Nằm trên tuyến đường từ Bảo Lộc đi Đà Lạt, huyện Bảo Lâm mấy năm qua đã trở thành điểm đến quen thuộc với giới đi phượt. Đi ngoài quốc lộ thấy Bảo Lâm chỉ có đồi trà, phố núi bình dị. Đi sâu vào trong mới thấy nơi này có nhiều cảnh đẹp còn hoang sơ yên tĩnh.
Từ thành phố Bảo Lộc, chúng tôi theo đường Trần Phú đến ngã ba Đại Binh thì rẽ phải chạy vào chợ Lộc Thành. Qua chợ, qua một cây cầu, qua một ngôi chùa mang tên Niết bàn và một ngã tư mới đến được thôn 4 xã Lộc Thành. Từ thôn này đi thêm hai cây số rẽ trái men theo hướng lên dốc, rồi theo bảng hướng dẫn là tới Linh Quy Pháp Ấn.
Vì đã được dặn trước, chúng tôi sử dụng xe số mới chạy lên được cổng chùa. Đường mới được sửa lại dễ đi hơn trước đây nhưng vẫn làm khó những ai ít vận động. Bù lại phong cảnh rất đẹp. Ấn tượng nhất là mấy cô sơn nữ đeo gùi chất đầy đồ mà đôi chân vẫn thoăn thoắt trên con đường gập ghềnh.
Chùa Pháp Ấn nằm trên ngọn đồi cao, lọt thỏm giữa những rừng cây, vườn chè. Không gian xanh mướt xung quanh càng làm cho chốn tu hành thêm thanh thoát, nhẹ nhàng. Đứng ở cánh cổng Thần Đạo theo phong cách Nhật Bản, nhìn ra tưởng chốn bồng lai tiên cảnh đang ở trước mắt với mây trôi lững lờ, phía xa xa là những ngọn đồi trùng trùng điệp điệp trải dài đến tận chân trời.
Vào vãn cảnh chùa mới thấy Linh Quy Pháp Ấn có kiến trúc và sắp xếp tinh tế: Vườn sỏi thiết kế dựa trên triết lý về sự tĩnh tại và thiền định, tượng Bồ Tát giữa hồ nước thâm trầm… Mỗi góc vườn có một nét đặc sắc riêng nhưng tất cả đều mang lại cho người ta cảm giác thanh thản nhẹ nhõm.
Rời chùa, chúng tôi đi thêm chừng 15 phút nữa thì đến cổng vào thác Bảy Tầng. Từ cổng đến thác còn cả cây số nhưng mọi người đành gửi xe đi bộ vì đường đất đỏ gặp mưa cực kỳ khó đi. Muốn qua cả bảy tầng thác, cách duy nhất là lội dọc con suối chảy trên những hốc đá lớn. Mùa mưa chỉ mới bắt đầu nên dòng nước còn khá hiền hòa. Chỉ ít bữa nữa suối sẽ cuồn cuộn chảy xiết và du khách có thể bị cấm vào tham quan. Thác nằm giữa khu rừng xanh mướt, tiếng nước chảy, tiếng chim hót, tiếng gió thổi hòa quyện thành những âm thanh tuyệt vời.
Với độ cao 30 mét cùng độ dốc thẳng đứng hiểm trở, thác không khác gì một máng trượt tự nhiên luôn thu hút những ai ưa thích mạo hiểm. Để chuẩn bị cho trò chơi trượt thác, chúng tôi mặc quần jeans dày, áo phao, đội nón bảo hiểm. Sau vài phút dè dặt, các thành viên lao băng băng trên lớp đá đen trơn trợt để thả mình rơi tự do vào hồ nước bên dưới.
Với tốc độ lớn, toàn thân lao vun vút giữa khung cảnh rừng núi hoang sơ khoáng đạt, trượt thác Tà Ngào quả là hành trình nghẹt thở, đầy ly kỳ, mới lạ và thú vị. Cảm giác sảng khoái khi rơi ùm xuống, đắm mình vào hồ nước trong vắt, mát lạnh bên dưới thật khó quên. Muốn trở lên điểm xuất phát, người chơi dùng dây thừng buộc vào thân cây trên đỉnh thác rồi bám vào đó để leo ngược dòng thác. Đây là trò chơi có tính mạo hiểm khá cao, du khách cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng.