Khi doanh nghiệp FDI khai lỗ, trốn thuế

Năm 2012, Cục Thuế TP.HCM được giao chỉ tiêu thu thuế gần 150.000 tỉ đồng, chiếm gần 30% tổng số thu ngân sách của ngành thuế cả nước. Tuy nhiên, thu ngân sách chỉ đạt trên 92% chỉ tiêu được giao. Đây là năm đầu tiên TP.HCM không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, nhiều chi cục chỉ đạt số thu trên 80%.

Một quan chức ngành thuế TP.HCM cho biết: “Thu từ thuế GTGT mới đạt trên 70% vì hiện 40% doanh nghiệp làm ăn đều không có lãi”.

Khách hàng mua sắm trong siêu thị Metro

Tình hình thu ngân sách năm 2013 được dự báo vẫn có nhiều khó khăn. Nguồn thu năm sau có nguy cơ không tăng, nên ngoài việc giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để có điều kiện góp phần tăng nguồn thu ngân sách và giám sát các khoản chi tiêu của nhà nước, còn có một vấn đề quan trọng không kém, đó là rà soát lại tình hình thu thuếở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) mà doanh số lẫn lợi nhuận đều rất cao nhưng lâu nay vẫn báo lỗ để không làm nghĩa vụ thuế.

Trên các phương tiện truyền thông gần đây xuất hiện nhiều nghi vấn chung quanh hoạt động lời thật lỗ giả của các doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn, theo báo cáo hoạt động kinh doanh của Công ty Coca-Cola tại Cục thuế TP.HCM, trong nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam công ty này liên tục thua lỗ.

Theo đó, năm 2006 công ty này đạt doanh thu 1.026 tỉ đồng nhưng lỗ đến 253 tỉ đồng; năm 2007 lỗ 198 tỉ đồng; năm 2010 doanh thu lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng và năm 2011 mức lỗ là 39 tỉ đồng. Theo số lũy kế đến năm 2011 công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Như vậy trung bình mỗi năm Công ty Coca-Cola lỗ 100 tỉ đồng.

Giải thích về tình trạng này, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam nói rằng không có được lợi nhuận là do lạm phát cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng, lãi vay tăng và do công ty mới đầu tư vào dây chuyền sản xuất và mạng lưới phân phối.

Vì thua lỗ nên mặc dù hơn cả chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam không phải đóng đồng nào cho nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chỉ phải đóng một số khoản thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài.

Sự việc này cũng đã được cơ quan chức năng mà trực tiếp là Cục thuế TP.HCM đặc biệt chú ý đưa doanh nghiệp này vào danh sách công ty có nghi vấn về dấu hiệu “chuyển giá”. Qua việc mua nguyên liệu sản xuất từ công ty mẹ, doanh nghiệp này luôn khai báo với cơ quan thuế giá thành nguyên liệu cao nhằm đẩy giá chi phí sản xuất tăng khiến tình trạng kinh doanh luôn ở mức lỗ. Điều đáng nói là cơ quan thuế trong nhiều năm vẫn không thể xác minh tính xác thực của vụ việc. Lý do là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống, những quy phạm pháp luật tương thích có thể điều chỉnh biểu hiện chuyển giá.

Một dẫn chứng khác là trường hợp của Metro Cash & Carry Việt Nam. Tập đoàn này, người dân quen gọi là Metro, vừa khai trương trung tâm bán sỉ mới tại Hà Nội. Đây là trung tâm thứ 19 của Metro tại Việt Nam, có tổng diện tích bán hàng lên tới 5.100m², cung ứng hơn 25.000 mặt hàng các loại.

Quá trình phát triển có phần vũ bão như vậy nhưng các báo cáo tài chính của Metro lại không hề như mong đợi. Liên tiếp trong nhiều năm, công ty này báo lỗ với ngành thuế với mức lỗ cao nhất trong số các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Một báo cáo của Tổng cục Thuế cho hay, Metro Cash & Carry, khai lỗ từ năm 2001 đến 2009 là 1.157 tỉ đồng, đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Sau khi số liệu này được công bố, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng chuyển giá tại doanh nghiệp này.

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên. Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỉ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỉ đồng. Năm 2008 doanh thu vọt lên 8.175 tỉ đồng, số lỗ lên đến hơn 190 tỉ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỉ đồng, số lỗ là 160 tỉ đồng. Từ khi thành lập (2001) đến nay, chỉ duy nhất năm 2010 Metro khai có lãi 116 tỉ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Đến năm 2011 Metro lại khai lỗ 89 tỉ đồng.

 

Mới đây, hàng loạt tên tuổi lớn là thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Vidamco, Vinamotor… đã bị cho là những đơn vị “có vấn đề” về thuế với mức truy thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Dư luận không khỏi bức xúc trước thông tin này.

Đại diện của Cục Thuế TP.HCM cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn, doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng cứ báo cáo lỗ triền miên, để qua mặt cơ quan thuế.

Phức tạp hơn là trong vụ hàng loạt doanh nghiệp lớn kinh doanh ôtô bị buộc tội trốn thuế gần đây, các bộ, ngành liên quan đã phải quay sang tranh cãi nhau vì sự bùng nhùng trong chính sách.

Có doanh nghiệp FDI lợi dụng kẽ hở pháp lý để xù nợ thuế, rồi bỏ trốn, khiến dư luận một lần nữa không khỏi quan ngại. Mọi chuyện bắt đầu từ vụ việc của Công ty Diing Long Việt Nam (Bình Dương) mà theo báo Đầu tư, đang nợ thuế khoảng 17 tỉ đồng và nợ ngân hàng 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã bỏ trốn về nước.

Diing Long chính là ví dụ điển hình mà Tổng cục Hải quan đưa ra để phát đi lời cảnh báo về việc một số doanh nghiệp FDI lợi dụng quy định thông thoáng của Luật Thuế xuất nhập khẩu và Luật Quản lý thuế để trốn thuế hàng chục tỉ đồng.

Trong một văn bản cách đây nửa năm, Tổng cục Hải quan nhận định: “Trong thời gian được miễn thuế hoặc được ân hạn thời gian nộp thuế, nhiều doanh nghiệp FDI tranh thủ nhập hàng hóa, sau đó, tự ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ về nước. Hậu quả là cơ quan hải quan không thể thu hồi được khoản nợ thuế bị treo lại của các đối tượng này”.

Tổng cục Hải quan nhận định rằng, tình trạng gian lận trong khai báo hàng hóa nhập khẩu đang diễn ra khá phức tạp và ở mức đáng báo động. Hành vi này không chỉ làm ngân sách nhà nước thất thu khoản tiền thuế lớn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng.

Bức xúc trước tình trạng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong một bài viết đã tỏ ra gay gắt khi nêu hàng loạt thắc mắc có thể nảy sinh:

Một là, lâu nay chúng ta vẫn cứ buông tha cho những doanh nghiệp FDI trốn thuế, trong khi trừng phạt tới nơi tới chốn những doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ trong nước mỗi khi họ bị coi là có vi phạm. Tất nhiên mọi doanh nghiệp lớn nhỏ đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật, nhưng trên thực tế, trong số những doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nhỏ bị coi là vi phạm, không ít trường hợp bị oan do sự thay đổi quá nhanh của các quy định, hoặc do cách làm việc khác nhau của chính ngành thuế. Mặt khác, thu từ hàng trăm doanh nghiệp nhỏ có khi cũng chỉ bằng khoản thất thu ở một “đại gia”.

Hai là, ngành thuế liên tục cải cách mà vẫn không đủ năng lực làm rõ để giải tỏa mối nghi ngờ và giải quyết câu chuyện trốn thuế nói trên.

Ba là, bộ phận nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm về tình trạng để cho ngân sách, và rộng hơn là lợi ích của đất nước, bị thua thiệt như thế này? Hay là mọi sự thua thiệt lại đổ hết lên đầu đông đảo người dân và doanh nghiệp, vốn đang liêu xiêu do tình hình kinh tế nước nhà khó khăn hiện nay?

Bốn là, ngoài doanh nghiệp FDI, liệu còn các doanh nghiệp lớn nào khác cũng đang áp dụng những thủ thuật tương tự không? Trong giới doanh nghiệp, người ta bảo rằng: “Tây” chuyển giá thì “ta” cũng gửi giá, kém gì nhau.

“Chuyển giá” là khi doanh nghiệp FDI nhập khẩu thiết bị, vật tư từ công ty mẹ hoặc công ty trong hệ thống của họở bên ngoài cố tình đẩy chi phí lên cao, để lợi nhuận chảy về công ty ở bên ngoài, còn công ty con ở Việt Nam sẽ không còn lợi nhuận mà nộp thuếở Việt Nam. “Gửi giá” là khi doanh nghiệp Việt Nam mặc cả với nhà cung cấp bên ngoài để giá ký kết trong hợp đồng cao hơn giá thực mua, rồi phần chênh lệch cao hơn đó sẽ được gửi vào tài khoản do bên mua chỉ định. “Gửi giá” chẳng khác “chuyển giá” bao nhiêu, vì các khoản này đều nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, còn doanh nghiệp lại được tiếng bỏ vốn nhiều, có dự án đầu tư hoành tráng, có thể nhận nhiều ưu đãi về đất đai, thời hạn miễn giảm thuế.

Thiết nghĩ việc chống thất thu thuế phải bắt đầu trước tiên từ chính trách nhiệm, năng lực và đạo đức của các cơ quan và con người trong hệ thống Nhà nước và không nên đổ lỗi hết cho chính sách vốn còn nhiều khiếm khuyết.

Minh Trí

Exit mobile version