Trong áp phích giới thiệu vở diễn mới Lạc giữa phố người, khán giả chú ý tới một cái tên mới: đạo diễn – tác giả Bùi Quốc Bảo. Còn thoạt nghe tên của nó, khán giả có thể hình dung ra một vở kịch về thân phận con người giữa thế giới hiện đại hôm nay. Phải chăng giữa chốn phồn hoa đông đúc, con người vẫn lạc lõng bơ vơ, không lối thoát? Câu hỏi đó khiến nhiều người kỳ vọng một tác phẩm mới mang dấu ấn đặc biệt.
Ngay khi các nhân vật xuất hiện là lập tức xung đột bùng lên bằng những kịch tính khá gai góc. Trong khung cảnh khá giả Lan (Như Phúc đóng) nhân vật chính của câu chuyện được đắm mình trong sự chăm sóc, chiều chuộng của chồng. Ông Tuấn (NSƯT Thành Hội thủ vai) đáp ứng cho cô đủ cả vật chất lẫn tình thương yêu. Khoảnh khắc ấy qua rất nhanh vì một người đàn bà lạ mặt – Tuyết (Lương Duyên đóng) xuất hiện. Không úp mở, cô ta vạch mặt Lan chính là người đã cướp chồng bà và hạ sát chồng mình. Lan đã phải lãnh án bảy năm tù! Những năm gần đây, trong xã hội xảy ra khá nhiều vụ án giết người nghiêm trọng chỉ vì tình, vì sự tham lam nên xem ra, Lạc giữa phố người đã bắt được đúng mạch nóng của xã hội. Nhưng điều bất thường ở đó là động cơ mà bà Tuyết đến vạch ra quá khứ của Lan không hoàn toàn vì sự trả thù, mà vì thương con gái. Cô Thủy con bà (Kim Phước đóng) thế nào lại yêu Dũng – con trai riêng của ông Tuấn (Thế Hải thủ vai), nhưng éo le là Dũng lại thương Hạnh (Hoàng Vân Anh đóng). Bà Tuyết muốn ép Lan gây sức ép, buộc Dũng phải cưới con gái của bà. Nhưng như vậy, màu sắc của câu chuyện bỗng trở nên… xưa cũ!
Sự khiên cưỡng về động cơ trả thù của bà Tuyết đối với Lan buộc tác giả Bùi Quốc Bảo phải chọn những sự phát triển kịch tích đi lệch sang chuyện tình tay ba giữa Hạnh, Thủy và Dũng. Bức tranh tình hiện lên như câu chuyện tình bình dân cách đây vài chục năm. Từ tâm lý nhân vật đến cách dàn dựng cảnh trí cho cảm giác đạo diễn Bùi Quốc Bảo muốn phục hiện lại vở kịch xưa chứ không phải là dựng một vở kịch về xã hội đương thời. Hạnh – một thân phận côi cút mất cha, lạc mẹ lớn lên trong tủi nhục nên đầy lòng trắc ẩn và rất thương những em bé mồ côi. Ngay đến người yêu của mình, cô không hề để lộ thân phận mình trong quá khứ. Dẫu có uất ức vì bị xua đuổi thì cớ sao cô phải bộc bạch hết những khúc tối trong thân phận cho một người đàn bà đang không ủng hộ mình? Cảnh cao trào nhất của vở kịch là khi Lan nhẫn tâm gạt Hạnh ra khỏi vòng tay của Dũng thì bất ngờ nhận ra Hạnh chính là đứa con gái ruột bị thất lạc của mình. Hạnh tuyệt vọng, giận dữ điên cuồng với người đàn bà đang trực tiếp phá nát hạnh phúc của đời cô. Xung đột của hai con người thật dữ dội, làm sao để khán giả thấy khoảnh khắc ấy là sự tuyệt vọng, là hờn căm và cả đau đớn lẫn yêu thương cháy bỏng? Như Phúc và Hoàng Vân Anh đã tạo được sự cháy bỏng của khổ đau nhưng người xem vẫn cảm thấy thiếu sự nghẹn lại của con tim. Nỗi đau của hai mẹ con dường như lại tiếp tục trôi đi không hóa giải, cho dù sự hóa giải chỉ diễn ra bên trong nội tâm nhân vật.
Nhân vật Thủy – một cô gái xinh đẹp, thông minh, có phong cách nhưng quá ngô nghê trong tình yêu. Có thể đây là yếu tố để chọc cười khán giả, nhưng lại tiếc rằng tính cách như vậy đã làm cho tâm lý nhân vật Thủy bị nhạt. Dũng là một chàng trai tốt, dám đấu tranh để bảo vệ người mình yêu nhưng Thế Hải dường như còn thiếu sức hấp dẫn về cả ngoại hình lẫn cá tính để tạo một cuộc tình tay ba đầy sóng gió.
Vai nổi trội tạo nên điểm nhấn của vở chính là Như Phúc. Khán giả đã từng xem Như Phúc trên phim truyền hình dài tập trong vai những cô gái có số phận éo le. Trên sân khấu, Như Phúc đã có nhiều dịp được thử sức và khán giả đã ghi nhận thành công của cô. Nét nổi bật trong diễn xuất của Như Phúc là chuyển tải tâm lý nhân vật rất kỹ và khá tinh tế. Trong vai Lan, Như Phúc là người phụ nữ có một quá khứ khủng khiếp, phạm tội giết người và bị tù, sau khi ra tù tìm được hạnh phúc mới. Dưới mắt ông Tuấn, Lan là một người phụ nữ hoàn hảo, xinh đẹp, tinh tế, thông minh. Diễn “cho ra” nhân vật Lan để khán giả tin tưởng là rất khó và đó chính là sự lúng túng dễ thấy nhất của đạo diễn Quốc Bảo và Như Phúc. Người xem chỉ hiểu thân phận của Lan qua lời thoại hơn là cách ứng xử. Trong màn Lan cùng chồng cô và bà Tuyết đối mặt nhau, khi những bí ẩn của đời Lan bị bà Tuyết bóng gió hé lộ thì Lan xử sự như một người đóng kịch: cùng một lúc có hai khuôn mặt, cả ngoan hiền và hung bạo. Sẽ hay hơn nếu sự vờn bắt của bà Tuyết giống như con hổ đã nắm chắc con mồi, không cần phải nghiến ngấu xé xác con mồi và Lan cũng không cần phải ứng xử như một diễn viên kịch già dặn. Cứ để Lan chân thật, bị động trong sự dồn đẩy của bà Tuyết thì người xem sẽ cảm thấy thương Lan hơn. Bà Tuyết không phải là con người quá ác độc, ép Lan trước hết vì hạnh phúc của con, sau mới là để thỏa mãn sự trả thù người đàn bà đã đoạt tình của mình. Tiếc rằng cách diễn của Lương Duyên đã biến nhân vật này thành một kẻ độc ác quá mức.
Màn được khá giả cười nhiều lại rơi vào các nhân vật phụ, đúng hơn là vào diễn xuất của Sĩ Hoàng trong vai tên cướp nhãi nhép của một băng cướp. Sĩ Hoàng thể hiện được diện mạo tên cướp có chút liều lĩnh nhưng còn rất ngô nghê do a dua học đòi. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã tỏ ra khá sành điệu trong kịch trường.
Kết của vở kịch khá hay. Lan cứu được hạnh phúc của con nhưng hạnh phúc của cô thì nát vụn. Giọng nói sang sảng của Thành Hội cất lên một cách tuyệt vọng: “Không ai hạnh phúc được bằng sự lừa dối” chính là thông điệp có giá trị nhất của Lạc giữa phố người.
Câu chuyện trong vở kịch như diễn ra ở một thị trấn nghèo. Tác giả – đạo diễn Bùi Quốc Bảo còn trẻ nhưng không hiểu vì sao phong cách và cách dẫn dắt diễn tiến câu chuyện của anh lại khá xưa cũ. Có phải điều anh muốn là bứt phá để tìm một lối đi mới mạnh mẽ hơn, thể hiện rõ hơn những bức xúc của cuộc sống hôm nay? Dàn diễn viên tham gia vở có độ chênh rất rõ giữa người “gạo cội” và người “chân ướt chân ráo”, mà cách diễn của các diễn viên trẻ lại có phần xưa hơn các bậc thầy và đàn anh chị của mình. Hy vọng qua từng đêm diễn, các nghệ sĩ sẽ từng bước hoàn thiện được diễn xuất, tạo ra hứng khởi hơn cho khán giả.
Việt Nga