Việc điều chỉnh tăng lãi suất trên diện rộng, kể cả các kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về mức 40% bắt đầu từ đầu năm 2019.
Lãi suất huy động nhúc nhích tăng
Thời gian gần đây, biểu lãi suất huy động mới ở hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng từ 4,1%/năm lên mức 4,3%/năm; kỳ hạn sáu tháng từ 5,1%/năm lên 5,3%/năm; các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên cũng nhích thêm 0,1-0,2 điểm % lên 6,6%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn thêm từ 0,1 – 0,3% so với biểu lãi suất trước. Hiện Techcombank đang huy động lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 4,6%/năm, kỳ hạn từ 3-5 tháng ở mức 4,7%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng ở mức 5,8%/năm; các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên cũng tăng lên 6,5%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1, 2, 3, 6 tháng được điều chỉnh tăng 0,2%/năm so với trước đó, lên mức 4,5%/năm – 4,8%/năm – 5,5%/năm. Mức điều chỉnh tăng 0,2% cũng được VietinBank áp dụng đối với các kỳ hạn còn lại. Lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng tăng lên 4,8%/năm; kỳ hạn sáu tháng tăng lên 5,5%/năm. Nhiều ngân hàng TMCP tư nhân cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng lên mức 5,5%/năm kể từ ngày 5-10 như: OCB, SCB, OceanBank, VietBank, BaoVietBank…
- Xem thêm: Lãi suất gửi tiết kiệm lại tiếp tục giảm
Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại điều chỉnh lãi suất thông qua các chương trình khuyến mại, với mức chiết khấu khá mạnh. Như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa triển khai chương trình ưu đãi nhân đôi lãi suất tháng đầu tiên cho những khách hàng mở mới sổ tiết kiệm từ 100 triệu đồng, kỳ hạn từ sáu tháng trở lên.
Theo đó, sau khi được nhân đôi, lãi suất tiền gửi từ 6-8 tháng của VIB sẽ lên mức 7,2 – 7,3%/năm, kỳ hạn cao nhất 36 tháng lên 7,7%/năm, cao hơn khá nhiều so với các ngân hàng khác. Trên thị trường liên ngân hàng, sau vài tuần hạ nhiệt, lãi suất cho vay đã tăng trở lại ở nhiều kỳ hạn.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng lên 3,27%/năm, tăng khá mạnh so với mức 2,89% cuối tháng 9. Các mức lãi suất bình quân kỳ hạn một tuần, một tháng cũng tăng khá mạnh lên 3,52% – 4,11%/năm.
Áp lực tăng lãi suất cho vay chưa lớn
Về ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, quyết định tăng lãi suất của FED (Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) ngày 27-9 vừa qua về tổng thể không gây nhiều xáo trộn tới mặt bằng lãi suất trên thị trường. Chỉ có lãi suất tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (phát hành để hút bớt tiền về) là được điều chỉnh tăng thêm 0,25%, từ mức 2,5%/năm lên mức 2,75%/năm ở kỳ hạn bảy ngày.
Lãi suất tín phiếu tăng lên là thay đổi nổi bật, đặt trong bối cảnh FED đã ba lần nâng lãi suất năm nay. Trên thế giới và trong khu vực, hàng chục ngân hàng trung ương cũng đã và vừa lần lượt tăng lãi suất điều hành. Còn Việt Nam, chủ yếu chỉ thể hiện ở thay đổi trên, các lãi suất điều hành chủ chốt khác như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu vẫn ổn định.
Bên cạnh đó, mức độ tác động của lãi suất tín phiếu đến mặt bằng lãi suất chung trên thị trường nhìn chung cũng không lớn. Như vậy, có thể thấy việc FED tăng lãi suất chưa gây áp lực quá lớn đối với việc điều hành lãi suất tiền VND của Ngân hàng Nhà nước.
Về mặt bằng lãi suất cho vay, việc lãi suất huy động đang có xu hướng nhích dần lên có thể sẽ khiến lãi suất cho vay đầu ra tăng theo, tuy nhiên mức độ tăng được đánh giá là không quá lớn (dưới 0,5%) và sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng cũng như các lĩnh vực cho vay.
Theo đó, lãi suất đối với các lĩnh vực không được khuyến khích như bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán, giao thông có thể tăng nhẹ trong khi lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên hay các doanh nghiệp có dự án tốt, tài chính lành mạnh nhiều khả năng sẽ vẫn được giữ nguyên. Điểm tích cực là việc Ngân hàng Nhà nước không mở thêm “room” cho tăng trưởng tín dụng sẽ phần nào góp phần giúp kiềm chế đà tăng của mặt bằng lãi suất cho vay do cầu tín dụng