Kinh tế thế giới đang tăng trưởng với tốc độ 3%, cao nhất kể từ năm 2011 và đang bước vào giai đoạn chuyển mình và tăng tốc kể từ năm 2016. Trong bản báo cáo và dự báo kinh tế thường niên của mình, Liên Hiệp Quốc cho biết dấu hiệu tăng trưởng tích cực bắt nguồn từ việc phát triển kinh tế ổn định và tốc độ cao hơn tại tất cả các nhóm nước phát triển. Khu vực Đông Á và Đông Nam Á tiếp tục giữ vững vị trí là khu vực kinh tế năng động nhất hành tinh. So với năm 2016 khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đứng ở mức 2,4%, trong năm 2017 dấu hiệu tăng trưởng vững mạnh đã xuất hiện tại hơn 2/3 số quốc gia trên toàn thế giới.
Liu Shenim, thư ký LHQ về vấn đề kinh tế và xã hội, gọi đây là dấu hiệu đón chào một nền kinh tế lành mạnh hơn nhưng cảnh báo rằng tăng trưởng có thể dẫn đến những tổn thất về môi trường. Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới 2018 cho thấy tăng trưởng kinh tế hiện nay tạo điều kiện giúp chính phủ các nước tập trung vào các vấn đề dài hạn, bao gồm đối mặt với thay đổi khí hậu và sự bất bình đẳng ngày càng tăng giữa tầng lớp giàu và nghèo trong xã hội. LHQ dự báo kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ổn định 3% trong hai năm tới.
Dấu hiệu cải thiện trong nền kinh tế Argentina, Brazil, Nigeria và Nga khi nhóm nước này đang thoát khỏi bóng ma khủng hoảng. Tuy nhiên, LHQ cho biết phần lớn các nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa kể trên đều phải đối mặt với không ít thử thách kinh tế và nhóm nước Đông, Nam và Tây Phi, Tây Á, Mỹ Latin và Caribbean vẫn có hơn 275 triệu người đang sống trong tình trạng nghèo đói. Do đó, bản báo cáo của LHQ nhấn mạnh các nước cần thiết phải tham gia vào mục tiêu LHQ đặt ra trong năm 2030 sẽ không còn tình trạng đói nghèo trên toàn cầu, bằng không đến thời điểm ấy sẽ có một phần tư dân số châu Phi tiếp tục sống trong cảnh khốn cùng như hiện nay. Về phía Mỹ, LHQ dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,2% trong năm nay và tiếp tục bước vào giai đoạn 2018-2019 với tốc độ GDP tăng 2,1%, cải thiện đáng kể so với con số 1,5% năm 2016.
- Theo AP