Các bộ trưởng ngân khố và tài chính của Australia, Canada, Indonesia và Singapore kêu gọi hai siêu cường kinh tế chấm dứt cuộc chiến thương mại và tránh gây thiệt hại cho các quốc gia khác.
Australia, Canada, Indonesia và Singapore – bốn nước thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) – vừa cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến toàn bộ hệ thống đa phương hiện nay có nguy cơ sụp đổ.
Trong một tuyên bố chung công bố vào ngày 13-9, các bộ trưởng ngân khố và tài chính của Australia, Canada, Indonesia và Singapore kêu gọi hai siêu cường kinh tế chấm dứt cuộc chiến thương mại và tránh gây thiệt hại cho các quốc gia khác.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hôm 12-9 rằng ông sẽ hoãn tăng thuế thêm 5% đối với hàng hóa Trung Quốc, trước khi các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được nối lại vào tháng tới.
Tuyên bố chung kêu gọi thế giới cần phải ngăn chặn sự quay trở lại của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.
Tuyên bố nêu rõ tại thời điểm này, căng thẳng thương mại gia tăng là một mối quan ngại nghiêm trọng, dù có những vấn đề chính đáng phải được giải quyết, nhưng nguy cơ gây thiệt hại đang gia tăng.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo tài chính bốn nước nói trên khẳng định hệ thống Bretton Woods được hình thành kể từ sau Thế chiến thứ hai đã đem lại sự thịnh vượng và “một mạng lưới an toàn tài chính” đảm bảo thành công chung giữa các quốc gia.
Theo tuyên bố, các hệ thống đa phương đảm bảo an ninh kinh tế và chính trị cho phép cả các nước lớn và nhỏ phát huy tiềm năng của mình.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh là các nước thụ hưởng hệ thống này, các nước có trách nhiệm bảo vệ các tổ chức đã đem lại thành công kinh tế chung và cần phải đồng thuận về những thách thức toàn cầu.
Theo các nhà lãnh đạo, sự không chắc chắn về triển vọng trong tương lai đang làm chậm lại hoạt động thương mại và sản xuất. Thế giới đã chứng kiến thị trường tài chính và tiền tệ bất ổn trở lại và dòng vốn đổ vào các nền kinh tế mới nổi giảm sút.
Điều kiện thương mại toàn cầu bị suy yếu đang ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đầu tư kinh doanh và năng suất.
Các nhà lãnh đạo cho rằng theo đuổi đối đầu thay vì đối thoại sẽ chỉ làm trầm trọng thêm rủi ro, làm xói mòn niềm tin và làm suy yếu triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố chung kêu gọi các nước cần thực hiện các bước để đảo ngược xu hướng này, thúc đẩy hệ thống đa phương dựa trên các quy tắc, bảo vệ thị trường tự do và mở cửa để đảm bảo tăng trưởng mạnh hơn và thịnh vượng hơn cho tất cả các nước.