Quá thân thiện với các nhân viên thuộc cấp không phải là điều tốt đối với các sếp. Khi xem các nhân viên như bạn bè, sếp sẽ có thể bị lợi dụng và đánh mất sự tôn trọng của họ.
Nhưng bạn sẽ phải xử sự như thế nào nếu một ngày đẹp trời được thăng chức và trở thành sếp của những người mà mình đã coi là bạn bè hoặc bạn nên làm gì khi tuyển dụng một người bạn về làm “lính” cho mình? Dưới đây là một số nguyên tắc mà các sếp có thể áp dụng để giữ quan hệ bạn bè với các nhân viên thuộc cấp.
1. Đối xử như những nhân viên khác trong công việc. Đừng đặt mối quan hệ bạn bè vào trong công việc. Điều đó có nghĩa là bạn không nên có những hành động chiếu cố hay nâng đỡ những người bạn của mình khi đánh giá kết quả thực hiện công việc của họ.
Nói chung, khi đã là sếp, bạn cần phải cứng rắn với những nhân viên – bạn bè, kể cả khi điều đó có thể làm cho tình bạn xấu đi.
2. Thực hiện đúng vai trò của một nhà lãnh đạo. Nhiệm vụ của bạn là xây dựng mối quan hệ sếp – nhân viên với những người bạn trước đây.
Nếu những người bạn – nhân viên thường xuyên ghé qua văn phòng của bạn để tán gẫu thân mật hay tỏ ý mong muốn có được ưu đãi này nọ thì nên nói thẳng với anh ta rằng quan hệ trong công việc khác với quan hệ bạn bè.
Điều quan trọng là cần phải giải quyết vấn đề một cách công bằng, khách quan và đối xử với những người bạn ngang bằng với các nhân viên khác.
- Xem thêm: Khi bạn được mời ăn trưa với sếp lớn
Nếu cần thiết, có thể hẹn riêng với những người bạn sau giờ làm việc, nhưng nên nhớ mục đích là để có sự cảm thông trên cơ sở tình bạn, chứ không phải đưa ra những nhượng bộ liên quan đến công việc.
3. Đừng nhân nhượng với những hành động thiếu tôn trọng. Bạn sẽ tự làm suy yếu vai trò lãnh đạo của mình nếu vẫn tiếp tục nhậu nhẹt hay tranh luận với những người bạn – nhân viên đã từng có những hành động thiếu tôn trọng mình.
4. Hạn chế nói chuyện công việc trong những dịp gặp gỡ ngoài công việc. Đem chuyện công việc vào những câu chuyện với một người bạn – nhân viên trong những dịp gặp gỡ ngoài công sở là một điều nguy hiểm.
Bạn có thể vô tình làm rò rỉ những thông tin hay ý tưởng quan trọng mà tất cả các nhân viên chưa được phép biết đến, hoặc tạo ra cho những nhân viên này một lợi thế không công bằng so với các nhân viên khác. Tình trạng đối xử thiên vị và đố kỵ từ đó sẽ nảy sinh trong tổ chức.
5. Không nên cắt đứt tình bạn hoàn toàn. Không có điều gì tạo ra sự oán giận giữa bạn và nhân viên thuộc cấp nhanh bằng việc kết thúc tình bạn với người ấy ngay sau khi được thăng chức.
Khi bạn làm sếp anh ta, tình bạn sẽ chuyển sang một hướng khác, nhưng không thể phủ nhận một thực tế là quan hệ bạn bè giữa hai người đã tồn tại trước khi quan hệ sếp – nhân viên được hình thành.