Biểu tình tại Hong Kong đã kéo dài 11 tuần liên tiếp khiến gần 1.000 chuyến bay phải hủy bỏ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế. Ngành công nghiệp khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng, bất động sản, bán lẻ… đang gặp khó khăn.
600 tỉ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Hong Kong. GDP quý II Hong Kong tăng 0,5% so với cùng kỳ 2018 nhưng giảm 0,4% so với quý I. Từ kinh tế vĩ mô cho tới thị trường chứng khoán và nhóm người giàu có đều bị thiệt hại.
Theo AFP, tỷ lệ đặt phòng khách sạn tại Hong Kong đã giảm mạnh, lượng đặt tour theo nhóm giảm đến 50%. Trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn ở Hong Kong đạt bình quân 90%.
Nhưng tỷ lệ này có thể giảm 1/3 trong nửa cuối năm do lượng khách Trung Quốc đại lục (chiếm 80% lượng khách đến Hong Kong) sụt giảm.
Cơ quan du lịch cũng xác nhận tỷ lệ khách đặt tour du lịch cho tháng 8 và 9-2019 lao dốc. Ước tính, hơn một nửa lượng khách đặt phòng trong tháng 8 đã hủy hoặc hoãn lịch nhận phòng.
InterContinental Hotels Group Plc, công ty mẹ của Crowne Plaza và chuỗi khách sạn Holiday Inn cho biết giá cổ phiếu của tập đoàn khách sạn Anh quốc này đã giảm gần 10% kể từ mức kỷ lục mới đạt được vào cuối tháng 7 vừa qua.
Một số doanh nghiệp khác cũng chịu ảnh hưởng bởi những diễn biến tại Hong Kong là Sun Hung Kai Properties Ltd, công ty sở hữu resort hạng sang Four Seasons và New World Development Co., doanh nghiệp điều hành chuỗi khách sạn bao gồm Grand Hyatt Hong Kong. Cổ phiếu của cả hai tập đoàn này đều đã giảm hơn 20% trong tháng vừa qua.
Trong bối cảnh lượng khách suy giảm đột ngột, giá phòng tại Hong Kong cũng phải điều chỉnh xuống mức dễ chịu hơn.
Một phòng tiêu chuẩn dịp cuối tuần tại Conrad Hotel, thuộc sở hữu của Hilton Worldwide hiện có giá 1.530 HKD (195 USD)/đêm, rẻ hơn 40% so với cùng thời điểm cách đây hai tháng, theo số liệu hiển thị tại website của hãng. Các khách sạn như Marriott International Inc và Shangri-La Asia Ltd cũng giảm giá ở mức tương đương.
Hãng hàng không Cathay Pacific cũng đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Công viên giải trí Disneyland bị ảnh hưởng bởi du khách giảm đi, trong khi ngành bán lẻ cũng lao đao vì thiếu khách và phải đóng cửa trong những ngày biểu tình.
Ngành mũi nhọn là bất động sản cũng điêu đứng. Giao dịch bất động sản cũng giảm 35%. Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, Hang Seng Properties Index, một thước đo giá cổ phiếu bất động sản Hong Kong, đã giảm 19% kể từ mức đỉnh gần nhất thiết lập vào tháng 4.
Cùng khoảng thời gian, chỉ số Hang Seng Index của toàn thị trường chứng khoán Hong Kong giảm hơn 16%. Midland Realty Services cho biết giá bất động sản đã giảm khoảng 2% kể từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu.
Theo dữ liệu của Knight Frank, doanh số bán nhà tại Hong Kong trong tháng 7 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Knight Frank dự báo giá nhà ở Hong Kong trong nửa cuối 2019 sẽ giảm 5%.
Chính phủ nói rằng phong trào biểu tình đang đe dọa kinh tế Hong Kong còn nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính và dịch SARS.
Chính quyền Hong Kong đã triển khai gói kích cầu trị giá khoảng 2,4 tỉ USD, nhằm mục đích giúp bảo vệ công việc và cung cấp cứu trợ cho “gánh nặng tài chính của mọi người”.
Gói kích thích gồm giảm thuế, tăng chi trả an sinh xã hội và hỗ trợ giáo dục. Họ cũng sẽ miễn một số phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm tiền thuê tại các cơ sở do chính quyền quản lý và tạo thêm nhiều dự án cộng đồng.
Chính quyền Hong Kong vì thế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 về 0 – 1%, thay vì 2 – 3% trước đây. Nếu tiếp tục đi xuống trong quý III, thành phố 7 triệu dân này sẽ rơi vào suy thoái.
Giới tỉ phú Hong Kong đã lên tiếng kêu gọi ngừng biểu tình, trong đó có Tập đoàn Swire Pacific, Sun Hung Kai Properties, tài phiệt bất động sản Peter Woo, cựu Chủ tịch của Wheelock & Co., Lý Gia Thành…