Bản báo cáo mới được công bố là một lời báo động đỏ về nhiệt độ trái đất gia tăng từ 1-40C vào cuối thế kỷ này, đặc biệt là tại các đại dương và vùng Bắc cực, với hệ quả mực nước biển sẽ dâng cao mạnh hơn.
Trong kịch bản đáng ngại nhất, mực nước có thể dâng cao thêm từ 62cm đến hơn 82cm. Số liệu trước đây cho thấy từ 1901-2012, nhiệt độ hành tinh tăng 0,90C thì mực nước biển đã tăng 19cm, khí thải CO2 tăng hơn 20% và tất cả sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
Hậu quả của vấn đề đối với môi trường thiên nhiên, kinh tế, nông nghiệp, đời sống con người khá ghê gớm, nên việc trước tiên chúng ta phải làm để cứu hành tinh là giảm khí thải CO2. Hiện còn biết bao thế lực ngăn chặn, cản trở, cho nên phải đặt giới có quyền quyết định chính trị trước trách nhiệm của họ.
Báo cáo thứ năm này của nhóm GIEC/IPCC, có giọng điệu cảnh báo nghiêm khắc. Trước đây các chuyên gia cũng báo động, nhấn mạnh là tình hình khẩn cấp, nhưng bên cạnh đó thì cũng có mặt trấn an là nếu phản ứng nhanh thì cũng còn có thể tránh thảm họa cho hành tinh. Lần này thì khác, báo cáo của nhóm GIEC/IPCC cho thấy là đã muộn rồi. Rõ ràng thế giới đã không giải quyết kịp thời vấn đề khí thải và giờ đây phải gánh chịu hậu quả: băng chảy, đá tan, mực biển dâng lên, khí hậu nóng bức… Một cảnh tượng làm lạnh cả xương sống và cho cảm giác là chúng ta đã thua, chỉ còn cách là phải thích nghi với hoàn cảnh mà thôi, tức là thay đổi nếp sống, quy hoạch lãnh thổ, đô thị…
Trong một diễn biến khác liên quan đến khí hậu trái đất đang xấu đi, các khoa học gia quả quyết con người là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tăng nhiệt trên toàn cầu.
Trong phúc trình trước hồi năm 2007 Ủy ban GIEC/IPCC nói rằng con người phải chịu trách nhiệm về việc này.
Ủy ban GIEC/IPCC cho biết Trái đất chắc chắn sẽ thấy thêm nhiều đợt khí nóng, nhiều trận khô hạn, lũ lụt và cảnh báo rằng một số ảnh hưởng của hiện tượng tăng nhiệt trên toàn cầu sẽ kéo dài rất lâu vượt quá cuộc đời của những thế hệ hiện tại.
Những thẩm định của GIEC/IPCC là quan trọng bởi vì chúng tạo thành nền tảng khoa học cho các cuộc thương thảo của Liên Hiệp Quốc về một hiệp định khí hậu mới. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhận định phúc trình này sẽ rất thiết yếu cho các chính phủ đang làm việc để hoàn tất giai đoạn chót của một hiệp định vào năm 2015. Nhưng chưa rõ họ có cam kết về những cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà các khoa học gia nói là sẽ rất cần thiết để hạn chế sự thiệt hại tới khí hậu hay không.
Những phát hiện được công bố hôm cuối tuần qua là một phần trong bản phúc trình dài 2.000 trang của Ủy ban GIEC/IPCC.
V.Đ