Nhà sui gia chật chội, mỗi lần vào thăm, ông bà thấy ái ngại, thế là về gom góp, vay mượn mua cho con căn chung cư. Một năm vài lần, vợ chồng ông không bay vào thăm con thì cũng mua vé cho vợ chồng con về thăm nhà. Hỏi sao không bắt rể, ông nói vì thương con rể đang là trụ cột chính gia đình thông gia, làm vậy thì nhà người ta lại thành neo đơn.
Vợ chồng ông cũng chưa chuyển vào miền Nam sống với con gái được vì ông là trai trưởng nên đương nhiên phải chăm nom thăm viếng bố mẹ còn sống. Ông kể, trả xong món tiền cuối cùng cho căn nhà chúng đang ở bây giờ, đến giai đoạn xin việc cho con gái vì khi sinh con cô thôi việc ở nhà chăm con. Rồi phải tìm người trông con cho nó, ông bà sui gia ốm yếu không thể nhờ vả lâu dài được.
Người nghe chuyện nói, ông nằm xuống cũng chưa hết lo. Ông cười, có mỗi đứa con gái. Mới hỏi, thế ông không nghĩ đến việc hưởng thụ à, làm cả đời rồi. Ông lại cười, lo cho con cũng là cách hưởng thụ, nghe tiếng trẻ con bi bô đã sướng rồi! Người ta thắc mắc, nếu con gái ông lấy chồng gần nhà, ông có đỡ được vài khoản lo không. Hỏi cũng là trả lời, chưa chắc, người có tính như vậy thì ở gần hay xa con đều có nỗi lo! Con rồi đến cháu, ai có thể tin tưởng để giao việc đưa đón cháu bằng ông bà vẫn còn mạnh khỏe?
Có người cho rằng, chính việc lo lắng cho con từ khi tấm bé, đút từng muỗng cơm, chăm từng bình sữa, đưa đón đi học, kèm con học hành, chọn trường đại học cho con (có ông bố bỏ cả công ăn việc làm chuyển vào thành phố sống với con bốn năm đại học), xin việc làm cho chúng… khiến cha mẹ cảm thấy “bất an” cho dù con đã lớn, có gia đình riêng.
Làm ăn thuyền to sóng lớn, con như chim ra ràng, làm sao chúng hiểu thấu cuộc đời như cha mẹ từng trải? Lại thêm ngựa non háu đá, có chút kiến thức vỗ ngực xưng tên ta đây tài giỏi khiến ở cơ quan con có nhiều người ghét hơn là người thương. Dặn dò con từng chút, đi làm phải thế nào, khiêm tốn là cần thiết, chịu khó học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn làm bước tiến, đừng xu nịnh a dua, lúc này thịnh, mai mốt suy là chuyện bình thường, thất bại không nản chí…
Trong khi cha mẹ lo lắng thì con cái như mũi tên chỉ biết tiến về phía trước. Học hành, yêu đương, làm việc cứ như con thiêu thân, không thèm ngoái lại phía sau để thấy ánh mắt ái ngại của cha mẹ. Ngồi với bạn bè thì chém gió, nổ như pháo rang, cha mẹ có lo lắng thì khoát tay, con xin các cụ, thời các cụ không như thời chúng con…
Các chuyên gia tâm lý cho rằng chính bởi cha mẹ bao cấp cho con nhiều quá nên chúng ỷ lại. Đã đến lúc các bậc cha mẹ cần giáo dục cho con biết giá trị của đồng tiền, không phải có tiền là có thể làm được mọi việc… Thế nhưng, dù có nói thế nào mãnh lực của đồng tiền là rất ghê gớm.
Người có tiền đau ốm khác hẳn kẻ không tiền. Ông bà muốn đi thăm cháu cũng phải có tiền. Nhiều tiền thì đi máy bay, dọc chiều dài đất nước chưa kịp nhắm mắt đã đến nơi. Ít tiền phải đi xe khách hai ngày mới đến, chưa kể bị hành… Muôn sự tại tiền khiến con người phải lao tâm khổ tứ.
Cái guồng cuộc đời làm con người phải quay. Nhưng dù quay thế nào thì cha mẹ cũng lo cho con bằng cách theo dõi để uốn nắn con kịp thời. Lo cho con có cuộc sống tốt đẹp chính là đã góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh. Không nên lo theo kiểu đáp ứng tất cả yêu cầu của con mà quên đi việc dạy dỗ con nên người…