Theo số liệu chính thức đã điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát của Văn phòng Nội các được công bố hồi trung tuần tháng 5, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu cho thấy, so với quý IV-2017, GDP của nền kinh tế Nhật Bản giảm 0,2%. Nhu cầu tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản đã chững lại từ sau mức tăng 0,2% của quý IV-2017. Đầu tư vào vấn đề nhà ở cá nhân tiếp tục giảm thêm 2,1% sau khi đã giảm 2,7% trong quý trước.
Điều này đã đặt dấu chấm hết cho đà tăng trưởng tám quý liên tiếp – chuỗi tăng trưởng dài nhất mà Nhật Bản từng đạt được kể từ cuối thập niên 80. Sự tăng trưởng âm này cũng đặt ra dấu chấm hỏi lớn cho chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe. Các chuyên gia dự báo rằng tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2018 sẽ yếu hơn so với năm 2017.
Nhà kinh tế Yoshimasa Maruyama của SMBC Nikko Securities nhận định: Thời tiết giá rét và tuyết rơi trong tháng 1 và 2-2018, cùng với việc giá rau quả tươi tăng mạnh đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Người tiêu dùng Nhật Bản sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu cho đến khi mức lương tăng đáng kể. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng việc tăng trưởng âm này chỉ là tạm thời và sẽ tăng trưởng trở lại ngay trong quý II này.
Nhật Bản cũng đang đối mặt với tình trạng già hóa của dân số và thiếu lao động nữ, trong khi lạm phát cứ ở mức thấp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự suy giảm chỉ là tạm thời, tuy nhiên sẽ có rủi ro là xung đột thương mại với Mỹ có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu xuất khẩu, qua đó gây áp lực lên đà hồi phục của nền kinh tế.