Ngày 6-2 vừa qua, LHP Berlin lần thứ 64 đã long trọng khai mạc tại thủ đô nước Đức; nét đặc biệt trong sự kiện điện ảnh này có lẽ là sự hiện diện của bộ phim Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh được chiếu mở màn liên hoan.
“Tiến sĩ Vật lý Mỹ 10 năm một phim” hân hạnh gặp “cụ già” Đức 64 tuổi
Nhắc đến Nguyễn Võ Nghiêm Minh, nhiều người nhớ ngay hình ảnh một người đàn ông trung niên đi giày bata giản dị, tóc gần như bạc hết. Sau 16 năm hoạt động khoa học ở ĐH California tại Los Angeles, một ngày nọ ông quyết định đi học làm phim. Tác phẩm đầu tiên Mùa len trâu (2003) đã liên tục gặt hái các giải thưởng danh giá ở các LHP quốc tế như LHP Chicago, LHP châu Á – Thái Bình Dương, LHP Amiens… 10 năm sau, Nước 2030 mới là bộ phim nghệ thuật thứ hai của ông. Mười năm ấp ủ một tác phẩm, nên khi ra rạp ở một môi trường trọng thị nghệ thuật lâu đời, Nước 2030 đã cháy vé, theo những nguồn tin của các đạo diễn, nhà báo Việt Nam được mời tham dự LHP.
Nước 2030 là một tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn Nước như nước mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhưng bối cảnh của phim là vào năm… 2030, khi thế giới chìm trong biển nước, chỉ còn một số người sống sót, cùng nhau sống vá víu qua ngày trên những con thuyền tạm bợ. Những mảnh đời vụn vặt, những ân tình và cả oan tình lênh đênh trên biển nước thời hậu đại hồng thủy quả thật mang đến cho người xem một viễn tượng hết sức khắc khoải nhưng cũng đầy nhân văn.
Không ngại ứng dụng những công nghệ mới nhất vào điện ảnh
Xuất thân là dân khoa học nhưng lại có tư duy mỹ thuật cao độ, đạo diễn Nghiêm Minh không ngần ngại dùng những công nghệ mới nhất có tại Việt Nam cho Nước 2030 để lột tả óc duy mỹ của mình. Bối cảnh khoa học viễn tưởng trong phim chỉ toàn… nước là nước, phim chủ yếu quay ở biển Cần Giờ và Nha Trang, nên ông đã sử dụng các thiết bị bay điều khiển sóng radio (flycam) để ghi các khung hình tối giản của mình. Máy bay trực thăng sẽ tạo quá nhiều sóng, ảnh hưởng đến đạo cụ, diễn viên, nên những chiếc máy bay flycam tám cánh lên thẳng điều khiển từ xa chính là lựa chọn tối ưu.
Được biết đây là bộ phim điện ảnh thứ hai của Việt Nam có sử dụng flycam ghi hình để tăng hiệu ứng hình ảnh (phim trước là Bụi đời Chợ Lớn rất tiếc không được trình chiếu). Ngoài ra, những loại máy quay dưới nước chất lượng cao hiện đang có mặt ở Việt Nam cũng được sử dụng xuyên suốt bộ phim.
Đầu xuân điện ảnh nước nhà đã được hân hạnh “đem chuông đi đánh xứ người”, hy vọng với thành công rực rỡ của Nước 2030 tại LHP Berlin, Việt Nam rồi sẽ thực hiện được những bộ phim có chiều sâu, huy động những thành tựu khoa học kỹ thuật có sẵn trong nước để không chỉ mang đến cho khán giả quốc tế cái nhìn mới mẻ về Việt Nam mà còn thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức của người xem trong nước.
P.K