Cứ mỗi năm lại có một mẫu túi mới từ các hãng thời trang ra đời, một số ít trong đó trở thành thiết kế kinh điển nhưng không phải chiếc túi nào cũng có giá trị như Birkin, dẫu đã qua sử dụng nhiều lần.
Trong thế giới đồ hiệu tồn tại thuật ngữ “chợ xám” bên cạnh “chợ đen” – mua bán hàng giả – và “chợ trắng” – mua bán hàng chính hãng. “Chợ xám” (grey market) chỉ những nơi mua bán lại những sản phẩm đã qua sử dụng. Tại đó, giá mỗi chiếc túi phụ thuộc vào tình trạng sản phẩm, độ tuổi, thương hiệu và quan trọng nhất là tên của nó. Giống như rượu hay tranh, giá của túi Birkin chỉ có chiều hướng tăng lên theo thời gian, tùy thuộc vào mức độ nguyên vẹn hoặc độ hiếm của nó. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những chiếc túi giá chỉ còn khoảng 30% giá gốc, điển hình là chiếc PS1 của Proenza Schoular từng làm mưa làm gió cách đây 10 năm.
Không chỉ riêng PS1, hầu hết những chiếc túi xách “IT” đều bị rớt giá khoảng 60% theo thời gian, trong đó có Fendi Baguette, Chloé Paddington… Chỉ một vài mẫu là duy trì ở mức 20% như Chanel 2.25, số liệu từ một số trang “chợ xám” nổi tiếng như Rebag và The Real Deal. Vậy, công thức nào để tạo nên sự thành công cho một chiếc túi?
Đầu tiên là yếu tố phát hành. Trong thời buổi thông tin lan rộng và nhanh như ngày nay thì công thức “nhá hàng” đang trở nên phổ biến và đạt hiệu quả. Nếu “hầu bao” hào phóng, hãng sẽ kết hợp cùng người nổi tiếng để giới thiệu mẫu túi mới, điển hình là trường hợp Celine với Lady Gaga và Angelina Jolie gần đây. Ở mức độ nhỏ hơn, đó có thể là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (còn gọi là KOL – những người có tầm ảnh hưởng tới khách hàng và quyết định của họ) sẽ đăng hình chiếc túi trên trang của mình. Ngoài ra, yếu tố hạn chế số lượng phát hành cũng góp phần vào hiệu quả quảng cáo sản phẩm.
Đến thời điểm mẫu túi được bán chính thức, những tín đồ thời trang sẽ là người “bóc tem” chúng đầu tiên và bằng mọi giá. Một số trong nhóm này lại chính là những nhà đầu cơ trong trường hợp chiếc túi đó tạo nên cơn sốt, họ sẽ bán lại với giá cao hơn từ 200-800 USD. Thế nhưng mọi thứ được quyết định ở giai đoạn thứ ba, sau sáu tháng đến một năm tính từ ngày ra mắt. Giá của mỗi chiếc túi bắt đầu giảm mạnh từ 40 – 60% so với giá gốc. Vậy làm cách nào Hermès hay Chanel giữ vững phong độ ở một số mẫu túi nhất định?
Bí quyết nằm ở số lượng phát hành. Mức độ hiếm hoi của mỗi chiếc túi đi kèm với mức giá khủng. Điều này thuyết phục người mua về giá trị của chúng. Ví như mẫu Keepall 45 cộng tác với Supreme của Louis Vuitton năm ngoái có giá bán lại đắt gấp ba lần giá gốc hay Birkin và Kelly của Hermès có thể bán lại cao hơn 140% so với giá ban đầu.
Một yếu tố nữa là càng nhiều người bán thì giá càng rẻ. Cứ mỗi năm, nhu cầu cho một mẫu túi lại giảm xuống và một số lượng lớn sẽ xuất hiện trên thị trường “chợ xám” với giá thấp hơn ít nhất 20%. Một số mẫu túi vẫn giữ được giá trị như Gucci Dionysus ra mắt năm 2015 có giá bán lại bằng 70% giá gốc.
Qua đó có thể kết luận, để biết được chiếc túi đó có trở thành một hiện tượng như Birkin hay không, hãy đợi xem nó có tồn tại qua giai đoạn thứ ba hay không. Quả thực câu “Càng hiếm thì càng quý” rất đúng trong trường hợp này.