Hiện nay tại khu vực Mỹ Latinh, sự tồn tại của hoạt động kinh tế bất hợp pháp – kinh tế ngầm – vẫn chưa được quan tâm đúng mức, một phần do đặc tính ẩn mình hết sức tinh vi, nhưng phức tạp hơn là do các mối liên hệ chằng chịt về pháp luật, chính trị, đạo đức và văn hóa của chúng với cuộc chiến chống ma túy tại một khu vực hội tụ nhiều mối quan hệ nhạy cảm. Không chỉở châu lục này mà trong một bối cảnh không gian rộng hơn dường như cũng có tình trạng tương tự. Vào năm 1998, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) lúc ấy là ông Michel Camdessus ước tính các hoạt động kinh tế phi pháp có giá trị từ 2 – 5% GDP toàn cầu. Còn nhà kinh tế học nổi tiếng Moises Naim cho rằng con số đó lên tới 10% vào năm 2004. Nếu các số liệu này chính xác thì chỉ trong sáu năm, hoạt động kinh tế ngầm trên thế giới đã phát triển quy mô gấp đôi. Giả sử đà tăng trưởng này được duy trì, tương lai không xa chắc chắn hoạt động kinh tế bất hợp pháp sẽ chiếm một tỷ trọng đáng kể trong kinh tế toàn cầu. Nhưng riêng tại khu vực Mỹ Latinh, tỷ lệ này vào khoảng 3% GDP vào năm 2002, tương đương 75 tỉ USD. Con số tương đối chính xác từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC) giá trị này hiện nay đã vượt mức 120 tỉ USD, tương đương mức đầu tư nước ngoài cả khu vực này nhận được trong năm 2013.
Vấn đề là trong khi không thể ngăn chặn hữu hiệu tác hại của hoạt động kinh tế ngầm thì làm sao đưa được dòng vốn này vào vòng quay đầu tư bởi người ta phải chọn điều ít xấu hơn.
Thống kê chưa thật chính xác cho thấy có khoảng 40 – 50% lượng tiền từ các nền kinh tế phi pháp được tái đầu tư để duy trì các hoạt động này qua con đường hối lộ, mua bán và sản xuất vũ khí, trả lương bất hợp pháp, vận hành các băng đảng và cả phát triển công nghệ. Phần còn lại được rửa tiền bằng các hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Trên thực tế, một nền kinh tế sẽ trở nên năng động hơn với sự vận động của nguồn vốn này thường đổ vào các hoạt động ít bị kiểm soát, yêu cầu thanh khoản nhanh và có khả năng tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Không ít nước, mối liên hệ chặt chẽ giữa một số hoạt động kinh tế chính thức và kinh tế phi pháp khá rõ ràng. Thế nhưng người ta lại khó phân định ranh giới giữa đồng vốn hợp pháp và bất hợp pháp mặc dù mối quan hệ này thường diễn ra ở các đô thị lớn mà lĩnh vực bất động sản là điểm đến khá quen thuộc. Tại sao vậy? Đó là nơi kinh doanh thuận lợi, nhiều của cải vật chất, nhiều cơ sở hạ tầng và dịch vụ, dễ tiếp cận công nghệ, tập trung nhiều người tiêu thụ và điều quan trọng nữa đó là nơi có nhiều quan chức sẵn sàng tiếp tay. Điều này giải thích được phần nào ở các thành phố lớn tốc độ tăng trưởng ngành bất động sản khá cao mà hậu quả là thừa nguồn cung hay bùng nổ nhà ở. Kinh doanh ôtô và hoạt động du lịch cũng là các lĩnh vực khá hấp dẫn cho hoạt động rửa tiền. Khổ nỗi, đôi khi người ta còn ca ngợi hoạt động kinh doanh phi pháp có khả năng tạo việc làm và các lợi ích khác, đó chính là giá đỡ về tâm lý và trong chừng mực cả về đạo đức cho giới xã hội đen.
- V.Đ tổng hợp