Tu hiểu theo nghĩa đơn giản có nghĩa là sửa. Tự mình sửa những cái sai của mình. Cái gì xấu, không cần thiết, không tốt, tham, sân, si… phiền não bỏ đi. Sửa được những điều đó thì mới gọi là tu.
Người xưa có câu: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”, có hai cách hiểu về ý nghĩa câu tục ngữ này. Thứ nhất là nói lên mức độ “khó” của việc tu. Tu tại nhà là khó nhất. Thứ hai, có thể hiểu theo nghĩa, theo thứ tự của tiến trình tu tập. Muốn tu được ở chùa, phải trải qua quá trình tu tập tốt ở gia đình, kế đến là tu ở chợ và sau cùng mới ra tu ở chùa.
Thử phân tích theo ý nghĩa thứ nhất. Tại sao tu ở gia đình là khó nhất?
Người ta thấy rằng, chính gia đình là nơi cần tình yêu thương nhưng cũng là nơi nhạy cảm nhất và những con người đáng lý luôn nói lời yêu thương với nhau thì lại dễ làm tổn thương nhau! Hay nói cách khác “thương nhau lắm, cắn nhau đau”.
- Xem thêm: Tâm như nước trong
Trăm thứ chuyện gia đình, cái sảy nảy cái ung. Con cái làm cha mẹ đau lòng, vợ chồng không tôn trọng nhau, đôi khi còn dễ khiến làm nên thù hằn cho dù sống cùng nhà và bế tắc hoàn toàn giải pháp chia tay.
Như vậy thì sống thế nào đây? Chỉ có nhường nhịn, biết ý nhau mà sống và mỗi người tự nhận ra cái sai của mình, tự điều chỉnh hành vi, lời ăn tiếng nói chỉ bởi lý do duy nhất: chúng ta là một gia đình. Đừng nghĩ là dễ.
Có anh/chị em ruột mà mang nặng oán thù không nhìn mặt nhau, tới khi mọi thứ muộn màng. Con người phải sống trong sự dằn vặt hết kiếp. Có cha mẹ không nhìn mặt con cái (hay ngược lại) một thời gian dài, có trường hợp suy nghĩ lại và dàn hòa nhưng cũng có trường hợp không thể.
Cuộc sống vốn phức tạp, nhiều người nói vui, thời cách mạng công nghệ 4.0, thêm một môi trường khó tu nữa là tu tại “phây”!
Công nghệ trói buộc bắt con người phụ thuộc vào nó. Sự hấp dẫn của công nghệ thu hút từ đứa bé chưa biết nói đã thích xem tivi, iPad… Thêm sự tiếp tay của cha mẹ muốn yên, thế là giao con cho smartphone, iPad, tivi…
Để thấy, con người thật sự bị công nghệ cuốn hút và bị cầm tù bởi nó. Mạng là thứ thiết yếu bên cạnh từ khi thức dậy đến lúc buồn ngủ díp mắt mới buông tay bỏ điện thoại xuống.
Và có thể thấy không phải ai cũng biết chọn lựa khi tham gia vào mạng xã hội. Những tranh cãi do bất đồng rồi mâu thuẫn chửi nhau chẳng nể nang gì. Người thật có, ném đá giấu tay có… Rất khó tạo tâm bình an khi trong tay có công cụ là bàn phím.
Mục đích tốt đẹp ban đầu là chia sẻ, học những điều hay, tốt đẹp… đã bị phá sản. Con người cuốn vào vòng sân si, bực tức, chia phe, nói xấu, thậm chí lừa nhau, có đủ. Mạng giờ đây là công cụ mà!
- Xem thêm: Bình yên
Như vậy, làm sao để “tu tại phây” là trang mạng xã hội được nhiều người chọn lựa nhất? Đọc xem “bạn bè” nói gì? (Đến cả trăm ngàn bạn bè cơ đấy). Có trái tai gai mắt hay hoàn toàn đồng ý? Không thích thì không like, nhưng đôi khi không thích vẫn like.
Từ một bình luận vô thưởng vô phạt, có người tán ra rồi đồ thêm gây tranh cãi. Giữ mình trên phây không phải chuyện dễ. Không ai có thể khuyên ai hay dạy dỗ ai trên mạng xã hội vì ở đó là không gian mở, bình đẳng. Quyền của mỗi người.
“Triệu người quen có mấy người thân”, ai cũng biết vậy nhưng để tạo một tâm thế thoải mái, bình tĩnh, vui vẻ không cạnh tranh khi chơi mạng là điều rất khó khăn. Vậy nên thời 4.0 “tu tại phây” là một thách thức cho bất kỳ ai. Ngẫm rồi sẽ thấy, chỉ cần đọc rồi bỏ qua, không mang ra bàn tán ngoài đời thực đã thấy khó… tu rồi!
Giờ đây điện thoại kè kè, cứ thử một ngày không phây, không điện thoại quả là quá khó khi mà tất cả mọi thứ từ tài khoản ngân hàng, email, tra cứu google đều nằm hết trong cái điện thoại bé tí.
Mọi lúc, mọi nơi ngay cả khi đang đi bộ mà vẫn dán mắt vào điện thoại mặc kệ xe cộ chung quanh nếu đang vào cuộc chiến “phây”.
Làm sao tu đây?