự đời một cách tỉnh táo, không mệt mỏi, không chán nản, có thể nghêu ngao ngâm nhỏ một vài câu thơ, hay dở mặc kệ, ta ngâm cho ta nghe, ta đọc cùng ta… Thích chứ! Xong ta đi làm việc khác, thật sảng khoái. Một mình ta, có ai mà chi, người khác sẽ xen vào dòng cảm nghĩ của ta, mất vui. Bình minh nhất trản trà là như vậy. Còn bán dạ tam bôi tửu, ta cũng ngồi một mình ta, nhấm chút rượu ngon và suy gẫm, chút men đồng giúp ta lâng lâng quên hết mọi sự, đi vào giấc ngủ êm đềm. Trà cũng như rượu, đừng ham hố uống nhiều thành ăn uống vô độ, hư sự!
Người xưa nói: “Hai thứ để càng lâu càng quý là bạn hiền và rượu ngon”. Lại còn than vãn: “Rượu ngon không có bạn hiền”. Uống rượu với bạn kiểu người xưa là mừng tái ngộ, là tiễn nhau một chén quan hà, trang trải nỗi lòng, bộc bạch tâm sự, cho vơi đi những buồn phiền, cho tăng niềm hưng phấn. Họ xưng là tiên tửu, uống rượu thanh thản như người tiên. Mời anh cạn chén này cùng tôi, mai này nơi trời Tây đường xa xứ lạ, đâu biết ai là cố nhân?
Người thời nay đa phần uống với bạn để vui, uống ồn ào, cụng ly côm cốp, một món mới đem lên là uống mừng, rồi kiếm đủ mọi cớ để phạt nhau. Có người không bị phạt, thì tạo ra “lỗi”, xin tự phạt để uống. Uống ở nhà hàng bàn này qua bàn kia giao lưu, mời nhau. Đủ trò. Có ai đó kể chuyện cụng ly là do khi ta uống lưỡi được nếm vị rượu, mũi được ngửi hương rượu, mắt được nhìn màu rượu, chỉ có tai bị thiệt thòi, nên tai khiếu nại, vì vậy có tục cụng ly để cho tai được nghe côm cốp, ấy là tiếng rượu!
Đi dự tiệc hay gặp cảnh trong một bàn cùng nâng ly bia lên, một người hô: “Một, hai, ba…”, tất cả đồng thanh: “Dô!”, rồi cùng uống. Nhiều vị cao tuổi, sống mẫu mực không chịu được cảnh này.
Ông Nguyễn Bính viết: “Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi thế nhân ơi!/ Thế nhân mặt trắng như ngân nhũ/ Ta với nhà ngươi cả tiếng cười!”, ông Đoàn Thêm viết: “Uống sầu say đập chén/ Chưa thấy điện Tây Vương…”. Ngồi giữa chợ, uống say, đập chén, cười to… đâu có vừa gì, cũng ồn ào đáo để! Vậy thì “dô dô” là sản phẩm thời đại của những chàng trai hôm nay đang độ thanh xuân, họ đang sống vui, lúc tiệc tùng hớn hở reo lên khi nghe báo hiệu: “Một, hai, ba…”. Thiết tưởng cũng nên thông cảm cùng họ.
- Trần Sĩ Huệ