Theo số liệu mới đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối về thành phố trong năm 2018 đạt mức 5 tỉ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối gửi về cả nước. Như vậy, bất chấp việc dòng vốn toàn cầu đang rút khỏi các nền kinh tế mới nổi, cũng như xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới hay lãi suất USD đã giảm về 0% trong hai năm qua, dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam trong năm qua. Với 10 tỉ USD nhận được, Việt Nam đã vào top các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Liên quan đến bất động sản (BĐS), tháng cuối năm luôn là thời điểm tích cực của thị trường này do nhu cầu mua nhà tăng cao và lượng kiều hối chuyển về nhiều. “Một phần đáng kể trong nguồn tiền kiều hối sẽ đổ vào BĐS, và vì thế việc tận dụng cơ hội thông qua các chương trình ưu đãi là cách rất tốt giúp gia tăng thanh khoản của dự án”, giám đốc một công ty địa ốc nhận định.
Từ đầu năm 2018 đến nay, lượng kiều hối chuyển về nước tăng liên tục. Lý do: người Việt đang làm việc ở nước ngoài khá tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế trong nước, cũng như cơ hội đầu tư vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều người trong ngành, việc Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD sẽ khiến dòng tiền này đổ vào BĐS và sản xuất – kinh doanh hơn là được tích trữ. Trong đó, dự kiến kiều hối vào BĐS chiếm khoảng 21 – 22%, chỉ đứng sau sản xuất – kinh doanh. Một số doanh nghiệp hy vọng rằng thời điểm này, thị trường BĐS sẽ hưởng lợi ít nhiều từ các quyết sách của Chính phủ liên quan đến dòng kiều hối.
- Xem thêm: Lượng kiều hối kỷ lục
Thị trường vàng và USD giảm bớt sức hấp dẫn, một số kênh đầu tư tài chính khác lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, thế nên dù chưa thể xác định được dòng tiền kiều hối sẽ chảy đi đâu nhưng giới đầu tư BĐS vẫn có cơ sở để kỳ vọng rằng, một phần trong số đó sẽ quay trở về với địa ốc. Đặc biệt tháng trước Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua mới, nâng cấp nhà cửa của người dân tăng lên. Đến hẹn lại lên, đối với những đối tượng đón nhận kiều hối, đây là dịp để chuyển lượng tiền người thân gửi về bằng những căn nhà mới khang trang hơn, bề thế hơn.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung khá dồi dào như hiện nay, chỉ có những dự án chuẩn mực về pháp lý, đa dạng sản phẩm cũng như có những ưu đãi thực sự về giá cả, chương trình chăm sóc khách hàng hợp lý thì mới có thể thu hút được khách hàng, chứ không phải tất cả các dự án đều tận dụng được cơ hội với dòng kiều hối.