Việt Nam có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Theo đó, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng liên tục qua các năm, lọt vào Top 10 thế giới năm 2017 với 13,81 tỉ USD và năm 2018 ước đạt 15,9 tỉ USD, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong một thống kê khác, kiều hối về khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương đã tăng gần 7% trong năm 2018, lên 143 tỉ USD, cao hơn mức 5% trong năm 2017. Riêng tại Việt Nam, lượng kiều hối ước đạt 18,9 tỉ USD trong năm qua, tăng 37% so với năm 2017.
Ông Sheshagiri Sukesh Mailiah, Giám đốc khu vực tiểu lục địa Ấn Ðộ, Malaysia và Ðông Dương của MoneyGram đưa ra nhận định, dòng kiều hối chuyển về Việt Nam thường duy trì ở mức cao trong những năm qua và sẽ tiếp tục tích cực trong năm nay, kể cả khi tình hình thế giới có nhiều biến động.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu, đứng thứ hai trong ASEAN sau Philippines (34 tỉ USD) về lưu lượng chuyển tiền trong nước trên thế giới.
MoneyGram đã làm việc với nhiều đối tác đáng tin cậy ở Việt Nam trong vài thập niên qua và sẽ tiếp tục duy trì điều này trong thời gian tới, bởi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất.
MoneyGram nhận kiều hối quốc tế từ hơn 95 quốc gia vào Việt Nam”, ông Mailiah nói và cho biết, mới đây, MoneyGram đã hợp tác với HDBank để tăng cường dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM chia sẻ, tám tháng đầu năm 2019, nguồn kiều hối chảy về TP.HCM ước đạt 3,45 tỉ USD và dự kiến tăng lên gần 6 tỉ USD trong cả năm nay.
Theo ông Minh, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và sức ép tăng tỷ giá do yếu tố tâm lý được loại bỏ, nên người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng. Những năm gần đây, kiều hối chuyển về TP.HCM thường theo xu hướng tăng dần. Năm 2018, kiều hối chảy về TP.HCM đạt trên 5 tỉ USD.
Các quốc gia chuyển kiều hối hàng đầu cho Việt Nam vẫn chủ yếu từ Hoa Kỳ, Campuchia, Úc và Pháp, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo. Ðài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản là những “hành lang” di cư sắp tới với sự gia tăng di cư của khối công nhân.
Mặc dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước đang ở mức 0%, song theo các nhà phân tích tài chính, điều này sẽ không tác động nhiều lên kiều hối và dòng tiền này dự báo sẽ tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam. Mặt khác, nhờ chính sách tỷ giá linh hoạt, ổn định nên nguồn kiều hối về Việt Nam chủ yếu được chuyển đổi sang tiền đồng và gửi tiết kiệm.
Ðánh giá về nguồn kiều hối về Việt Nam năm nay, các ngân hàng cho biết, sẽ tăng hơn năm trước. Tại HDBank, sáu tháng đầu năm 2019, doanh số chi trả kiều hối đạt khoảng 300 triệu USD và mục tiêu chi trả cả năm là 500 triệu USD.
- Xem thêm: Lượng kiều hối kỷ lục
Ông Phạm Hồng Hải, Thành viên Hội đồng thành viên HSBC Việt Nam cho rằng, với đà tăng trưởng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) cùng nguồn kiều hối dồi dào hằng năm sẽ tác động tích cực lên tỷ giá.
Nhờ đó, tỷ giá sẽ khó biến động mạnh cuối năm nay, dự báo chỉ tăng 1 – 2% cả năm, cho dù nhân dân tệ đang trong xu hướng giảm giá.
Ông Trần Thanh Hải, chuyên gia tài chính – tiền tệ nhận định, với dòng kiều hối trung bình khoảng 16 tỉ USD/năm trong những năm gần đây, dự báo con số về Việt Nam trong năm 2019 sẽ không thấp hơn mức này. Ðây là nguồn lực lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Còn theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), việc CNY biến động thường không ảnh hưởng nhiều lên tỷ giá VND, song cần chú ý là đồng Việt Nam đang mạnh lên, trong khi các đồng tiền của các nước khác đang yếu đi và điều này không có lợi cho xuất khẩu.
Tuy vậy, VND từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ vẫn duy trì sự ổn định, nếu có tăng cũng sẽ không tăng quá 2% như Ngân hàng Nhà nước đã dự tính.