Rất nhiều người thích xem phim kinh dị…, tuy rùng rợn, ma mị nhưng lại hấp dẫn. Qua nghiên cứu, khoa học phát hiện thấy hàng loạt các phản ứng sinh học lạ diễn ra trong cơ thể khi chúng ta xem loại hình nghệ thuật này.
Phim kinh dị là thể loại điện ảnh gợi cho người xem nỗi sợ hãi nguyên thủy thông qua cốt truyện, và những hình ảnh rùng rợn, ma mị kèm theo âm thanh sợ hãi, máu me, chết chóc… hay cả những cảnh thót tim mang tính siêu nhiên, vì vật thể loại phim này đôi khi lấn sân cả phim giả tưởng hay viễn tưởng.
Chủ đề hoặc các yếu tố phổ biến trong các phim kinh dị điển hình như các hồn ma, oan hồn, tra tấn, người sói, ma sói, lời nguyền cổ xưa, bùa chú, ngải, quỷ sứ sa tăng, quái vật, quái thú ngoài hành tinh hay từ địa ngục cho đến ma cà rồng, xác chết biết đi, nhà bị ma ám…
Vì sao phim kinh dị lại thu hút người xem?
Tuy ma (đôi khi được gọi là Zombie) làm đa số người sợ, nhưng chính người xem lại thích những nỗi sợ kiểu này. Các nhà sản xuất ma đã nắm tâm lý ấy, cho ra đời những bộ phi ma hào hiệp, ma có tình người chuyên giúp đỡ người khác, pha chút hài khiến người xem càng thêm hưng phấn.
Nhà xã hội học người Mỹ Margee Kerr, mới đây đã hoàn thành một nghiên cứu, phát hiện thấy, tuy những nơi ma ám, sợ hãi lại là những địa danh con người thích khám phá nhất.
Giống như du lịch mạo hiểm, càng mạo hiểm càng thu hút tính tò mò của con người. Nhà nữ khoa học này còn đi sâu nghiên cứu, nguyên nhân khiến con người lại sợ hãi.
Theo Margee Kerr, tính sợ hãi của con người có liên quan đến sự hội tụ các phản ứng sinh học do hoàn cảnh gây ra. Khi xem phim ma, người xem thực sự cảm thấy sợ hãi nhưng trong môi trường an toàn, và không mang tính nguy hiểm thực sự.
Khi xem phim kinh dị người xem chỉ ngồi trong nhà, thậm chí không cần phải đóng cửa, nhưng khi đi vào một ngôi nhà bị ma ám sự sợ hãi này lại khác. Nỗi sợ khi xem phim kinh dị khác với nỗi sợ trong đời thực.
Các kích hoạt phản ứng có tên fight-or-flight response (chiến đấu hay bỏ chạy). Phản ứng này có thể hiểu, trong bối cảnh nguy hiểm chỉ có hai cách chọn lựa, chiến đấu để sinh tồn hoặc bỏ chạy để… sinh tồn.
Lúc này, cơ thể bài tiết thêm nhiều hormone có tên dopamine. Đây là một phản ứng sinh học, nhưng não bộ lại xử lý nó không phải là mối đe dọa thực sự.
Hóa ra, nỗi sợ hãi xem phim kinh dị đôi khi lại có lợi, bởi sau đó là sự giải thoát, là tiếng cười có ích. Nói cách khác, đây là các phản ứng sinh học lợi nhiều hơn hại, đặc biệt là đốt cháy năng lượng, gắn kết cộng đồng, rủ nhiều người cùng xem.
Những tác động của phim kinh dị đối với cơ thể con người
* Đốt cháy calo: Theo một nghiên cứu năm 2012 do Đại học Westminster, Anh (UoW), thực hiện, cơ thể con người thực sự đốt cháy một lượng calo nhất định trong khi xem phim kinh dị.
Trong nghiên, các nhà khoa học ở UoW đã đo lượng oxy hít vào và carbon dioxide (CO2) thải ra và đo nhịp tim. Kết quả, xem mỗi phim kinh dị trung bình đốt cháy khoảng 113 calo, tương đương với lượng calo đốt cháy khi đi bộ 30 phút. Nếu phim thuộc loại “siêu kinh dị” thì lượng đốt cháy calo càng cao bởi nó kích hoạt tới mọi ngõ ngách của cơ thể, làm cho người ta “sợ run lên”, tim đập nhanh hơn do adrenaline tăng vọt.
Ví dụ như phim The Shining (1980), Jaws và The Exorcist, 3 phim này đứng vị trí đầu bảng về đốt cháy calo, bình quân đạt đốt cháy khoảng 184 calo/phim.
* Tim làm việc với công suất lớn: Điều này diễn ra theo đúng nghĩa đen, kết luận được rút ra từ một nghiên cứu của ĐH Y khoa London (UCL) trong nhóm người tình nguyện.
Sau khi xem phim kinh dị cơ thể con người có sự thay đổi rõ ràng về huyết áp, nhịp tim, và thậm chí cả ở cơ tim.
Trang tin Play.com của Anh xếp những phim có lượng người xem trên 10.000 là phim có mức độ đáng sợ nhất, như The Shining, The Exorcist, và Cơn ác mộng trên phố Elm Street… đây là những ấn phẩm làm cho tim hoạt động cao nhất, nhịp tim của người xem tăng trung bình 25,3%, giống như tập thể dục nhẹ, riêng nhóm người có sức khỏe tim mạch yếu, mức này cao hơn.
* Kích hoạt phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”: Cùng với nhịp tim tăng, đốt cháy calo, phim kinh dị còn kích hoạt não, tạo ra phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”. Đây là những phản hồi cơ bản và sinh học của cơ thể nhằm duy trì sự sinh tồn của con người.
Chuyên gia tâm lý học ở Đại học Concordia, Anh, cùng đồng nghiệp thực hiện một nghiên cứu dài kỳ trên não những người xem phim kinh dị, phát hiện thấy, một số vùng quan trọng trong não bộ như amygdala (nơi xử lý mối đe dọa và sợ hãi), vùng hippocampus (tạo cơ chế “chiến đấu hoặc bỏ chạy”) hoạt động mạnh hơn so với nhóm đối chứng.
* Tạo ra nhiều điều tích cực cho cơ thể: Theo nghiên cứu của Đại học Vanderbilt do tiến sĩ David Zald đứng đầu, phát hiện thấy những người thích xem phim kinh dị thì não của họ sản sinh ra nhiều dopamin, giúp đối phó tốt hơn với các tình huống khủng khiếp, giúp con người dạn dĩ hơn so với nhóm người chưa từng gặp phải tình huống này. Càng nhiều dopamin được bài tiết thì khả năng đối phó với tình huống bất trắc càng tốt hơn.
Theo một nghiên cứu khác của Đại học Bonn (UoB), Đức, phim kinh dị còn kích hoạt một phản ứng di truyền.
Đó là gien COMT, gien làm nhiệm vụ tạo ra các tín hiệu truyền tin trong não và điều tiết các tín hiệu truyền từ dây thần kinh này sang dây thần kinh một cách hợp lý hơn. Nghiên cứu của UoB cho thấy, những người có hai bản sao gien COMT nhạy cảm với sự sợ hãi hơn.
Nói cách khác, khi xem phim kinh dị, mức độ lo lắng của nhóm người này có thể được kiềm chế, thậm chí họ còn cười và thấy vui vẻ, trong khi đó những người khác lại sợ hãi thực sự.
* Phim kinh dị gây quá tải hệ miễn dịch: Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NLM), bạch huyết cầu là nhóm các tế bào giúp cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng, dị ứng nhưng khi xem những bộ phim kinh dị rùng rơn, nó lại cho bạch huyết cầu hoạt động quá tải.
Một nghiên cứu khác của Đại học Coventry, Anh, đã so sánh mức độ bạch cầu của một nhóm đối chứng với nhóm lần đầu xem phim vụ thảm sát Texas của Mỹ, có tên The Texas Chainsaw Massacre (1974) cho thấy cơ thể của những người tình nguyện có nhiều bạch cầu hơn, huyết áp và nồng độ hemoglobin tăng cao so với nhóm đối chứng. Điều này cho thấy phim kinh dị thực sự gây căng thẳng cho hệ thống miễn dịch.
Đến nay, khoa học vẫn chưa hiểu, liệu sự gia tăng bạch cầu có giúp cho con người chống lại cảm cúm hay không nhưng việc gia tăng bạch cầu này dường như không làm tổn thương đến cơ thể.
* Trẻ phản ứng với phim kinh dị khác với người lớn: Nữ tiến sĩ người Mỹ Margee Kerr, chuyên gia xã hội học về sự sợ hãi mới đây cùng cộng sự kết thúc nghiên cứu về nỗi sợ hãi có từ nhiều nguồn gốc, công bố nghiên cứu trên tờ The Atlantic và khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cảnh giác và hạn chế cho trẻ xem hay tiếp xúc với những môi trường rùng rợn, gây sợ hãi.
Tâm trí trẻ nhỏ dễ bị tổn thương nếu cho chúng tiếp xúc sớm với những cảnh bạo lực, kinh dị hay ma mị, mà giới tâm lý gọi bằng thuật ngữ flashbulb memory (Ký ức sáng tỏ). Thuật ngữ này nói về những trải nghiệm nổi bật trong ký ức.
Một khi chứng kiến những cảnh này thì cả cuộc đời còn lại sẽ bị ám ảnh bởi ký ức nói trên vì não của trẻ còn non nớt và đang phát triển. Như trường hợp Baby Albert, bé trai 9 tháng tuổi hay còn được gọi là Albert bé nhỏ, người đã tham gia thí nghiệm đầu thập niên 20 ở thế kỷ trước.
Ban đầu, Albert được xem một con chuột trắng, một con chó, một con thỏ trắng và một chiếc mặt nạ Santa Claus (ông già Noel). Cậu bé lúc đầu rất hứng và không sợ hãi.
Tuy nhiên, mỗi lần Albert chạm vào lũ động vật, các nhà khoa học lại đánh một hồi chuông thật mạnh đằng sau tạo nên thứ âm thanh chát chúa.
Âm thanh khiến em hoảng sợ và sau đó, Albert thấy sợ mỗi khi nhìn chuột hay mặt nạ Santa Claus, thậm chí cả áo khoác lông cũng làm em sợ.
Một nghiên cứu khác của Đại học Michigan đã xem xét những tác động của phim kinh dị và phát hiện thấy cứ 4 trẻ xem loại phim này thì có 1 trẻ bị trầm cảm vào những năm cuối đời, thậm chí có trường hợp xem phim Jaws còn xuất hiện tinh trạng đổ mồ hôi, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, khó thở… thậm chí xuất hiện cả cảm giác tê liệt.
Vì vậy, giới tâm lý khuyến cáo các bậc cha mẹ nên hạn chế, không cho trẻ tiếp xúc với phim kinh dị, phim bạo lực hay những ấn phẩm không phù hợp độ tuổi của chúng.