Theo một kết quả khảo sát vừa được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) công bố hôm 17-3-2014 thì Trung Đông là một trong những khu vực nhập khẩu nhiều vũ khí nhất thế giới. Trong bốn năm trở lại đây, 22% số vũ khí nhập vào Trung Đông đến với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), 20% đến với Ả Rập Saudi và 15% dành cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số những nhà xuất khẩu vũ khí cho khu vực này, Mỹ là nước đứng đầu với 42% thị phần.
Máy bay chiến đấu F-16 Mỹ bán cho UAE
Để lý giải cho nhu cầu nhập khẩu vũ khí ngày càng gia tăng tại Trung Đông, các nhà phân tích đưa ra nhiều nguyên nhân: mối đe dọa từ Iran, cuộc xung đột sắc tộc giữa người Sunni và người Shia, nỗi lo sợ khủng bố ở mỗi nước, sự bất ổn chính trị, và các khoản thu nhập khổng lồ từ dầu lửa. Theo Nicole Auger, nhà phân tích quân sự thuộc tổ chức Forecast International trụ sở đặt tại Mỹ, thị trường vũ khí tại Trung Đông hiện nay là kết quả sự pha trộn tất cả các yếu tố trên. Một nhà nghiên cứu khác, giáo sư sử học Toby C. Jones thuộc Trường Đại học Rutgers (bang New Jersey, Mỹ), cho rằng vùng Vịnh chính là thiên đường của các nhà buôn vũ khí phương Tây và các chính phủ muốn “đa dạng hóa” sự thịnh vượng họ có được từ dầu lửa. Vì thế, dù cho giá trị chiến lược của lượng vũ khí ào ạt đổ vào thị trường Trung Đông có như thế nào đi nữa thì điều quan trọng vẫn là việc Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự hùng hậu tại khu vực này.
Trên bình diện thế giới, UAE và Ả Rập Saudi đang đứng thứ tư và thứ năm trong số những quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất. Ba vị trí đầu thuộc về Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan. Trong số các nước xuất khẩu nhiều vũ khí nhất, có Mỹ (29% tổng khối lượng), Nga (27%), Đức (7%), Trung Quốc (6%) và Pháp (5%). Đối với vấn đề an ninh quốc tế, mối đe dọa từ Iran được đề cập đến nhiều nhất và nước này trở thành lý do chính khiến cho Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) bao gồm Oman, Bahrain, Ả Rập Saudi, Qatar và UAE quyết định thành lập một bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp có sự hỗ trợ của Mỹ. Các yếu tố đó góp phần không nhỏ vào tiến trình thảo luận các thương vụ mua bán vũ khí tại vùng Vịnh. Năm 2013, các hợp đồng mua bán đã được ký kết có trị giá 10,5 tỉ USD, trong đó có việc Mỹ bán 26 máy bay chiến đấu F-15 cho UAE và các tên lửa cho Ả Rập Saudi đủ để trang bị cho 154 chiếc F-15 mà Ả Rập Saudi đã mua của Mỹ từ năm 2010 với giá 29,5 tỉ USD. Mỹ còn cung cấp cho Ả Rập Saudi 1.000 quả bom GBU-35 có tác dụng phá vỡ các boong-ke kiên cố và cho UAE 5.000 quả bom dùng phá hủy các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất.
Để minh họa cho mối quan hệ khắng khít giữa Mỹ với khu vực Trung Đông, giáo sư Toby C. Jones đã đưa ra nhận định: “Các nước Ả Rập cần đến sự khủng hoảng như một điều kiện thường trực để phương Tây và đặc biệt là Mỹ tăng cường những cam kết an ninh của họ, bất kể những cuộc khủng hoảng đó có thật hay không”.
Lê Nguyễn tổng hợp