Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, việc CPI không đi ngang như mấy tháng trước mà có xu hướng tăng cũng cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu thoát khỏi trạng thái trì trệ, dù những phân tích cụ thể về các thành phần khiến chỉ số CPI tăng cho thấy đó là do chi phí đẩy chứ không phải do cầu kéo. Những tín hiệu tích cực làm tiền đề cho việc nhận định rằng triển vọng kinh tế lạc quan hơn trong những tháng cuối năm còn do Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ duy trì tỷ giá ổn định, nghĩa là mức tăng tối đa không quá 2 – 3% trong năm nay và lãi suất cho vay được dự báo tiếp tục giảm, đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ.
Một dự báo về lãi suất cho vay ngắn hạn có khả năng giảm thêm trong các tháng cuối năm khiến các đơn vị và cá nhân có nhu cầu vay vốn vui mừng, nhưng với thực tế hiện nay, các ngân hàng cũng khó thể giảm mạnh lãi suất cho vay. Những tháng vừa qua, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại đã giảm khá mạnh, các khoản vay ưu đãi có lãi suất chỉ ở mức 8 – 9%/năm, trong khi các khoản vay khác có lãi suất khoảng 11 – 13%/năm. So với lãi suất huy động khoảng 7%/năm thì chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động ở thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 2 – 3%, giảm 0,5% so với thời điểm giữa tháng 5, giảm 1,5% so với cuối tháng 3 và giảm tới 2% nếu so với thời điểm đầu năm. Nếu chỉ nhìn vào mức chênh lệch này thì cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay khá hạn hẹp. Đó là chưa kể, theo các doanh nghiệp, các ngân hàng quảng bá cho mức lãi suất ưu đãi 7 – 9%/năm nhưng tiếp cận được mức lãi suất này là không thể với đa số doanh nghiệp, bởi điều kiện mà các ngân hàng đưa ra rất khó để các doanh nghiệp có thể đáp ứng.
Các ngân hàng “thủ thế” như vậy không phải do họ không muốn đẩy mạnh cho vay, bởi thanh khoản vẫn đang dồi dào trong khi vẫn phải trả lãi cho nguồn vốn đã huy động. Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, các ngân hàng cần phải ưu tiên đảm bảo sự an toàn trong hoạt động. Nợ xấu hiện vẫn là nỗi ám ảnh, đặc biệt khi tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp chưa hồi phục. Do đó, dù rất muốn tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng vẫn không thể buông lỏng khâu kiểm soát chất lượng của khoản vay.
Như đã nói, với việc chỉ số CPI theo tháng đã tăng trở lại, khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất trong những tháng cuối năm là không cao. Chưa kể kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục, kèm theo là sự gia tăng lãi suất tại nhiều nước, thì việc hạ lãi suất đồng nội tệ sẽ không hấp dẫn được nguồn vốn từ bên ngoài, điều không tốt với một nền kinh tế đang phát triển luôn cần vốn để tăng trưởng như Việt Nam. Ngoài ra, nguồn vốn khan hiếm sẽ khiến thanh khoản căng thẳng và lãi suất huy động sẽ tăng trở lại.
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất thị trường mở thêm 0,5% vào giữa tháng 7 có thể xem là một định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ cho giới doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Những tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, đến cuối tháng 7 đã đạt mức tăng 5,3% so với cuối năm 2012. Những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng cao hơn vào giai đoạn cuối năm, và nếu theo quy luật này, nhiều khả năng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% sẽ đạt được.
Minh Hằng