Người Khmer vùng sông nước Cửu Long gọi cá sặc rằn là cá lò tho.Khô cá sặc rằn đem nướng hoặc chiên vàng chấm với mắm me là món lai rai khoái khẩu miệt đồng.Nhưng ngon nhất vẫn là khô cá sặc rằn trộn gỏi xoài chua, tuy hơi mất công làm nhưng ai cũng thích, cũng ưa.
Cá lò tho hay cá sặc rằn con lớn dài cỡ 20cm
Ở Sóc Trăng có địa danh gắn liền với cá lò tho – đó là ngã ba Dù Tho nơi sông Cổ Cò chảy ra dòng Mỹ Thanh. Theo học giả Vương Hồng Sển dẫn từ Đại Nam quốc âm tự vị thì từ Khmer kin thor có nghĩa là cá sặc lớn hay còn gọi là cá dù tho, dừa tho, dề tho(1). Cũng theo cách giải thích này thì địa danh Cần Thơ mang ý nghĩa là xứ của cá sặc rằn. Dân gian có câu ca: Bơi xuồng em xuống Dù Tho/ Mua ít cá sặc gửi đò cho anh. Còn câu Con cá sặc nó rượt con cá rô/ Ăn nói xô bồ chẳng biết trước sau là điều răn dạy đạo lý, bởi làm gì có chuyện cá sặc dám đuổi cá rô, ngược với lẽ tự nhiên.
Cá sặc có hai loại: sặc bướm và sặc rằn. Cá sặc bướm chỉ cỡ ngón tay cái người lớn, còn cá sặc rằn con trưởng thành cỡ bàn tay người lớn, lớp vảy có những lằn đen trắng chen nhau. Ngày trước cá sặc rằn có rất nhiều trong các ao đìa, sông rạch tự nhiên, người ta thường dùng chài hay kéo lưới để bắt. Khoảng tháng Mười, tháng Mười một ta, khi những cơn mưa cuối mùa đã dứt, cá sặc rằn được đánh bắt phơi khô để dành… ăn tết.Cá được đánh vảy, làm sạch đầu, ủ muối rồi phơi trên vỉ tre chừng hai, ba nắng là được.
Để làm món gỏi xoài khô cá sặc rằn, con khô được ngâm nước sạch một lúc để giảm bớt độ mặn. Khô để ráo, chẻ tre tươi hoặc dọc dừa gắp khô nướng trên bếp than hồng, khô chín dùng tay xé lấy thịt, bỏ xương. Xoài tượng già gọt vỏ rồi dùng dao bén bào, xắt chỉ, bóp trong nước muối, vắt cho khô.Trộn xoài và khô cá với đường cát, ớt hiểm bằm nhuyễn.Cuối cùng dĩa gỏi được rắc ít rau ngò gai, hoặc lá quế xắt nhỏ, đã sẵn sàng cho bữa rượu bình dân. Người Khmer Nam bộ thường dùng món khô cá lò tho trộn gỏi xoài nhâm nhi với chung rượu đế để mừng năm mới.
Minh Thương
(1) Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, NXB Trẻ, 1994, trang 81