Theo công bố mới nhất từ Hiệp hội Di động Toàn cầu GSMA, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang nắm giữ ½ tổng số thuê bao di động trên toàn thế giới và tiếp tục giữ vị trí thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ nay đến sau 2020. Bản báo cáo mang tên Kinh tế Di động châu Á – Thái Bình Dương 2014 cho biết tính đến cuối năm 2013, có khoảng 1,7 tỉ người sử dụng dịch vụ thuê bao di động tại châu Á – Thái Bình Dương (so với con số 3,4 tỉ người trên toàn cầu) và dự báo sẽ gia tăng khoảng 5,5% mỗi năm, đạt mức 2,4 tỉ người vào năm 2020. Chỉ có duy nhất khu vực Hạ Sahara (châu Phi) được dự báo có khả năng tăng trưởng nhanh hơn mà thôi. Theo Giám đốc GSMA, Anne Bouverot, châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò tiên phong trong tăng trưởng mạng di động và cách tân dịch vụ di động tại nhiều mức độ khác nhau, từ việc đi đầu trong dịch vụ di động siêu tốc độ cấp cao cho đến cung cấp các dịch vụ di động thiết yếu khác bao gồm giáo dục, y tế và ngân hàng. Trong mọi trường hợp, đầu tư vào mạng di động sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế khu vực và tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Tính đến nay, phần lớn số thuê bao di động châu Á – Thái Bình Dương tập trung tại bốn thị trường gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Gộp lại, bốn quốc gia này chiếm 3/4 số lượng thuê bao trong khu vực và 1/3 tổng số thuê bao toàn cầu. Đặc biệt, Trung Quốc được xem là thị trường di động số 1 thế giới với hơn 630 triệu thuê bao vào cuối năm 2013, chiếm 46% tổng dân số nước này. Ngoài ra, khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm nhiều phân khúc thị trường khác nhau, từ cấp độ tiên tiến 4G như Úc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc cho đến thế hệ thị trường đang tìm hiểu như Ấn Độ và Myanmar. Mức độ thâm nhập thị trường di động cũng rất cách biệt từ con số 90% tại Nhật cho đến 15% tại Myanmar.
Trung Quốc là thị trường di động lớn nhất thế giới
Theo GSMA, thị trường di động đóng góp khoảng 864 tỉ USD vào tổng thu nhập GDP tại châu Á – Thái Bình Dương hồi năm ngoái, tương đương với tỷ lệ 4,7%, trực tiếp mang đến 3,7 triệu việc làm và hỗ trợ 82 tỉ USD vào ngân sách công. Vào năm 2020, sự đóng góp ấy được dự báo sẽ tăng lên 6,9% GDP và mang đến 6,1 triệu việc làm cho khu vực. Sở dĩ những đóng góp xã hội và kinh tế đầy tích cực từ “hệ sinh thái” di động có được như hôm nay là nhờ vào sự hỗ trợ của các nguồn đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng bởi các nhà điều hành mạng di động trong khu vực. Trong vòng sáu năm qua, tổng vốn đầu tư của các nhà thầu trong khu vực đạt mức 430 tỉ USD, nhưng con số ấy sẽ tăng mạnh trong sáu năm tới sẽ lên 730 tỉ USD. Một trong những thử thách trước mắt chính là gia tăng tỷ lệ số thuê bao sử dụng mạng băng tần 4G trong khu vực. Hiện nay Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trong khu vực có 100% người dân sử dụng mạng 4G, trong khi tỷ lệ thuê bao 4G trên toàn khu vực chỉ là 3%. Ước tính đến năm 2020, con số thuê bao 4G trên toàn khu vực sẽ là 28%. Riêng Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi số thuê bao sang mạng 4G từ con số 100 triệu người hiện nay lên 900 triệu người trong sáu năm tới.
Lâm Kiên theo Business Wire