Năm 2017, nền kinh tế thế giới được hưởng lợi từ một số chính sách phù hợp do nhiều nước phát triển thực thi: các điều kiện tài chính được nới lỏng, chính sách thuế khóa của các nước lớn dễ chịu đựng hơn tiếp sau nhiều năm khá khắc nghiệt, lạm phát thấp và thương mại toàn cầu vươn lên mạnh mẽ.
Theo nhận định của tổ chức FocusEconomics, trụ sở đặt tại Tây Ban Nha, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 được ghi nhận vào cuối quý III là 3,3%, cao hơn so với quý II (3,2%). Diễn biến kinh tế năm 2017 tiếp tục thuận lợi trong quý IV dù có nhiều biến động xảy ra ảnh hưởng ít nhiều đến các nền kinh tế lớn: bão tố ở Mỹ, bất ổn chính trị ở Đức, Tây Ban Nha…
Một số nền kinh tế tiêu biểu:
Mỹ – Thông qua dự luật cải tổ thuế khóa
Nỗ lực tái thiết của chính quyền Donald Trump sau trận siêu bão Irma tàn phá bang Florida và nhiều nơi khác trên đất Mỹ và chương trình cải cách thuế khóa là hai trong những sắc thái tích cực của nền kinh tế Mỹ vào những tháng cuối năm, góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng của nước này lên 3%, vượt dự báo. Sức tiêu thụ của người dân Mỹ vẫn còn mạnh mẽ, trong lúc nhiều việc làm mới được tạo ra và tỷ lệ người thất nghiệp hạ xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua (4,1% vào tháng 10-2017). Ngày 20-12-2017, dự luật cải tổ thuế khóa trị giá 1.500 tỉ USD đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế tiến nhanh hơn trong năm 2018.
Liên minh châu Âu (EU) – Niềm tin của người dân tăng cao
Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của EU trong năm 2017 là 2,6%. Diễn biến của nền kinh tế EU là hệ quả của một chính sách tiền tệ hài hòa, những biện pháp kích thích cả nhu cầu nội địa lẫn khu vực ngoại thương. Những dữ liệu ghi nhận được trong quý IV-2017 cho thấy EU đang ở vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Niềm tin của các nhà đầu tư và giới tiêu thụ vào sự phục hồi của nền kinh tế EU đã khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố giảm chương trình mua trái phiếu vào ngày 26-10-2017. Đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục bền vững, áp lực giá cả đã suy yếu khiến ngân hàng này sẽ tiếp tục mở rộng chương trình hoạt động hiện tại đến ít nhất tháng 9-2018 và duy trì chính sách tiền tệ hài hòa sẵn có.
Nhật Bản – Cải cách thuế khóa để phục hồi lạm phát
Sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu giúp kinh tế Nhật Bản phát triển đến quý thứ bảy liên tiếp, đánh dấu thời kỳ tăng trưởng kéo dài nhất từ hơn 15 năm qua. Mức tiêu thụ trong khu vực tư tăng mạnh trong quý IV, sự tin tưởng của người tiêu dùng vào tháng 10-2017 lên cao nhất trong vòng bốn năm qua. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gia tăng các cuộc thảo luận nhằm xét lại bản hiến pháp hòa bình tiếp sau thắng lợi trong cuộc tuyển cử ngày 22-10-2017.
Với cuộc cải cách thuế khóa vừa ban hành tại Nhật, thuế doanh nghiệp sẽ ở khoảng 25% nếu các công ty tăng lương công nhân hơn 3% (1,5% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ) và đẩy mạnh việc đầu tư tài sản cố định.
Trung Quốc – Sản lượng công nghiệp yếu, thị trường bán lẻ mạnh hơn
Tháng 11-2017, mức tăng trưởng về đầu tư của Trung Quốc giảm sút do sự trì trệ của thị trường tài sản. Mặt khác, sản lượng công nghiệp suy yếu là hệ quả của việc Bắc Kinh mở chiến dịch cải tiến chất lượng bầu khí quyển. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ của Trung Quốc lại mạnh lên, chứng tỏ vai trò tích cực của người tiêu dùng trong một nền kinh tế đang được củng cố. Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến ở mức 6,9%. Năm 2018, nước này sẽ tiến nhanh để phát triển chất lượng cao, đi đôi với việc giải quyết các vấn đề cấu trúc nền kinh tế như sản lượng thừa của doanh nghiệp và tình trạng ô nhiễm trong sản xuất.
Đông Nam Á – Tăng trưởng GDP vượt mức dự kiến, đầu tư, xuất khẩu tăng cao
Căn cứ vào các số liệu ba quý đầu năm, mức tăng trưởng chung của các nước ASEAN năm 2017 ước đạt 5,5%, nhanh nhất kể từ quý IV-2012. Hai nước đóng góp nhiều nhất vào kết quả trên là Malaysia và Thái Lan. Malaysia thì đầu tư và xuất khẩu tăng vọt, còn Thái Lan được hưởng lợi từ phát triển xuất khẩu, tạo ảnh hưởng tích cực lên đầu tư trong nước. Singapore đạt mức tăng trưởng 4,6%, cao nhất kể từ quý IV-2013, do mức cầu sản phẩm điện tử của thế giới tăng mạnh. Ngày 11-12-2017, ngân hàng trung ương các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan công bố hiệp định khung về việc thanh toán tiền tệ trong khu vực sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-1-2018. Hiệp định này khuyến khích việc sử dụng tiền tệ của khu vực trong thương mại và đầu tư, giảm mức lệ thuộc vào USD.
Triển vọng kinh tế năm 2018
Năm 2018, kinh tế thế giới tiếp tục thuận lợi nhờ các điều kiện tài chính cởi mở và các chính sách thuế khóa dễ chịu hơn. Sự củng cố mạnh mẽ diễn ra ở cả các nước phát triển lẫn các nền kinh tế đang lên. Brazil, Nga và Ấn Độ tiếp tục khuynh hướng phát triển tích cực, góp phần vào tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu dự kiến ở mức 3,2%. Các guồng máy chính của kinh tế toàn cầu gồm Mỹ, khu vực đồng euro và châu Á chiếm 60% GDP thế giới năm 2017, dự kiến đóng góp 70% vào tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Mức thất nghiệp trong nhóm G7 sẽ thấp nhất trong 40 năm qua (dưới mức 5%, tương ứng với khoảng 19 triệu công nhân). Dự kiến mức tăng trưởng năm 2018 của khu vực đồng euro hơn 2%. Sự kiện Brexit sẽ kìm hãm mức độ tăng trưởng của nước Anh, ước khoảng 1,4% trong năm 2018. Riêng giá dầu tương đối ổn định (vào những ngày cuối tháng 12-2017 vào khoảng trên dưới 60 USD/thùng).
- Tổng hợp