Phở băng chuyền TechRes nằm trên đường Nguyễn Thái Học, tỉnh Yên Bái gây xôn xao trên mạng xã hội thời gian gần đây. Tại đây, nhân viên phục vụ ghi món bằng iPad và tô phở được đưa đến tận bàn bằng hệ thống băng chuyền bằng gỗ. Cư dân mạng gọi đây là quán “Phở 4.0”, phần nào thể hiện sự độc đáo trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc kinh doanh nhà hàng.
Máy móc làm thay việc con người
Từ clip ghi lại hình ảnh về quán phở TechRes được chia sẻ trên YouTube, chúng ta có thể thấy cách phục vụ chuyên nghiệp và ấn tượng tại quán “phở băng chuyền” này. Khách hàng chọn món từ menu trên bàn, cô chủ quán sẽ “ghi” lại món ăn trên iPad và ứng dụng sẽ tự động thông báo đến máy tính trong bếp và quầy thu ngân để chuẩn bị đồ ăn cũng như tính tiền cho khách hàng.
Các món khách hàng chọn lựa trên bảng thực đơn điện tử sẽ được tự động phân phối cho đầu bếp thông qua việc hiển thị tên món cùng số lượng trên bảng điện tử đặt ở nơi làm của đầu bếp. Đầu bếp sẽ biết là có món ăn cần thực hiện, đồng thời nhìn lên bảng điện tử để biết tên món và số lượng cần làm. Việc nhận thực đơn và phân phối món ăn cho đầu bếp thực hiện là hoàn toàn tự động và chính xác.
Đồng thời các món ăn của khách cũng được cập nhật ở quầy thu ngân giúp việc quản lý chất lượng phục vụ và giải quyết các sai sót được tốt hơn. Chỉ một thời gian ngắn sau, tô phở nóng hổi theo băng chuyền từ bếp chạy đến đúng bàn của khách đã đánh số thứ tự. Khách hàng sẽ cảm thấy thích thú khi tự bưng tô phở thơm ngon từ băng chuyền về bàn mà không cần nhờ đến người phục vụ.
Được biết, cách bán phở của TechRes được làm theo mô hình bán hàng tự động tại châu Âu, các ứng dụng và cấu trúc băng chuyền đều do chủ nhân người Việt tự lên ý tưởng và thiết kế. Mỗi tô phở có giá phải chăng, từ 30-35 ngàn đồng, nhưng quán khá khang trang và sạch sẽ.
Chị Nguyễn Thanh Thảo, một khách hàng của quán, ghi lại: “Phở rất ngon và cách phục vụ chu đáo. Trong khi tôi ăn phở thì một người phục vụ còn giúp cho con tôi ăn”. Còn thực khách Trịnh Xuân Trường cho biết: “Tôi đã ăn ở quán phở này bốn lần, cách phục vụ rất ấn tượng. Ăn phở xong, chúng tôi còn có trái cây tráng miệng miễn phí”.
Theo chị Hương, chủ quán phở TechRes thì việc phục vụ trái cây chỉ mới có thời gian gần đây. Chị đọc từ internet thấy ăn trái cây buổi sáng giúp bổ sung năng lượng, thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp giảm stress và góp phần làm cho tinh thần lạc quan nên muốn tạo thói quen tốt này cho thực khách.
“Phở được bưng bê tự động không chỉ khiến khách thấy thích thú, mà nó còn giúp giảm được nhân công lao động, quản lý dễ dàng hơn và tránh được đổ vỡ”, chị Hương nói. “Có người từng ngỏ lời mua lại quán phở với giá 15.000 USD nhưng tôi không bán”.
Ứng dụng công nghệ có bức tử nghề bồi bàn?
Có thể thấy, với cách order kiểu ghi chép truyền thống, nhân viên phục vụ thường mất rất nhiều thời gian. Trong giờ cao điểm, dù nhân viên có làm việc hết công suất thì số lượng bàn được phục vụ vẫn rất hạn chế. Đối với những nhà hàng lớn, lượng khách hàng đông, người quản lý phải thuê rất nhiều nhân viên để đáp ứng nhu cầu trong giờ cao điểm, nhân viên phục vụ phải thực hiện ghi chép order từng bàn bằng tay không những mất nhiều thời gian mà còn dễ xảy ra sai sót.
Nhưng với tính năng hiện đại, phục vụ khách hàng bằng menu điện tử, nhà hàng hoàn toàn có thể tiết kiệm chi phí cho việc thuê nhân viên. Như trường hợp quán phở TechRes chỉ cần hai nhân viên phục vụ là có thể đáp ứng nhu cầu gọi món của khách. Như vậy sử dụng thực đơn điện tử sẽ giúp đơn giản hóa hoạt động của nhân viên phục vụ, tiết kiệm thời gian, phục vụ được nhanh và nhiều khách hàng cùng lúc hơn.
Theo anh Nguyễn Thế Khoa, CEO Công ty Công nghệ Ngôi Sao Số, thì ứng dụng gọi món ăn trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng là giải pháp tiên tiến, hiệu quả trong việc phục vụ nhà hàng. Hệ thống sẽ đáp ứng tức thời các nhu cầu của khách hàng, tránh tình trạng nhân viên làm việc kém hiệu quả, gây mất thời gian.
Tất cả các khâu từ lúc khách hàng lựa chọn món ăn, chuyển thực đơn xuống nhà bếp, đầu bếp thực hiện món, chuyển cho nhân viên phục vụ mang đến cho khách, gọi tính tiền, in hóa đơn… đều do hệ thống thực hiện một cách tự động. Việc gọi món trên thiết bị di động được kết nối trực tiếp với máy in hóa đơn nhà bếp, quy trình vận hành khép kín, sự chính xác trong một hệ thống công nghệ giúp mọi quy trình thao tác được đơn giản hóa và tối ưu nhất.
Hình ảnh trực quan sinh động của từng món ăn có thể được đưa trực tiếp nhanh chóng vào hệ thống và khách hàng có thể xem trực tiếp trên thiết bị mà không cần phải in ấn phát sinh chi phí rất cao. Món ăn mới sẽ được cập nhật trực tiếp lên màn hình menu mà không cần phải in ấn thay đổi mỗi ngày. Với lợi ích không thể thay thế của e-menu như món ăn, hình ảnh, giá có thể thay đổi nhanh chóng ngay trong ngày mà không tốn thêm bất kỳ chi phí in ấn nào. Các món ăn đặc biệt hay các chương trình khuyến mãi trong ngày có thể được cập nhật liên tục. Chính vì vậy, ứng dụng thiết bị di động vào phần mềm quản lý nhà hàng, quán ăn là một xu hướng tất yếu hiện nay.
Trái với sự hồ hởi của mạng xã hội về xu hướng tự động hóa trong kinh doanh, một số người cho rằng cách kinh doanh của quán Phở 4.0 nói riêng và các ứng dụng tự động trong nhà hàng nói chung cho thấy cuộc cách mạng 4.0 đang “bức tử” một số ngành nghề hiện nay, trong đó có nghề bồi bàn.
Điều này khó trở thành hiện thực vì nhiều nhà hàng ở nước ngoài cũng đã ứng dụng công nghệ tự động hóa cao, từ đặt order, phục vụ thức ăn, đến đưa bát đĩa bẩn vào máy rửa chén…, như lẩu băng chuyền của Nhật, nhưng vẫn có con người phục vụ bên cạnh máy móc. Như vậy, ứng dụng công nghệ tự động hóa chỉ có thể giúp cắt giảm nhân công ở một số khâu chứ không thể thay đổi được vai trò của con người trong nghề phục vụ.