Có những lúc sự sợ hãi và lo âu dường như kiểm soát cả ngày làm việc của bạn. Nỗi sợ có thể ngăn không cho bạn nói lên chính kiến trong một cuộc họp vì bạn cảm thấy quan điểm của mình không đáng để nói ra. Và còn nữa, bạn có thể mất hàng giờ để viết một email đơn giản chỉ vì sự ngờ vực chính mình khiến bạn thấy rằng nó chưa đủ hay.
Thậm chí nhiều người thành đạt vẫn phải tranh đấu với ý nghĩ rằng họ chưa đủ năng lực, họ là “kẻ mạo danh” dù cho họ đã có những thành tựu đáng nể. Hiện tượng tâm lý này được gọi là “hội chứng kẻ mạo danh” và có thể xuất hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, cả trong công việc của chúng ta dưới những hình thức như: coi nhẹ sự thăng tiến, từ chối những trách nhiệm mới, tự giả định rằng bản thân không đủ năng lực cho công việc.
Dù không có ai miễn nhiễm với hội chứng này, nhưng theo bà Melody Wilding – một nhà khai vấn từng hợp tác với các công ty như Google, Facebook, HP và Deloitte, nó thật sự ảnh hưởng lớn đến những người thành đạt.
- Xem thêm: Thành công bắt đầu từ thay đổi suy nghĩ
Sợ thất bại là một cảm xúc rất con người mà cả những người thành công nhất cũng trải qua. Tiểu thuyết gia Neil Gaiman, nhà quản trị Sheryl Sandberg, diễn viên Emma Watson, thậm chí nhà bác học Albert Einstein cũng từng nói về “cảm giác bản thân mình không xứng đáng với thành công”.
Vì thế, nếu bạn đang đối phó với hội chứng này, bạn không hề cô độc. Tự ngờ vực bản thân có thể ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nó sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không bao giờ học cách sống với cảm xúc bình thường này bằng những phương cách lành mạnh.
Nhà khai vấn Melody Wilding đã chia sẻ một vài chiến lược mà những người rất thành công đã sử dụng để vượt qua sự nghi ngờ bản thân.
Họ nhận ra những lối suy nghĩ lặp lại và chủ động thay đổi tư duy
Mỗi ngày chúng ta có khoảng 60-70.000 suy nghĩ và ước tính có đến 98 phần trăm những suy nghĩ này là giống nhau. Điều này có nghĩa là sự tự ngờ vực thật sự là một thói quen – một lối tư duy mà bạn có thể kiểm soát được.
Trước tiên, hãy nhận dạng những nguyên nhân sâu xa (nhiều khả năng bắt rễ từ thời thơ ấu) khiến bạn cảm thấy rằng mình không xứng đáng với sự thành công. Tìm ra những suy nghĩ không thực tế, phi lý và phóng đại thường xuyên xuất hiện và lặp lại, sau đó, xác định những lệch lạc trong nhận thức thường xảy ra và khiến bạn mắc sai lầm.
Họ tò mò và tự đặt câu hỏi
Hãy cố gắng thực hành “lòng vị tha với bản thân”. Chẳng hạn, nếu bạn đưa ra lý lẽ rằng mình không sẵn sàng để theo đuổi một con đường sự nghiệp mới, thì hãy nhận diện sự quan ngại này với tinh thần xây dựng. Nên tận dụng cơ hội này để đánh giá trung thực những kỹ năng của bạn và đánh giá những lỗ hổng mà bạn cần hoàn thiện.
Họ không để cho nỗi sợ ảnh hưởng đến mục đích
Tất cả chúng ta đều có thể lo lắng và bối rối khi đối mặt với sự thay đổi và tình trạng bấp bênh. Lo ngại là chuyện bình thường. Nỗi sợ và sự hoài nghi sẽ luôn cất lên tiếng nói khi chúng ta nỗ lực làm những điều gì đó to tát cho dù ta có cố suy nghĩ tích cực như thế nào đi nữa. Lắng nghe tiếng nói từ bên trong cũng có nghĩa là bạn sắp làm điều gì đó can đảm và quan trọng cho bản thân.