Câu chuyện nhức đầu của các khách sạn trong nước có thể tóm gọn như sau: Hiện nay đến một phần ba, có lúc cả 50% doanh thu của các khách sạn là nhờ kênh bán phòng qua các trang web dịch vụ du lịch trực tuyến.
Khách ở tận các nước xa xôi nếu không nhờ các trang như Booking.com, Agoda, Expedia… thì làm sao đặt phòng các khách sạn nằm khắp cả nước.
Thế nhưng làm đúng theo quy định hiện hành, khách sạn khấu trừ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của các trang dịch vụ này dựa trên hoa hồng 25-30% phải trả cho họ thì lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nộp cho cơ quan thuế xong, đi đòi các trang dịch vụ, họ không trả, nói họ đã nộp thuế ở nước họ rồi, trả tức bị đánh thuế song trùng. Quay lại cơ quan thuế, xin hoàn trả cũng không xong vì cơ quan thuế làm gì có nguồn lực kiểm tra với nước sở tại xem các nơi này đã đóng thuế cho phần thu nhập từ Việt Nam.
Đối với cơ quan thuế, các hiệp định tránh đánh thuế hai lần cũng như văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện là rất chặt chẽ; cơ quan thuế nên có văn bản chính thức gửi cho các trang dịch vụ (bởi số lượng không nhiều) đề ra các yêu cầu để được miễn thuế ở Việt Nam, kể cả yêu cầu họ trưng bằng chứng đã nộp thuế cho phần thu nhập từ Việt Nam. Chỉ cần một hai lần phối hợp với cơ quan thuế nước sở tại và có hành động dứt khoát, chắc chắn các nơi làm ăn lâu dài, nghiêm túc sẽ tuân thủ đúng mực. Loại thuế này ngày càng nhiều như dịch vụ vận tải Uber, Grab rồi quảng cáo của Google hay Facebook, rồi mua sắm qua Amazon, hay nghe nhạc qua Apple Music. Nếu không có chủ trương rõ ràng và thực thi thì chúng ta cứ thỉnh thoảng sẽ nghe chuyện thất thu thuế mãi.
Nhưng vấn đề chúng tôi muốn nói ở đây là thái độ của các doanh nghiệp khách sạn trong nước. Nếu từng khách sạn riêng lẻ đàm phán, ắt các trang web dịch vụ đặt phòng sẽ từ chối hợp tác và không khách sạn nào dám mạnh tay để rồi mất một phần ba doanh thu hiện có.
Nhưng giả thử toàn thể các khách sạn ở Việt Nam hay ở từng thành phố lớn, thông qua tổ chức nghề nghiệp của mình như hiệp hội khách sạn đồng lòng cùng nói chuyện với các hãng đặt phòng trực tuyến, ắt tình hình sẽ khác. Các trang này sẽ không để mất hẳn một thị trường cụ thể nào đó. Khách vào một trang, gõ tìm khách sạn ở TPHCM không thấy khách sạn nào ắt sẽ bỏ qua trang khác. Dùng trang này để mặc cả với trang khác là một phương thức có thể áp dụng trong tình huống này.
Trong lúc chờ đợi cơ quan thuế có tiếng nói chính thức, theo luật, các khách sạn phải thu giùm Nhà nước phần thuế các trang dịch vụ du lịch trực tuyến phải nộp và cũng theo đúng luật chơi, các trang này phải chịu khấu trừ phần thuế này trước khi tính toán chia sẻ doanh thu với khách sạn. Nếu họ không chịu, các khách sạn phải cùng đồng lòng nghỉ chơi với trang đó, không có ngoại lệ, không được xé rào thỏa thuận riêng. Có như thế, các khách sạn mới ở vị thế mạnh để thương thảo, chưa kể là để tạo sân chơi bình đẳng với một số trang dịch vụ đặt phòng trong nước, nơi luôn phải nộp thuế đầy đủ.