Chỉ bằng hai phiên giao dịch (25 và 27-10), VN-Index đã xóa tan những ngờ vực về một giai đoạn “tạm thời điều chỉnh”, chinh phục thành công mốc điểm 840, điều mà chẳng mấy ai nghĩ đến trước đó, bởi những thông tin hỗ trợ cho thị trường là không nhiều và mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III đã vào giai đoạn cuối. Chỉ số VN30-Index theo đó cũng lần đầu tiên vươn đến mốc 830 điểm. Điểm nhấn thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu trụ cột như VNM, VCB, MSN, VIC,… cộng với sự khó lường của ROS (tăng đến 38,71% chỉ trong một tuần) và đang lần lượt thiết lập các mốc giá kỷ lục mới cho mình. Khó thể gọi cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros này là “trụ cột”, dù những ngày cuối tháng 10 ROS đúng là cổ phiếu nổi bật nhất thị trường. Mức vốn hóa lớn, có tác động mạnh đến chỉ số, không ngạc nhiên khi chuỗi bứt tốc liên tục của ROS là động lực chính tạo nên sắc xanh của VN-Index, đồng thời khỏa lấp đi không khí giao dịch nhàm chán của thị trường khi thanh khoản vẫn khá “đuối” và dòng tiền chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu. Rất nhiều mã cổ phiếu cơ bản và bluechip đang giảm điểm so với vài tháng trước đây. Độ lan tỏa của sắc xanh trên hai sàn giao dịch gần như không có, số mã tăng giá không hề chiếm thế áp đảo, tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” vẫn chưa được xóa bỏ. Và, cũng không có gì ngạc nhiên, khi khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.
Bỏ qua những “thuyết âm mưu”, kiểu như chỉ số đang bị tác động để ảnh hưởng đến kết quả giao dịch của thị trường phái sinh, thì trạng thái của thị trường trong thời gian qua là không tốt, nhiều mã cổ phiếu lớn tăng giảm thất thường, thậm chí ngay trong một phiên giao dịch, khiến cho VN-Index tỏ ra thiếu bền vững. Bởi vậy, dù VN-Index đi lên, nhiều nhà đầu tư vẫn đang thua lỗ. Nếu điều này vẫn không được cải thiện, việc thị trường đảo chiều trong tháng 11 là điều dễ xảy ra.
Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư tin vào điều tích cực. Từ khi VN-Index vượt ngưỡng tròn 800, không ít lần người ta từng “lên kế hoạch” cho giai đoạn điều chỉnh của VN-Index, nhưng thực tế là chỉ số lần lượt vượt qua các mốc nhỏ 810, 820, 830 rồi 840. Vậy nên, nếu VN-Index có tiến đến vùng 860 điểm, xa hơn là mốc 900 điểm trong cuối năm nay hoặc đầu năm 2018, thì cũng không có gì quá ngạc nhiên. Điều quan trọng nhất với nhà đầu tư là phải chọn được những cổ phiếu có thể song hành cùng VN-Index. Chỉ có vậy thì thành quả của nhà đầu tư mới được thể hiện bằng khoản lợi nhuận cụ thể, chứ không “phù phiếm” theo đà tăng của chỉ số. Lựa chọn đúng, nhà đầu tư sẽ không phải lo lắng đến chuyện “thị trường” như thanh khoản thấp, thiếu dòng tiền mới hay chỉ số có vẻ đang “méo mó” bởi tầm ảnh hưởng của các cổ phiếu kiểu như ROS, SAB…
Nếu có cùng quan điểm này và dự đoán thị trường tiếp tục chinh phục các điểm cao mới, thì các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục là tâm điểm, khi ấy, tùy vào khẩu vị đầu tư và độ chấp nhận rủi ro của mình, nhà đầu tư sẽ lựa chọn cổ phiếu phù hợp. Có thể là các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng giá nhiều thời gian qua, với hy vọng vào mức sinh lời cao. Với các cổ phiếu đã tăng trưởng mạnh trong năm, mức giá hiện tại hầu như đã phản ánh hết tiềm năng của chúng, việc mua mới trong bối cảnh thị trường hiện tại không còn nhiều hấp dẫn, mức sinh lời có thể không cao, lại thêm rủi ro khi chỉ số đảo chiều. Riêng với những nhà đầu tư trung thành với chiến lược dài hạn, việc giải ngân cho các cổ phiếu ít mang tính thị trường, thanh khoản thấp và có câu chuyện đầu tư trong năm sau vẫn là một ý tưởng phù hợp.
- Ngọc Khang