Ấn Độ, thị trường xe máy lớn nhất thế giới và thị trường xe hơi tiềm năng thứ hai châu Á đang ốm nặng.
Tháng 7 vừa qua lượng xe bán ra giảm tới 31% so với cùng kỳ năm trước – thị trường đứng trước cuộc khủng hoảng thừa xe lớn nhất trong vòng hai thập niên. Theo tờ Indian Express, trong ba tháng qua có khoảng 15.000 công nhân ngồi chơi xơi nước và theo dự báo của CNN, số lượng lao động bị mất việc có thể lên tới 1 triệu người.
Thế mà mới chỉ hai năm trước, Ấn Độ được xem là “quả bom” của thị trường xe hơi thế giới. Chả hiểu có nhận phong bì của ngân hàng nào không mà các chuyên gia đua nhau dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành thị trường xe hơi lớn thứ ba thế giới vào năm 2020 – chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nguồn tiền tới tấp đổ vào ngành công nghiệp ôtô được xem là xương sống của nền kinh tế quốc gia khi đóng góp tới 50% tổng thu nhập quốc dân GDP. Và giờ đây mọi thứ có vẻ đang biến mất. Maruti Suzuki, liên doanh hãng Suzuki Nhật Bản và chính phủ Ấn Độ, nhà sản xuất ôtô lớn nhất của đất nước này (nơi từng sản xuất Swift và Ertiga nhập về Việt Nam), mất doanh số tới gần 40% – một kỷ lục buồn chưa từng có trong lịch sử. Tata Motor cũng giảm doanh số 31%. Tất nhiên một số thương hiệu nước ngoài tại Ấn cũng giảm mạnh lượng xe tiêu thụ (Toyota mất 24% doanh số, Hyundai mất 10%). Thị trường xe hai bánh cũng giảm mạnh: Tập đoàn HeroMotor giảm gần 23% còn Honda mất 15% doanh số.
Thị trường Ấn Độ nằm trong cuộc suy thoái chung của thị trường ôtô thế giới khi hầu hết các chỉ số tăng trưởng đều màu đỏ (trừ Việt Nam!) liên quan tới suy thoái kinh tế, các quy định mới thay đổi về công nghệ chế tạo…, tuy nhiên vì phát triển nóng với quy mô lớn, nên “thân chủ” choáng váng không kịp đỡ. Không chỉ 1 triệu lao động mà tới 3,7 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành công nghiêp ôtô sẽ bị ảnh hưởng – Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Ấn Độ “dọa”và yêu cầu chính phủ “giải cứu ôtô” ngay và luôn!
Phát triển luôn song hành cùng bất ổn. Chìa khóa thông minh để có thể kiểm soát tình trạng này, từ thập niên 1960-1970, nhà kinh tế học lỗi lạc người Anh gốc Đức F.Schumacher trong cuốn sách Small is Beautiful, đã viết rằng vấn đề quy mô là cực kỳ trọng yếu trong lĩnh vực chính trị xã hội, kinh tế cũng như hầu hết các lĩnh vực khác. Và quy mô nhỏ là hợp lý, nhỏ là đẹp. Schumacher đi nhiều nơi trên thế giới để diễn thuyết, truyền bá học thuyết Nhỏ là Đẹp này, được đánh giá rất cao, cuốn Small is Beautiful của ông được liệt vào danh sách 100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất tới thế giới sau thế chiến 2. Nhưng có vẻ người ta đọc xong, vỗ tay và cất nó trân trọng trên giá sách. Trend của thời nay phải là : Nghĩ lớn, Làm to, Giảm giá khủng…
Tiện đây, rất nhiều dòng xe đang được giảm giá như mưa ngâu tháng này trên toàn Việt Nam…