Nói đến thuế là người dân không mấy vui mặc dù đã làm quen với những khẩu hiệu đại loại như “Đóng thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân”, hay như ở các nước tiên tiến “đạo đức xã hội cao nhất là đóng thuế đầy đủ”. Thế cho nên để người dân tìm được niềm vui cũng như hạn chế nỗi bất bình khi đóng thuế thì cần có một sự thuyết phục rất cao.
Phân tích thuế phải từ triết lý của thuế, cách làm xem đã hợp lý chưa, đánh vào ai, đánh khi nào, đánh ở đâu, đánh bao nhiêu, phục vụ cho mục đích gì? Cân nhắc hết nếu thấy hợp lý mọi mặt thì chúng ta có một sắc thuế được sự đồng tình của xã hội, chứ mạnh ai nấy nói, lý lẽ lung tung thì đánh giá đúng hay sai chẳng phải là chuyện dễ làm.
Trên lý thuyết thì thuế là một công cụ điều tiết công bằng xã hội. Và nếu khái niệm công bằng quá bao la có thể gây tranh cãi thì người ta thường nghĩ đến tính hợp lý. Công bằng không có nghĩa là cào bằng. Tôi làm ra tiền nhiều, tôi có quyền chi tiêu thoải mái, nhưng phải chịu sự điều tiết của các loại thuế liên quan. Lẽ công bằng ở đây là anh phải có trách nhiệm làm sao cho xã hội này thêm điều kiện để tiếp tục nuôi dưỡng anh làm giàu. Đó chính là nghĩa vụ mà nếu thiếu sót sẽ làm cho hệ thống quản lý mất cân bằng khiến xã hội nghèo đi và như thế anh cũng không thể tiếp tục làm giàu hợp pháp được.
Thuế phải đánh đúng đối tượng, đánh đúng vào thứ gì (nhà, xe, thu nhập…), đánh cách nào và bao nhiêu, nhưng quan trọng hơn cả là phải có sự đồng thuận cao. Nhưng xã hội có đủ dạng người, đủ hoàn cảnh thì làm sao đi tìm sự đồng thuận của xã hội? Thật ra khái niệm đồng thuận là nói đến số đông. Ở Mỹ, cũng đánh thuế tài sản nhưng đó là thuế địa phương chứ không phải thuế liên bang. Muốn đánh thuế địa phương thì phải thuyết phục người dân.
Thuyết phục bằng cách cử tri chọn những ứng cử viên hiểu đúng tâm tư nguyện vọng của mình. Kết quả của chọn lựa ấy đã là sự đồng thuận của số đông. Trong một vài trường hợp, trưng cầu dân ý về một sắc thuế cũng là cách tìm sự đồng thuận chính xác và nhanh nhất. Ở nước ta chưa có cơ chế tìm sự đồng thuận như vậy. Cho nên, không chỉ chuyện thuế má mà nhiều chủ trương khác khi triển khai thực hiện thường xuyên gây nhiều vướng mắc.
Gần đây, Bộ Tài chính có đưa ra một dự thảo về luật thuế tài sản được nhiều chuyên gia và người dân tham gia góp ý, tựu trung nhằm vào mấy điểm: đánh vào đối tượng nào, đánh ra sao, tài sản bao nhiêu thì phải chịu thuế…
Về lý thì thuế tài sản không sai. Chẳng hạn anh đã có một căn nhà để ở nay mua thêm một căn nhà khác như một tài sản để dành thì đương nhiên phải đóng thuế tài sản. Nếu đem căn nhà ấy cho thuê hay đem bán tức là đã tạo ra một giá trị mới thì khi đó lại có các loại thuế khác chi phối mà không thể gọi là một tài sản hai lần bị đánh thuế. Đó là làm nghĩa vụ với xã hội khi sở hữu tài sản trên mức cần thiết. Trong thực tế hiện nay có căn nhà 2-3 tỉ đồng cũng không phải là người giàu có thì hà cớ chi lại đánh thuế tài sản đối với căn nhà trên 700 triệu đồng.
Anh có nhà để kinh doanh thì xã hội hoan nghênh vì anh tạo ra doanh thu mới không chỉ cho chính anh mà xã hội cũng có lợi vì anh đem tiền tái đầu tư. Đánh thuế tài sản (mà cụ thể là căn nhà) là đúng nhưng nên đánh vào đối tượng nào sở hữu nhà trên mức họ cần cho sinh hoạt mới hợp lý. Nhu cầu mỗi người mỗi khác vậy thì trước khi tính chuyện đánh thuế tài sản phải có những tiêu chí xác lập thế nào là nhu cầu hợp lý.
Hiện nay dư luận không mấy thuận lợi cho Dự luật đánh thuế tài sản, người ta bảo tham nhũng tràn lan, chi tiêu vung tay quá trán bây giờ gánh nặng nợ nần lại đặt trên đôi vai người dân nghèo. Nghĩ như vậy cũng không sai nếu căn nhà chỉ trên 700 triệu đồng là phải chịu thuế, nhất là khi số liệu dự báo cho thấy vài ba chục ngàn tỉ đồng thu được từ luật thuế này cũng chẳng thấm bao nhiêu so với tổng số khoản tiền tham ô, lãng phí, làm ăn thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước.